Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201507/dap-an-mon-ngu-van-co-gay-kho-cho-giam-khao-622219/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201507/dap-an-mon-ngu-van-co-gay-kho-cho-giam-khao-622219/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Đáp án môn Ngữ văn có 'gây khó' cho giám khảo? - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 12/07/2015, 08:33 [GMT+7]

Đáp án môn Ngữ văn có 'gây khó' cho giám khảo?

(Congannghean.vn)-Trong kỳ thi THPT quốc gia vừa diễn ra, đề thi môn Ngữ văn được dư luận đánh giá là “vừa sức” với thí sinh. Cấu trúc đề thi tương đồng với đề thi minh họa đã được Bộ GD&ĐT công bố từ ngày 31/3. Trong đó, ngoài phần làm văn (nghị luận văn học và nghị luận xã hội) như mọi năm, đề thi còn có thêm phần thi đọc hiểu nhằm đánh giá năng lực đọc hiểu văn bản của thí sinh với các mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng.
 
Nội dung các câu hỏi đề cập tới một số vấn đề đang thu hút được sự quan tâm của nhiều người như: Vấn đề biển đảo, kỹ năng sống… Ngay sau khi kỳ thi kết thúc, cùng với các môn khác, Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố đáp án môn Ngữ văn. Theo ý kiến của nhiều giáo viên và học sinh thì đáp án của Bộ là khá “mở”. Trong khi đó, với không ít giám khảo, đáp án khá “mở” ấy dường như lại “gây khó” cho khâu chấm thi.
 
Với môn Ngữ văn và các môn khoa học xã hội khác, đáp án thường có dung lượng dài hơn so với đề thi từ 3 - 4 lần. Nhưng năm nay, cầm trên tay đáp án, so với đề thi, có thể nhận thấy, mặc dù có số trang tương đương nhau (2 trang) nhưng dung lượng đề thi còn… dài hơn cả đáp án. Cách trình bày cấu trúc đáp án dường như đã được “đơn giản hóa” hết mức có thể. Phần thi đọc hiểu bao gồm 8 câu hỏi phụ, yêu cầu thí sinh trả lời các câu hỏi đọc hiểu đối với 2 văn bản thơ và văn xuôi. Đáng nói là, ở một số câu, giữa đề thi và đáp án dường như có “độ vênh”, nếu như không muốn nói, câu hỏi một đằng, đáp án một nẻo.
 
Chẳng hạn, ở câu hỏi 4 phần đọc hiểu đoạn trích trong bài thơ “Hát về một hòn đảo” của nhà thơ Trần Đăng Khoa, nội dung câu hỏi là: “Đoạn thơ đã gợi cho anh/chị tình cảm gì đối với những người lính đảo?”. Với câu hỏi này, rất nhiều khả năng thí sinh sẽ trả lời đại ý như: Đoạn thơ đã gợi cho bản thân những tình cảm yêu quý, khâm phục, ngưỡng mộ, biết ơn… những người lính đảo. Nghĩa là, mục đích câu hỏi yêu cầu học sinh phải nêu ra được những cảm xúc của bản thân được “đánh thức” sau khi cảm nhận về những nỗi vất vả, gian lao mà những người lính đang ngày đêm canh giữ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc đã trải qua.
 
Tuy nhiên, đáp án chỉ nêu chung chung: “Bày tỏ được tình cảm chân thành, sâu sắc dành cho những người lính đảo”. Trong khi đó, “chân thành”, “sâu sắc” trong đáp án là những từ thể hiện mức độ tình cảm chứ không phải những tình cảm được gợi ra như mục đích, ý đồ của câu hỏi trong đề thi. Tương tự như vậy, ở câu 8 thuộc phần đọc hiểu đoạn trích văn bản văn xuôi “Nguồn gốc sâu xa của hiểm họa”, nội dung của câu hỏi là “Anh/chị có suy nghĩ như thế nào khi có những người “chỉ lo túi tiền rỗng đi nhưng lại không biết lo tâm hồn mình đang vơi cạn, khô héo dần?”.
 
Mục đích câu hỏi yêu cầu thí sinh nêu suy nghĩ của bản thân về những người quá tôn sùng, đề cao tiền bạc và các giá trị vật chất, không quan tâm nhiều tới đời sống tâm hồn. Nhiều thí sinh có thể sẽ có những câu trả lời đại loại như: Cảm thấy băn khoăn, trăn trở, lo lắng, cần phải phê phán…Trong khi đó, đáp án lại khá mơ hồ: “Thể hiện được suy nghĩ chân thành, sâu sắc trước hiện tượng”. Không có những gợi dẫn mang tính định hướng cụ thể, sát thực, giám khảo rất có thể sẽ phải “đoán ý cho điểm”. Không chỉ có sự “không ăn ý” giữa câu hỏi trong đề thi với đáp án mà sự sơ sài trong đáp án cũng “gây khó” cho giám khảo. 
 
Câu nghị luận xã hội (3 điểm) yêu cầu thí sinh bày tỏ suy nghĩ của mình về vấn đề “Việc rèn luyện kỹ năng sống cũng cần thiết như việc tích lũy kiến thức”. Với đề nghị luận xã hội, dạng đề nghị luận về một tư tưởng đạo lý, thao tác lập luận giải thích luôn được xác định là thao tác quan trọng đầu tiên mà thí sinh phải sử dụng để làm rõ nội hàm của tư tưởng đạo lý được thể hiện trong ý kiến ở đề bài. Mặc dù vậy, trong đáp án chỉ nêu ngắn gọn: “Từ việc giải thích khái niệm kỹ năng sống và kiến thức, thí sinh nêu khái quát nội dung ý kiến”. Mặc dù không còn quá xa lạ nhưng khái niệm kỹ năng sống còn khá mới với không ít học sinh phổ thông.
 
Thay vì chỉ định hướng chung chung, trừu tượng, đáp án nên “vạch” ra một số gợi dẫn cụ thể liên quan tới các thuật ngữ “kỹ năng sống”, “kiến thức”. Chẳng hạn như: Kiến thức là những hiểu biết về tự nhiên xã hội được tích lũy qua quá trình học tập; kỹ năng sống là cách ứng xử phù hợp trong mọi mối quan hệ, khả năng ứng phó với những sự biến đổi không ngừng trong cuộc sống… Trong đề thi, câu nghị luận văn học có số điểm cao nhất (4/10) nhưng đáp án cũng hết sức đơn giản, đơn thuần chỉ là những gợi dẫn mang tính định hướng chung mà không đi vào những khía cạnh, phương diện cụ thể cần phải triển khai trong bài làm.
 
Quy chế chấm thi đã ghi rõ: Giám khảo phải tuân thủ nghiêm nguyên tắc chấm hai vòng độc lập. Với đáp án tối giản và có độ “thoáng” cao như vậy, việc lệch điểm (ở biên độ lớn) giữa hai giám khảo khi chấm độc lập rất có thể xảy ra. Điều này có thể ảnh hưởng tới tính chính xác cũng như tiến độ của việc chấm thi, nhất là khi Bộ GD&ĐT đã ấn định hạn chót phải nộp dữ liệu điểm là ngày 20/7.  
.

Tuấn Minh