Thứ Hai, 23/11/2020, 15:46 [GMT+7]

Tăng cường lấy ý kiến rộng rãi về sách giáo khoa mới

(Congannghean.vn)-Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang nhận hồ sơ thẩm định đợt 2 sách giáo khoa (SGK) lớp 2 để phê duyệt đưa vào sử dụng từ năm học 2021 - 2022. Rút kinh nghiệm từ SGK Tiếng Việt 1 của nhóm Cánh Diều có những nội dung chưa phù hợp đang phải chỉnh sửa, bổ sung, nhiều ý kiến đề nghị Bộ GD&ĐT sớm cung cấp SGK lớp 2, lớp 6 để lấy ý kiến, tập huấn giáo viên và dạy thử nghiệm.

SGK Tiếng Việt 1 của nhóm Cánh Diều có những nội dung chưa phù hợp đang phải chỉnh sửa, bổ sung
SGK Tiếng Việt 1 của nhóm Cánh Diều có những nội dung chưa phù hợp đang phải chỉnh sửa, bổ sung
Hiện, Bộ GD&ĐT đang tiếp tục nghiên cứu để bổ sung các quy định về việc tổ chức thực nghiệm khi biên soạn SGK; tổ chức đọc phản biện độc lập các bản mẫu SGK khi Hội đồng đánh giá đạt và lấy ý kiến rộng rãi trước khi Bộ trưởng ký ban hành. Về điểm mới trong thẩm định SGK lớp 2 và 6, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT Nguyễn Xuân Thành cho biết, Hội đồng thẩm định tập trung trao đổi và tăng cường thảo luận, thậm chí có thể tranh luận giữa các tác giả với Hội đồng thẩm định.
 
Rút kinh nghiệm từ SGK Tiếng Việt 1, nhóm Cánh Diều có những nội dung chưa phù hợp đang phải chỉnh sửa, bổ sung; để giảm bớt tối đa “sạn” đối với SGK lớp 2, lớp 6 thì ngoài lấy ý kiến của những giáo sư đầu ngành về chuyên môn, giảng viên các trường đại học, giáo viên trong Hội đồng thẩm định quốc gia, Bộ GD&ĐT cần lấy ý kiến của giáo viên - những người trực tiếp đứng lớp giảng dạy. Bởi đây là kênh thông tin quan trọng từ thực tế giúp Bộ và Hội đồng thẩm định có sự lựa chọn sát hơn. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, việc lấy ý kiến của giáo viên rất quan trọng và được thực hiện trong thời gian qua nhưng chưa rộng rãi do nhiều nguyên nhân. Đối với SGK lớp 2 và lớp 6 sẽ lấy ý kiến không chỉ giáo viên mà các tầng lớp khác. Về ngữ liệu được sử dụng trong SGK, đa số các ý kiến đề nghị phải chuẩn, dễ hiểu, dễ nhớ, ý nghĩa tường minh thì nội dung bài học sẽ ấn tượng hơn với học sinh.
 
Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, chương trình giáo dục phổ thông được thiết kế theo hướng mở. Phát triển chương trình là hoạt động thường xuyên, bao gồm các khâu đánh giá, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chương trình trong quá trình thực hiện. Do đó, lãnh đạo các sở GD&ĐT cần chỉ đạo các nhà trường, giáo viên trong quá trình tổ chức giảng dạy phát hiện những vấn đề chưa thật phù hợp để Bộ GD&ĐT có căn cứ xem xét, điều chỉnh cho phù hợp. Với tài liệu giáo dục địa phương, Giám đốc Sở GD&ĐT cần chỉ đạo hết sức nghiêm túc để bảo đảm chất lượng, từ việc chọn tác giả, hội đồng thẩm định đến các khâu góp ý… Nếu không đạt yêu cầu, Bộ trưởng sẽ không phê duyệt. Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng nhóm chuyên gia để hỗ trợ địa phương trong thẩm định, giám sát tài liệu giáo dục địa phương.
 
Bộ GD&ĐT đang dự kiến hình thức góp ý bản thảo các bộ SGK lớp 2, lớp 6 theo 3 vòng: Vòng 1, chọn mỗi sở GD&ĐT 10 giáo viên có kinh nghiệm/môn/bộ SGK góp ý qua mạng (sử dụng tài khoản đăng nhập); vòng 2, chọn một số giáo viên có kinh nghiệm, nhiệt tình tập trung góp ý trực tiếp; vòng 3, lấy ý kiến giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong quá trình lựa chọn/tập huấn sử dụng SGK (kết hợp đăng tải bằng PDF lên mạng để đông đảo nhân dân góp ý).
Qua thực tế thực hiện việc thẩm định SGK lớp 1 và những vướng mắc cần được bổ sung hoàn thiện, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 23/2020/TT-BGDĐT ngày 6/8/2020 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK theo Thông tư số 33/2017/TT để khắc phục một số vướng mắc liên quan đến thẩm định SGK lớp 2, lớp 6. 

 

.

THU THỦY (tổng hợp)

.