Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201403/loi-khan-cau-cua-mot-nguoi-da-chet-463430/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201403/loi-khan-cau-cua-mot-nguoi-da-chet-463430/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Lời khẩn cầu của một người… đã chết - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 18/03/2014, 13:51 [GMT+7]

Lời khẩn cầu của một người… đã chết

(Congannghean.vn)-Suốt 14 năm qua, không những con cháu, gia đình mà cả một tập thể đồng đội, các đoàn thể đã gõ cửa khắp các cơ quan, gửi đơn thư từ địa phương đến trung ương yêu cầu trả lại danh hiệu thương binh cho đồng đội đã mất. Nhưng cho đến nay, tất cả vẫn chìm trong vô vọng. 
 
Cống hiến
 
Ông Nguyễn Ngọc Phấn (SN 1930) tại thôn Đức Xuân, xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu. Ngày 13/8/1949, ông nhập ngũ lên đường kháng chiến chống Pháp, thuộc đơn vị E18, Bộ Quốc phòng. Do lập được nhiều chiến công xuất sắc, chỉ 6 tháng sau, ngày 13/2/1950, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, giữ chức vụ A trưởng. Sau hai lần bị thương, ngày 11/1/1959, ông xuất ngũ về quê rồi lấy vợ sinh con. Trước đó, anh trai ông là ông Nguyễn Ngọc Liên, chiến sĩ QĐND Việt Nam đã hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
 
Đế quốc Mỹ điên cuồng phá hoại Hiệp định Giơnevơ, đem quân xâm chiếm nước ta. Miền Nam đau thương dưới gót giày Mỹ Ngụy, miền Bắc chìm trong mưa bom của giặc Mỹ. Căm thù giặc sâu sắc, ông Phấn viết “Quyết tâm thư” bằng máu xin tái ngũ và được chấp nhận. Ngày 5/5/1965, ông gia nhập QĐND Việt Nam lần 2, thuộc đơn vị D2, E3, F371, là Bí thư chi bộ, Chính trị viên Đại đội Trinh sát. Trong một trận đánh ác liệt ở Tây Nguyên, ông bị thương nặng và được đưa ra miền Bắc điều trị. Sức khỏe không cho phép ông trở lại miền Nam, nhưng ông không chịu rút về hậu phương mà xin vào đơn vị bộ đội bảo vệ phà Bến Thủy. Trong một trận ném bom ác liệt của không quân Mỹ, ông bị bom hất tung xuống sông nhưng may được đồng đội cứu lên. Sức ép của bom và một mảnh bom găm vào đầu làm ông bị thương lần thứ tư. Sau khi được điều trị ở nhiều bệnh viện, ông xuất ngũ với chứng nhận thương tật 3/8 (61%).
 
“Huyết thư” và các loại giấy tờ  còn sót lại
“Huyết thư” và các loại giấy tờ còn sót lại
 
Về nhà, cơ thể ông bị tàn phế nặng nề, suy nhược hoàn toàn, luôn trong trạng thái hoảng loạn và bị thần kinh phân liệt. Đồng đội của ông đã bao lần rơi nước mắt mỗi khi thấy ông lên cơn, vác gậy lao ra đường miệng hô “xung phong” cho đến lúc ngã vật ra. Bà con láng giềng và con cháu biết bao lần hoảng loạn mỗi khi trái gió trở trời vết thương tái phát, ông lại vác dao hô bắt bắt… rồi trói vợ lại châm lửa đốt, miệng lảm nhảm: “Đây là thám báo địch, các đồng chí để tôi khai thác thông tin”. Biết đồng đội mình như vậy nên Hội Thương binh xã Tiến Thủy, người mù 2 mắt, người mất chân tay đã phân công nhau mỗi người một ngày đến nhà cùng gia đình canh chừng ông.
 
Năm 1985, có chủ trương chuyển từ sổ thương binh sang Thẻ thương binh, toàn bộ các giấy tờ hồ sơ và sổ đều được thu hồi lên huyện để cấp sổ mới. Từ đó không thấy huyện cấp lại thẻ cho ông nữa. Giai đoạn đó kinh tế khó khăn nên mọi người trong gia đình chỉ lo miếng cơm manh áo, hơn nữa, ông đang được hưởng chế độ mất sức nên không ai đi hỏi tấm thẻ làm gì, còn ông thì mê tỉnh thất thường. Khi tỉnh táo, ông hỏi bạn bè và người trong nhà: “Thẻ tôi đâu?” nhưng không ai trả lời được. Ông lên tận Phòng LĐTB&XH huyện hỏi nhưng được trả lời: “Thời gian đã lâu, để bọn tôi lục lại”. Từ đó lúc mê thì thôi, lúc tỉnh ông lại chống gậy lên xã rồi lên huyện và đều được trả lời: “Chưa tìm được, ông về đợi nhé…”.
 
Nghĩa tình đồng đội
 
Năm 2000, vết thương tái phát dữ dội, ông mê man bất tỉnh. Toàn bộ đồng đội của ông là những thương binh, hưu trí, cựu chiến binh đến thăm hỏi, động viên. Bỗng ông mở mắt, tỉnh táo đến lạ thường, nhìn khắp lượt rồi cố rướn lên cầm tay các đồng đội nghẹn ngào: “Mấy chục năm đi chiến đấu còn giữ được cái “gáo dừa” mà về là quý lắm rồi, bao nhiêu đồng đội nằm lại không biết nơi mô nên tôi không đòi hỏi bất cứ chế độ gì…”, giọng ông nấc nghẹn, hai dòng lệ tuôn trào, mọi người không ai cầm được nước mắt. Rồi ông nói tiếp: “Tôi chỉ nhờ các đồng chí lấy lại danh hiệu thương binh cho tôi để làm truyền thống gia đình cho con cháu mai sau, không có, tôi chết không sao nhắm được mắt”, rồi ông tắt thở.
 
Thực hiện di nguyện của ông, suốt 14 năm qua, đồng đội của ông không hề ngơi nghỉ. Họ đã làm đủ mọi cách, gõ cửa khắp các cơ quan nhưng đều được trả lời: “Hồ sơ không còn lưu lại”. Chi bộ thôn, mặt trận họp lấy chữ ký của dân. 13 thương binh nặng là đồng đội cũ của ông đều đứng ra làm chứng. Tổ chức hưu trí, cựu chiến binh, mặt trận từ xóm đến xã, các đồng đội chống Pháp, chống Mỹ, cùng đơn vị với ông ở Phà Bến Thủy đồng loạt làm đơn lên Phòng LĐTB&XH huyện, Sở LĐTB&XH, thậm chí gửi trực tiếp cho Cục Có công, cho Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH nhưng tất cả đều rơi vào tuyệt vọng, mênh mông.
 
 Đồng đội đến trình bày với tác giả
Đồng đội đến trình bày với tác giả
 
Thay lời kết
 
Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội XI, hàng nghìn thương binh giả cùng nạn nhân chất độc da cam giả đều đã bị vạch mặt. Cùng lúc, một số người có công trong các thời kỳ kháng chiến bị lãng quên đã được đền bù xứng đáng. Hy vọng lại được nhen nhóm nên đầu tháng 2/2014, dưới sự chủ trì của cụ Bùi Công Chính (87 tuổi) một lần nữa 36 đồng đội của thương binh Nguyễn Ngọc Phấn lại cùng nhau viết “Huyết thư yêu cầu trả lại danh hiệu thương binh cho đồng đội”. Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Mặt trận Tổ quốc xã, UBND xã, người dân đã gửi đến các cơ quan chức năng và các cơ quan báo chí.
 
Tâm sự với chúng tôi, cụ Bùi Chính cho biết: “Không thể để đồng chí Phấn 50 tuổi Đảng, bộ đội chống Pháp, chống Mỹ, 7 Huân, Huy chương các loại, lại mất đi danh hiệu thương binh vì những cán bộ tắc trách. Nhưng chúng tôi đã hết cách, biết kêu ai bây giờ?”.
 
Câu hỏi này xin được gửi đến các cấp, ngành liên quan.
.

Đình Lộc