Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201403/loi-ru-buon-ben-long-ho-thuy-dien-463682/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201403/loi-ru-buon-ben-long-ho-thuy-dien-463682/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Lời ru buồn bên lòng hồ thủy điện - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 19/03/2014, 08:45 [GMT+7]

Lời ru buồn bên lòng hồ thủy điện

(Congannghean.vn)-Nằm biệt lập giữa núi rừng lòng hồ Bản Vẽ xanh ngắt là xã Hữu Khuông, một trong 3 xã lòng hồ thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Tương Dương (Nghệ An). Giao thông đi lại chủ yếu bằng đường thủy, điện sinh hoạt và thông tin liên lạc chưa có đã làm hạn chế rất nhiều trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống dân sinh. Hiện nay, tỉ lệ hộ nghèo chiếm gần 92% toàn xã. Từ đói nghèo, lạc hậu dẫn đến việc tảo hôn và trở thành gánh nặng cho xã hội, đặc biệt là chính quyền địa phương.
 
Chúng tôi có mặt tại xã Hữu Khuông vào một ngày đầu tháng 3 năm Giáp Ngọ. Nằm sau Trung tâm văn hóa xã là bản Con Phen, lác đác những ngôi nhà sàn lợp lá cọ, vách nứa. Xa xa là những đứa trẻ đói ăn, thiếu mặc cùng những người mẹ tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã tay bế, tay bồng. Khung cảnh yên bình, tĩnh lặng, nhưng không phải ai cũng biết đây là bản có con số tảo hôn đứng đầu huyện.
 
Tại bản Con Phen (phía sau trụ sở UBND xã Hữu Khuông) chủ yếu là dân tộc Khơ Mú, chúng tôi gặp nhiều người tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã là bố, là mẹ của nhiều đứa con. Chiều chiều, mỗi khi hoàng hôn đổ xuống, những người mẹ trẻ lại bế con ra đường ngắm nhìn nhau, vì trong nhà tối tăm, ẩm thấp, không điện chiếu sáng, không tivi, không điện thoại. Trường hợp đầu tiên mà chúng tôi bắt gặp tại bản Con Phen là chị Kha Thị Hường. Chị Hường sinh năm 1998, nhưng mới hơn 12 tuổi đã lấy chồng. Con trai đầu là cháu Vi Văn Sơn đã gần 4 tuổi. Chị Hường kể: “Nhà có 5 anh chị em, ai cũng có vợ, có chồng và sinh con khi 15 tuổi, nhưng nghèo lắm. Nếu không lấy sớm thì trong bản cho rằng mình bị ma ám nên không ai lấy…”.
 
Một góc bản Con Phen
Một góc bản Con Phen
Đó là chị em phụ nữ, còn trường hợp anh Vi Văn Đoàn cũng lấy vợ, có con khi lên 17 tuổi. Anh Đoàn kể, anh sinh năm 1990, lấy vợ năm 2006. Vợ anh là người cùng bản, ít hơn anh 2 tuổi. Hiện nay, vợ chồng anh Vi Văn Đoàn đã có 4 người con, con đầu sinh năm 2007, con thứ 4 sinh năm 2012. Trong lúc tâm sự, Vi Văn Đoàn chỉ tay xuống thung lũng bản Con Phen nói với tôi, chị gái của Đoàn cũng lấy chồng khi bước sang tuổi 14, hiện đã có 3 người con, nhưng nghèo đói triền miên. Chồng thì ngày lên nương làm rẫy, tối đến đi săn bắt thú rừng, thậm chí thả lưới bắt cá trên lòng hồ thủy điện, nhưng vẫn đói nghèo. “Cháu vì học không giỏi, nên phải bỏ học. Bố mẹ sợ cháu bị bạn bè rủ rê, sa vào tệ nạn ma túy nên ép cháu phải lấy vợ bằng được. Thực ra cháu chưa muốn lấy vợ, nhưng cháu là con trai đầu. Giờ vợ chồng cháu vất vả lắm. Ở bản Con Phen cháu là người lấy muộn nhất chú ạ…” - Vi Văn Đoàn bộc bạch.
 
Xã Hữu Khuông có 7 bản, 559 hộ, chủ yếu là dân tộc ít người như Thái, Khơ Mú, Mông, nhưng hiện nay, tỉ lệ hộ nghèo chiếm gần 93% toàn xã. Khi chúng tôi có mặt tại xã Hữu Khuông thì 2 cán bộ nữ của xã đang mải miết viết giấy chứng nhận hộ nghèo. Xã có 559 hộ nhưng có tới 523 hộ nghèo. Đoán được sự tò mò của chúng tôi, một chị bộc bạch, cùng với nghèo đói là nạn tảo hôn, vi phạm KHH-GĐ đang diễn ra hằng ngày, chủ yếu là dân tộc Khơ Mú và dân tộc Mông. Điều lấy làm khó hiểu hơn, Hữu Khuông là một trong những xã nằm trong khu vực lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ, nhà máy đã khánh thành, đưa vào vận hành mấy năm nay nhưng hiện tại, điện lưới Quốc gia không, thông tin không, tivi cũng không. Hỏi làm sao người dân nơi đây nâng cao đời sống dân sinh, nói gì đến am hiểu pháp luật… Vậy nên, chuyện tảo hôn, đẻ nhiều đang diễn ra cũng là điều dễ hiểu. Ngay việc xây dựng nông thôn mới đang là con số không. Trong 19 tiêu chí thì duy nhất mới xây được 2 nhà bán trú cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở tại trung tâm xã, còn lại vẫn là nhà tranh vách nứa xập xệ, phương tiện đi lại giữa trung tâm văn hóa huyện lên xã duy nhất chỉ bằng xuồng máy. Điều đáng buồn hơn, hiện nay người dân nơi đây đang “đói” thông tin, “khát” điện Quốc gia. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tảo hôn của đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Khơ Mú.
 
Đề cập những vấn đề trên, ông Nguyễn Trọng Hưng - Chủ tịch UBND xã Hữu Khuông cho chúng tôi biết, ông mới được huyện điều về nhận chức Chủ tịch UBND xã được 2 năm nay, thời gian chưa dài nhưng cũng đi xuống hầu hết các bản và hiểu được cuộc sống người dân nơi đây đang cần những gì. Chính bởi sự nghèo đói thông tin, thiếu am hiểu pháp luật dẫn đến tình trạng tảo hôn nhiều, đây thực sự là nỗi buồn của địa phương. Hai năm nay, Đảng bộ, chính quyền xã tập trung sức lực quyết tâm làm giảm số hộ nghèo, nâng cao dân trí… “Chúng tôi thành lập đoàn công tác với sự tham gia của tất cả các ban ngành, đoàn thể đến tận nhà tuyên truyền, phân tích nguyên nhân dẫn đến đói nghèo và động viên họ không lấy vợ, lấy chồng sớm, vi phạm pháp luật… nhưng họ không tranh luận, cũng không phản ứng, chỉ im lặng… nên rất khó”, ông Nguyễn Trọng Hưng cho biết thêm.
 
Rời bản Con Phen, nghe những lời ru con phát ra từ thung lũng, chúng tôi thật sự thấy nao lòng. Nhưng đây không phải là nỗi buồn duy nhất ở xã Hữu Khuông bên lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ.
.

Hữu Trọng