Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201507/nhan-dien-toi-pham-mua-ban-nguoi-623841/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201507/nhan-dien-toi-pham-mua-ban-nguoi-623841/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nhận diện tội phạm mua bán người - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 18/07/2015, 08:47 [GMT+7]

Nhận diện tội phạm mua bán người

(Congannghean.vn)-Trong khoảng thời gian 5 năm trở lại đây, lợi dụng sự thiếu hiểu biết và sự nhẹ dạ cả tin của bà con đồng bào dân tộc thiểu số, một số đối tượng đã rủ rê, mua chuộc để đưa chị em phụ nữ và trẻ em sang Trung Quốc bán. Với việc vẽ ra viễn cảnh tốt đẹp nơi xứ người, không ít trẻ vị thành niên rời ghế nhà trường, những bà mẹ trẻ lén lút giấu giếm chồng con, đã lặng lẽ ra đi rồi sa chân vào "động quỷ", tạo nên những tấn bi kịch nhói lòng ở vùng cao.
 
Kỳ I: Thâm nhập “điểm nóng” mua bán người
 
Các huyện Con Cuông, Tương Dương và Kỳ Sơn, trong những năm qua luôn là địa bàn nhức nhối về tệ nạn mua bán người. Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, bị lừa bán sang Trung Quốc. Nhiều người trong số đó đã mất tích ngay sau khi rời nhà ra đi, một số ít may mắn tự đào thoát trở về trong tình trạng thân tàn ma dại. Những đứa trẻ mất mẹ, cha mất con, chồng “mồ côi” vợ… là thực trạng buồn tại nhiều bản làng ở các huyện miền Tây sau khi “cơn bão” mua bán người quét qua.
 
Ám ảnh tệ nạn mua bán người ở miền Tây
 
Bản Hồng Điện, xã Đôn Phục, huyện Con Cuông, một trong những địa bàn “nóng” về tình trạng đưa phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài, thời gian này vắng lạ kỳ. Thời kỳ cao điểm nhất, Hồng Điện có mấy chục người bị lừa bán ra nước ngoài. Cả bản hiện có 117 hộ dân với 502 nhân khẩu. Thời điểm đông nhất, bản Hồng Điện có trên 20 người đi ra nước ngoài làm ăn. Thời điểm hiện tại, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Trưởng bản Vi Xuân Hoàng, còn trên 10 người đi làm ăn xa, không rõ địa chỉ, “Họ đi làm ăn không công khai, phần lớn tự nguyện đi. Còn những nạn nhân của tệ nạn buôn người, do thỏa thuận hoặc lén lút, không khai báo nên chính quyền cũng không nắm được.
Bản Hồng Điện, “điểm nóng” về                         tệ nạn mua bán người giờ đã “hạ nhiệt”
Bản Hồng Điện, “điểm nóng” về tệ nạn mua bán người giờ đã “hạ nhiệt”
 
Hiện tại, bản còn 3 trường hợp mất tích, từ khi đi đến nay không hề có bất cứ mối liên hệ nào với gia đình. Đó là các trường hợp Mùi Thị Xoa (SN 1991), vợ của anh Lương Văn Giáo, hai người có một đứa con thì Giáo vướng vào ma túy, đang thụ án tù 19 năm. Chị Xoa ôm theo cả con nhỏ đi đâu suốt 2 năm nay không ai biết. Mạc Thị May (SN 1994), con của anh Mạc Văn Xay và Vi Thị Uẩn (SN 1996), con của anh Vi Văn Ngọc, cũng là những người đã rời khỏi bản, bằng cách nào cũng không ai biết, nhưng đến nay vẫn không liên lạc được”, ông Hoàng cho biết.
 
Nằm kề bản Hồng Điện là bản Hồng Thắng, cũng là địa bàn nhức nhối về nạn buôn người của xã Đôn Phục. Ông La Đình Việt, Trưởng bản chậm rãi lần giở cuốn sổ đã úa nhàu, trong đó có ghi chép tỉ mẩn những trường hợp bị lừa gạt đưa ra khỏi bản để làm ăn nơi xứ người. “Dịp này tình hình có lắng xuống, chứ trước đây thì nhiều lắm. Cả bản có 643 nhân khẩu nhưng có thời điểm đi mấy chục người, cả chồng lẫn vợ đều đi. Chủ yếu có người lạ đến thỏa thuận ngầm với nhau, họ ưng “cái bụng” nên lặng lẽ rời đi. Bản Hồng Thắng hiện có 4 trường hợp bị dụ dỗ đưa đi bán, giờ đã lấy chồng, sinh con ở Trung Quốc.
 
Tết vừa rồi có một trường hợp là Vi Thị Thức (SN 1998), bỏ đi khi đang học dở lớp 9, lấy chồng rồi sinh con, đưa con về thăm quê, giờ lại tiếp tục sang bên ấy”, ông Việt kể.  Những trường hợp khác như Cầm Thị Thu (SN 1996), Vi Thị Múi (SN 1994), bị bán đã 4 năm nay. Cá biệt như Đinh Thị Bảy (SN 1990), quê ở bản Thanh Đào, xã Bồng Khê lấy chồng về bản sinh được một đứa con thì bỏ con lại cho chồng đã 3 năm nay, đi biệt từ đó đến nay không liên lạc được. 
 
Người về từ bên kia biên giới
 
Ông Vi Văn Lai, Trưởng Công an xã Đôn Phục cho biết: Vấn nạn mua bán người trên địa bàn từ trước đến nay rất nhức nhối, thậm chí đã hình thành một đường dây mua bán người. Trong đó, đối tượng nằm trong diện nghi vấn là Vi Thị Toàn, đi khỏi địa phương hơn 10 năm nay không về nhà; đối tượng Vi Thị Hà nằm trong đường dây hiện đang bỏ trốn. Tại địa phương, đối tượng Lương Thị Duyên (SN 1978) trú tại bản Xiềng, hiện đang có lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú vì liên quan đến một đường dây khác đưa phụ nữ và trẻ em xuất cảnh trái phép. “Địa phương hiện có trên 40 người đi làm ăn xa không rõ lý do, không có địa chỉ tạm trú cụ thể. Nhiều trường hợp bị lừa bán, song đến nay vẫn chưa có nạn nhân nào quay về trình báo hay tố cáo với chính quyền địa phương”, Trưởng Công an xã Vi Văn Lai cho biết thêm. 
Trưởng bản Hồng Thắng La Đình Việt                trầm ngâm bên cuốn sổ ghi lại                           những người đi “mất tích” khỏi bản
Trưởng bản Hồng Thắng La Đình Việt trầm ngâm bên cuốn sổ ghi lại những người đi “mất tích” khỏi bản
 
Để cụ thể hóa sự thật nghiệt ngã đằng sau “những bức màn nhung” được các đối tượng vẽ ra để dụ dỗ chị em, Trưởng Công an xã Vi Văn Lai dẫn chúng tôi đến gặp các nhân chứng, cũng là nạn nhân vừa đào thoát trở về từ bên kia biên giới. Em Vi Thị Hà (SN 1997) trú tại bản Hồng Thắng, bị một người phụ nữ không rõ lai lịch rủ sang Trung Quốc khi đang học lớp 7. Vừa trở về được mấy tháng nay, như con chim bị thương sợ đậu phải cành cong, Hà vẫn còn rất khép nép và sợ hãi khi tiếp xúc với người lạ. Sơn nữ này cho biết, bản thân không hề biết phía sau những bản hợp đồng miệng ấy, mình có giá bao nhiêu tiền, chỉ nhớ rằng sang bên kia biên giới, em bị đẩy vào xưởng may, bắt phải lao động khổ cực, rồi bị ngược đãi. Chịu đựng không nổi, may mắn có người quen nên mới bỏ trốn được để trở về quê nhà.
 
Em Ngân Thị Ứng, nạn nhân của tệ nạn mua bán người cũng đã trở về được quê nhà nhưng đã phải trải qua những bầm dập đớn đau của phận người. Năm 2011, khi mới 15 tuổi, Ứng đã bị lừa bán sang Trung Quốc. Tại đây, em bị bắt ép làm vợ một người đàn ông đáng tuổi ông ngoại mình. Những ngày tháng làm vợ, làm mẹ nơi xứ người, Ứng bị đối xử tệ bạc khiến em phải bỏ trốn và sau chặng hành trình vất vả, may mắn đã mỉm cười khi không những về được mái nhà xưa, Ứng còn được một người con trai cảm thông, dang rộng vòng tay để dựng xây tổ ấm hạnh phúc mới. Tuy nhiên, những trường hợp may mắn như Hà và Ứng, gần như rất hi hữu.
 
Nạn nhân của tệ nạn mua bán người, phần lớn đều bị hành hạ, ngược đãi, bị bắt ép làm vợ hoặc phục vụ khách làng chơi tại các “động quỷ” ở xứ người. Tệ hơn nữa, “sản phẩm” của tệ nạn này chính là đã sản sinh ra một nhóm người biến chất, vì “hận đời”, hoặc mờ mắt vì tiền, bị dụ dỗ, biến thành những công cụ phạm tội, từ nạn nhân đã trở thành những con buôn chính hiệu, trở về từ bên kia biên giới để lừa phỉnh các nạn nhân “sa bẫy” và đó chính là một trong những nguyên nhân cốt lõi tạo nên sự nhức nhối của vấn nạn mua bán người trong những năm gần đây.
.

Thiên Thảo