(Congannghean.vn)-Trong mỗi kỳ thi, việc ra đề thi luôn là khâu quan trọng. Chất lượng của đề thi ảnh hưởng lớn đến kết quả chung của cả kỳ thi. Tính chất phức tạp, nhạy cảm của đề thi và khâu ra đề thi được thể hiện ở chỗ, nó thường là tâm điểm gây bàn tán sau mỗi kỳ thi. Trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, những nội dung liên quan đến đề thi lại được đưa lên “bàn cân”.
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, đội ngũ giáo viên và bản thân các thí sinh - những người “trong cuộc”, đề thi năm nay nhìn chung tốt, vừa đảm bảo việc kiểm tra kiến thức cơ bản, vừa có khả năng phân loại học lực của học sinh. Mặc dù vậy, đã có một sự cố đáng tiếc xảy ra với môn Vật lý - môn thi được tiến hành với hình thức thi trắc nghiệm. Cụ thể, câu 44 mã đề thi 274 (tương ứng với câu 43 mã 138; câu 50 mã 426; câu 41 mã 841; câu 43 mã 682, câu 43 mã 935) là một dạng bài về dòng điện xoay chiều quen thuộc. Tuy nhiên, nếu suy xét toàn diện hơn, các dữ kiện của câu hỏi này đúng về mặt Toán học mà chưa đủ ý nghĩa Vật lý. Để đảm bảo quyền lợi của thí sinh, trên cơ sở đề xuất của Hội đồng ra đề thi, Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2015 quyết định giữ nguyên đáp án và hướng dẫn chấm môn Vật lý.
Riêng đối với câu 44 mã đề thi 274, câu 43 mã đề thi 138, câu 50 mã đề thi 426, câu 41 mã đề thi 841, câu 43 mã đề thi 682, câu 43 mã đề thi 935, tất cả các thí sinh đều được 0,2 điểm; thang điểm các câu còn lại không thay đổi, điểm tối đa toàn bài thi môn Vật lý vẫn là 10 điểm. Như vậy, “sự cố” đáng tiếc trên đã được Bộ GD&ĐT có phương án điều chỉnh, sửa chữa kịp thời và về cơ bản, không ảnh hưởng lớn đến kết quả thi cuối cùng của thí sinh. Mặc dù vậy, sự việc đáng tiếc trên khiến cho dư luận xã hội, các bậc phụ huynh và học sinh không khỏi băn khoăn về tính chặt chẽ, khoa học, chính xác của khâu ra đề thi trong những kỳ thi quan trọng, nhất là khi kỳ thi THPT quốc gia lần đầu tiên được tổ chức.
Tránh sự cố trong đề thi nhằm giúp học sinh yên tâm làm bài và đảm bảo công bằng trong chấm thi |
Điều đáng nói là, những sự cố về đề thi không phải là chuyện hy hữu mà đã có “lịch sử”. Còn nhớ, 10 năm trước, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT năm học 2004 - 2005, hàng loạt các sai sót về đề thi ở các môn Vật lý, Địa lý và Hóa học đã được phát hiện ngay sau khi kỳ thi kết thúc. Ở môn Vật lý hệ bổ túc THPT, có một câu của phần lý thuyết tự chọn nằm ngoài chương trình thi mà Bộ GD&ĐT đã ban hành. Tương tự ở môn Địa lý hệ bổ túc THPT, phần câu hỏi tự chọn của đề thi yêu cầu thí sinh phải trình bày về điều kiện tự nhiên của sông Hồng nhưng phần này lại không nằm trong khung nội dung mà Bộ đã gửi cho các sở GD&ĐT trước đó. Ở môn Hóa học, đề thi yêu cầu thí sinh trình bày một đằng nhưng hướng dẫn chấm thi lại “một nẻo”. Bộ GD&ĐT đã từng phải “chữa cháy” theo một phương thức hết sức quen thuộc là điều chỉnh hướng dẫn chấm thi.
“Vết xe đổ” về đề thi năm nay lặp lại ở môn Vật lý, là một trong 4 môn thi thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Qua sự việc đáng tiếc trên, những ưu điểm và cả hạn chế của hình thức thi trắc nghiệm mà bấy lâu nay các nhà chuyên môn và dư luận cảnh báo đã xảy ra. Theo đó, ưu điểm nổi bật nhất của hình thức thi trắc nghiệm là chống “bệnh dạy tủ, học tủ”, hạn chế tối đa tình trạng thí sinh sử dụng tài liệu, quay cóp. Kể cả lúc thí sinh mang được tài liệu vào phòng thi thì cũng không dễ sử dụng bởi điều kiện thời gian không cho phép. Mặc dù vậy, hình thức thi trắc nghiệm cũng bộc lộ một số hạn chế như: Không thấy được khả năng trình bày, diễn đạt, tổ chức bài làm của học sinh. Đặc biệt là ở khâu ra đề thi, do yêu cầu phải có một số lượng lớn các câu hỏi trắc nghiệm, việc xây dựng được một “ngân hàng” câu hỏi có chất lượng không phải là việc dễ dàng. Đó là chưa kể đến khả năng bảo mật đề thi cũng gặp nhiều khó khăn.
Để những “sự cố” trong khâu ra đề thi không còn tiếp diễn, trước hết, Bộ GD&ĐT phải thực sự công phu và kỹ lưỡng trong việc chọn, thành lập hội đồng ra đề và phản biện đề thi. Các hội đồng này thực hiện những chức năng, nhiệm vụ độc lập, không phụ thuộc lẫn nhau. Thành phần của các hội đồng này bao gồm đội ngũ giảng viên của các trường đại học, cao đẳng; chuyên viên của các Sở GD&ĐT và nhất thiết phải có sự tham gia của đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm và năng lực đến từ các trường THPT. Bởi hơn ai hết, họ là những người hàng ngày trực tiếp giảng dạy, tiếp xúc với đối tượng học sinh phổ thông và chương trình SGK phổ thông.
Đối với “tác giả” của những sự cố, sai sót về đề thi, Bộ GD&ĐT cần có chế tài xử lý nghiêm chứ không thể xử lý mang tính nội bộ, qua loa theo kiểu “giơ cao đánh khẽ”. Bởi chỉ cần một chút “chủ quan” của người ra đề, có thể khiến hàng triệu thí sinh phải “dở khóc, dở cười”. Nhằm phục vụ cho các môn thi thi theo hình thức trắc nghiệm, việc xây dựng “ngân hàng” câu hỏi cần được tiến hành từ sớm để có thời gian lựa chọn, phân loại. Bên cạnh đó, khâu phản biện đề thi cần được thực hiện nghiêm túc, chu đáo để có thể kiểm định được tính chính xác, khoa học, chuẩn mực của đề thi, đồng thời hạn chế tối đa những sai sót, sơ suất không đáng có.
.