Thứ Ba, 06/10/2020, 07:39 [GMT+7]

Giáo viên và học sinh Nghệ An những ngày đầu tiếp nhận chương trình sách giáo khoa mới

(Congannghean.vn)-Với chương trình sách giáo khoa (SGK) mới, không những hình thức được trình bày tốt mà còn định hướng đến năng lực cần thiết cho người học. Nhưng bên cạnh đó, việc áp dụng chương trình SGK mới còn có một số khó khăn đối với cả giáo viên lẫn học sinh.
Sau tuần học đầu tiên, học sinh hào hứng với chương trình sách giáo khoa mới (Trong ảnh: Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Hưng Bình, TP Vinh trong một giờ học)
Sau tuần học đầu tiên, học sinh hào hứng với chương trình sách giáo khoa mới (Trong ảnh: Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Hưng Bình, TP Vinh trong một giờ học)
Năm học 2020 - 2021 là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thực hiện chương trình SGK mới với lớp 1. Trải qua gần 4 tuần dạy và học, nhiều phụ huynh cảm thấy lo lắng chương trình học của trẻ nặng nề, các con phải tiếp nhận khối lượng kiến thức quá lớn. Trong khi đó, giáo viên cũng vất vả trong việc dạy học.
 
Chị Đinh N.Đ. (có con học lớp 1 một trường tiểu học tại TP Vinh) chia sẻ, vợ chồng chị đều đau đầu khi cùng con học bài ở nhà. Cứ mỗi buổi tối, sau giờ cơm, chị lại ngồi hướng dẫn cho con trai tập đánh vần theo nội dung trong SGK nhưng rất vất vả vì con khó tiếp thu. “Vợ chồng tôi xác định không đặt nặng áp lực học tập lên con nên không cho con học chữ trước khi vào lớp 1. Mới 4 tuần học mà khối lượng kiến thức nhiều quá, con không nhớ nổi. Có lẽ cũng vì thế mà con luôn thấy nặng nề mỗi khi học bài, đến trường thì không vui vẻ”, chị Đ. than thở.
 
Không riêng chị Đ., nhiều phụ huynh có con vào lớp 1 cũng tỏ ra ngỡ ngàng với chương trình phổ thông mới. Nhất là với môn Tiếng Việt, khối lượng kiến thức những tuần đầu được đánh giá khá nặng với học sinh 6 tuổi, nhất là các em chưa biết mặt chữ trước khi vào lớp 1. Nhiều phụ huynh còn nhận xét, chương trình lớp 1 có nhiều môn, con không có thời gian nghỉ ngơi. So với chương trình cũ, chương trình mới nhiều kiến thức hơn. Có giáo viên cũng nhìn nhận, chương trình môn Tiếng Việt lớp 1 mới nhiều kiến thức hơn so với chương trình cũ. Học sinh vừa nhận diện âm rồi đọc tiếng, sau đó là đọc từ. Các em xem các mẫu câu ngắn và viết các đoạn đối thoại theo SGK ở những tuần học đầu trong khi chương trình cũ thì không có việc này.
 
Nhưng cũng có giáo viên nhận xét rằng: Nếu nhìn nhận bên ngoài, phụ huynh sẽ thấy khó đối với một học sinh học lớp 1 nhưng khi trực tiếp đứng lớp dạy, tôi nhận thấy chương trình không đến mức quá tải. Quan trọng vẫn là phương pháp dạy của giáo viên. Giáo viên này cũng nhìn nhận, chương trình mới không yêu cầu giáo viên phụ thuộc vào SGK quá nhiều, vì đây không còn là pháp lệnh. Người dạy có thể linh hoạt để làm chủ phương pháp dạy học của mình, làm sao để học sinh tiếp thu dễ dàng nhất. Nếu các em không tiếp thu kịp, giáo viên có thể cho các em học từ từ. 
 
Cô Trần Thị Việt Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hưng Bình, TP Vinh chia sẻ, do đã chuẩn bị tâm lý sẵn trước đó 1 năm nên giáo viên trong trường không còn bỡ ngỡ với chương trình SGK mới. Ngoài ra, các giáo viên đã được Bộ và Sở tiến hành tập huấn về phương pháp dạy học. Trải qua 4 tuần học, các thầy cô giáo thấy có một số khó khăn và thuận lợi của chương trình SGK mới. Thuận lợi đó là hướng theo phát triển năng lực phẩm chất của học sinh, chương trình đổi mới, định hướng đến năng lực cần thiết cho người học, hình thức trình bày tốt, bắt mắt. 
 
Tuy nhiên, chương trình  SGK mới có một số khó khăn như tài liệu về muộn dẫn đã ảnh hưởng đến các giáo viên. Thời gian đầu các con phải nắm bắt lượng chữ nhiều. Hiện nay, trên thị trường bán nhiều loại sách khiến nhiều phụ huynh không biết lựa chọn nào mà trường đã lựa chọn cho phụ huynh. Thời gian đầu học sinh phải nắm bắt lượng chữ nhiều.
.

Cao Loan

.