(Congannghean.vn)-Sau gần 2 năm nắm giữ công việc điều hành trên cương vị Phó Chủ tịch UBND xã, 26 đội viên tham gia Dự án tuyển chọn 600 trí thức trẻ có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND các xã và 173 đội viên trí thức trẻ tại các xã đặc biệt khó khăn ở 3 huyện nghèo là Kỳ Sơn, Tương Dương và Quế Phong bước đầu đã tiếp cận được với công việc, chủ động tham gia đề xuất ý kiến đóng góp xây dựng và thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách. Với nhiệt huyết của sức trẻ, nhiều đội viên đã sâu sát cơ sở, nắm bắt nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân; tiếp cận được những chương trình, dự án sát thực, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong việc thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Cơ hội "vàng"
Thực hiện chủ trương của Bộ Nội vụ về triển khai dự án, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND huyện triển khai cụ thể. Sau khi hoàn chỉnh quy trình tổ chức phỏng vấn và kết quả phỏng vấn, Hội đồng tuyển chọn tỉnh đã lựa chọn được 26 ứng viên tăng cường về 3 huyện nghèo là Kỳ Sơn (8 người), Tương Dương (13 người) và Quế Phong (5 người). Cùng với Dự án 600 Phó Chủ tịch xã, thực hiện Quyết định số 70, ngày 27/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách luân chuyển, tăng cường cán bộ chủ chốt và chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút trí thức trẻ về tham gia tổ công tác tại các xã nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, huyện Tương Dương được bố trí 51 trên tổng số 173 đội viên trí thức trẻ tình nguyện.
Đội viên Hạ Bá Lỳ - Phó Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn nhân dân phương pháp chăm sóc đàn gia súc |
Là huyện miền núi vùng cao với 18 xã, thị trấn, trong đó 17 xã thuộc chương trình đặc biệt khó khăn, có 4 xã, 9 bản giáp biên giới với nước bạn Lào trên chiều dài đường biên gần 60 km. Hiện nay, toàn huyện Tương Dương có 154 bản, làng với số dân trên 69.850 người, 6 dân tộc chính sinh sống là Kinh, Thái, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu và Tày Poọng, dân tộc thiểu số chiếm 89%. Số hộ nghèo còn chiếm tỉ lệ cao với trên 58%. Sau 2 năm hoạt động, qua đánh giá các đội viên ở 2 dự án, mặc dù hoạt động trong điều kiện khó khăn, nhưng với sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của các cấp chính quyền địa phương, các đội viên dự án đã có nhiều cố gắng, vượt qua các trở ngại, vươn lên hoàn thành nhiệm vụ, trong đó có một số đội viên được kết nạp vào Đảng, đưa vào quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý của các xã, các phòng, ban, ngành cấp huyện.
Tiêu biểu như Lương Thị Hiên - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Giám; Nguyễn Thị Giang thuộc đội viên trí thức trẻ ở xã Thạch Giám; Vi Viết Kiều - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thái... "Các đội viên được phân công công tác ở các địa bàn khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo cao nhưng đã có nhiều đóng góp bước đầu đầy khả quan. Với chúng tôi, hiệu quả các dự án mang lại ở Tương Dương được xem như "cơ hội vàng" để huyện bứt phá đi lên, kéo giảm hộ nghèo" - Ông Nguyễn Hồ Cảnh - Nguyên Chủ tịch UBND huyện nhận định.
Vượt gian khó, "3 cùng"
Với Hạ Bá Lỳ (SN 1989) dân tộc Mông, sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, anh may mắn lọt vào 1 trong 8 đội viên được tăng cường về huyện Kỳ Sơn làm Phó Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ - một xã cách trung tâm huyện 25 km, chủ yếu là dân tộc Mông, Thái và Khơ Mú, trong đó người Mông chiếm đến 94,8%, tỉ lệ hộ nghèo còn trên 62%. Là người dân bản địa thuận lợi về ngôn ngữ, phong tục tập quán và địa bàn nên trên cương vị của mình, bước đầu anh đã thành công trong việc tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền trong công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, lập đề án nông thôn mới; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các dự án hỗ trợ giống bò địa phương, gà đen, trồng cây bo bo; xây dựng các mô hình, điển hình...
Cũng như Lỳ, sinh ra ở xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tốt nghiệp Khoa Nông - Lâm - Ngư, Trường Đại học Vinh, Phạm Quang Hòa được cử làm Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn - một xã nội địa còn rất khó khăn, với 100% dân tộc Khơ Mú. Để lấy lòng tin với người dân, anh đã vận động, phối hợp cùng 1 hộ dân trồng 1.500 gốc xoan, làm chuồng nuôi bò nhốt vỗ béo. Với cách tuyên truyền hợp lý và phương châm "cầm tay chỉ việc", đã có nhiều hộ dân tin tưởng, làm theo.
Quãng thời gian để các đội viên hoạt động, thử thách chưa lâu nên không "đòi hỏi" nhiều ở họ, nhưng những kết quả bước đầu mà các đội viên được tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND các xã là điều đáng ghi nhận. Tuy nhiên, ở các địa phương, một số cấp ủy Đảng, chính quyền xã chưa thật sự quan tâm đến việc tổ chức đánh giá, nhận xét kết quả thực hiện nhiệm vụ của Phó Chủ tịch.
Người đứng đầu một số xã chưa thực sự quan tâm, giúp đỡ các cán bộ dự án, còn có tư tưởng “khoán trắng” phần việc đã giao, thiếu kiểm tra, đôn đốc làm cho Phó Chủ tịch xã khó tiếp xúc, chia sẻ, chưa dám thể hiện hết khả năng, sở trường trong quá trình làm việc. Bên cạnh đó, các đội viên là Phó Chủ tịch xã và đội viên trí thức trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm công tác; còn có tư tưởng e dè, thiếu va chạm thực tế.
Một số đội viên không phải là người địa phương khác thiếu hiểu biết phong tục, tập quán, bất đồng về ngôn ngữ của người dân địa phương nên khi tiếp cận, hướng dẫn sản xuất, tuyên truyền, phổ biến pháp luật gặp nhiều khó khăn. Những nhìn nhận trên đây cũng là những hạn chế chung của 2 dự án đang gặp phải mà thời gian tới cần được tháo gỡ.
Đó là: Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tích cực tuyên truyền rộng rãi ý nghĩa của dự án trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội để dự án phát huy hiệu quả; các đội viên cần sớm được bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng về quản lý Nhà nước, học tiếng dân tộc, được địa phương sở tại tạo điều kiện và môi trường làm việc thuận lợi; quan tâm, tin tưởng giúp đỡ, bồi dưỡng phát triển để sớm trở thành đảng viên; tạo điều kiện để các đội viên sớm tiếp cận với nguồn vốn để thực hiện các chương trình, dự án trong dự định…
Đây cũng là ý kiến được lãnh đạo các địa phương, các huyện nằm trong dự án và BTV Tỉnh đoàn đề xuất kiến nghị với thành viên Ban chỉ đạo Dự án của tỉnh, Bộ Nội vụ và Trung ương Đoàn.