(Congannghean.vn)-Trung đoàn 27 (còn gọi là Đoàn Triệu Hải anh hùng) được thành lập ngày 8/2/1968, gồm 3 tiểu đoàn, 9 đại đội trực thuộc, quân số chủ yếu ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Do yêu cầu của cuộc chiến đấu, chưa đầy 2 tháng sau khi thành lập, Trung đoàn nhận lệnh vượt sông Bến Hải vào đánh địch tại 2 huyện Gio Linh và Cam Lộ (Quảng Trị), lập được những chiến công đầu tiên trên mặt trận nóng bỏng nơi đây. Từ năm 1968 đến 1970, cán bộ chiến sỹ trong Trung đoàn đã đánh hàng trăm trận lớn nhỏ và lập nhiều chiến công xuất sắc. Điển hình như trận phục kích 2 đại đội lính Mỹ và Pắc Chung Hy tại làng Gia Bình vào ngày 6/3/1968 của Tiểu đoàn 2, tiêu diệt hơn 100 tên lính; hay trận đánh càn ở làng Phúc Sa ngày 11/3/1968, cán bộ chiến sỹ Tiểu đoàn 3 đã mai phục, bắn cháy 6 xe tăng, tiêu diệt gần 500 tên địch…
CCB Trung đoàn 27 thắp hương tưởng nhớ các đồng đội đã hy sinh tại Nghĩa trang liệt sĩ Quảng Trị |
Những năm 1971 - 1972, Trung đoàn đã đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 917, đập tan ý đồ “Việt Nam hoá chiến tranh” của Mỹ, tiêu diệt hàng trăm tên địch, hàng chục xe tăng, xe cơ giới… Đầu tháng 10/1973, theo chỉ thị của Bộ Tổng Tham mưu, Trung đoàn 27 được điều về, sáp nhập vào Sư 320B, Quân đoàn 1, cùng đại quân tham gia đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu nguỵ, giải phóng Sài Gòn…
Với những chiến công, thành tích vang dội, Trung đoàn 27 đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nhiều tập thể trực thuộc, nhiều cá nhân của Trung đoàn cũng được phong tặng danh hiệu cao quý này mà tiêu biểu là Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Trung đoàn phó Trung đoàn 27.
Sự hy sinh to lớn của CBCS Trung đoàn 27 cũng thật lớn lao. Từ khi thành lập cho đến khi giải phóng miền Nam, qua 7 năm (từ 1968 - 1975), đã có 3.500 CBCS của Trung đoàn 27 ngã xuống. Riêng CBCS người Nghệ An trong Trung đoàn đã có 950 người hy sinh, trong đó 700 người hiện nay vẫn chưa rõ đang yên nghỉ ở nghĩa trang nào, khu vực nào trên các chiến trường.
Những người lính của Trung đoàn 27 may mắn còn sống sau chiến tranh, trở về với cuộc sống đời thường nhưng năm tháng trôi qua, dù cuộc sống mưu sinh vất vả vẫn không làm họ nguôi ngoai nỗi nhớ đồng đội. Những lời nhắn gửi, tâm tư của các đồng đội trước lúc hy sinh cùng kỷ niệm của một thời trận mạc làm họ nhớ thương da diết những người bạn chiến đấu đã hy sinh thuở còn mười tám, đôi mươi và họ thấy mình vẫn còn “nợ” các liệt sĩ một điều gì đó…
Hàng năm, cứ vào dịp giải phóng miền Nam 30/4 hay Ngày thương binh liệt sĩ 27/7, các cựu chiến binh (CCB) Trung đoàn 27 lại tổ chức các hoạt động hành hương về nguồn, thăm lại chiến trường xưa, tổ chức gặp mặt, giao lưu đồng đội, tri ân, tặng quà gia đình chính sách, thân nhân liệt sĩ…
Xúc động trào nước mắt khi những CCB tuổi đã gần 70 trong các chuyến hành hương về nguồn không kịp nghỉ tại khách sạn mà vào tận khu rừng nơi các liệt sĩ hy sinh để mắc võng nghỉ qua đêm, “tâm sự” cùng các người bạn đã ngã xuống, ôn lại một thời khói lửa cách đây đã gần nửa thế kỷ… Không cảm động sao được khi những CCB Trung đoàn 27 ở khắp mọi miền đất nước đã đưa đất ở Lạng Sơn, Thái Bình, đưa nước Sông Lam, sản vật của các vùng, miền vào với các liệt sĩ đã hy sinh để rải đều xuống các nghĩa trang ở Quảng Trị, nơi các liệt sĩ yên nghỉ hay các khu rừng ngày xưa Trung đoàn đóng quân, chiến đấu và rải xuống sông Thạch Hãn, “con sông máu” với “đáy sông còn đó bạn tôi nằm”.
Với cấp độ chỉ là một Trung đoàn, nhưng ngày 20/7/2015 này, các CCB Trung đoàn 27 lại có cuộc gặp mặt tri ân đại biểu các gia đình liệt sĩ của Trung đoàn lần thứ 2 với các hoạt động tri ân, tặng quà mẹ Việt Nam anh hùng, bố, mẹ, vợ, con liệt sĩ… của Trung đoàn tại địa bàn tỉnh Nghệ An.
Cuộc gặp mặt có sự tham gia của hàng trăm thân nhân gia đình liệt sĩ của Trung đoàn 27 cùng sự hiện diện của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trung tướng Hoàng Kỳ, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng; lãnh đạo tỉnh Nghệ An, tỉnh Quảng Trị, lãnh đạo các sở, ban, ngành cùng các CCB Trung đoàn năm xưa.
Họ đã gửi tới thông điệp: “Thế hệ chúng tôi, dù tuổi đã sao, sức đã yếu, “chân chồn, gối mỏi”… nhưng chúng tôi vẫn luôn sống vì đồng chí, đồng đội, vì người thân của những người bạn chiến đấu đã ngã xuống cách đây gần tròn nửa thế kỷ. Và chúng tôi sẽ tiếp tục các hoạt động này cho đến khi sức cùng, lực kiệt… Bởi chúng tôi hiểu rằng, việc làm của những người đang sống chỉ là những việc nhỏ thay cho các anh - những liệt sĩ đã hy sinh cuộc đời mình cho sự trường tồn của Tổ quốc - để tri ân tới các bậc sinh thành”.
.