Thứ Hai, 16/11/2020, 09:25 [GMT+7]

Nơi chắp cánh ước mơ cho học sinh dân tộc thiểu số

(Congannghean.vn)-Do đặc thù của địa hình miền núi, giao thông đi lại khó khăn, để giúp các em học sinh vùng sâu, vùng xa ở 2 xã Lục Dạ và Môn Sơn của huyện Con Cuông có điều kiện học tập tốt hơn, tháng 8/2000, Trường THPT Mường Quạ được thành lập. Đây là ngôi trường cấp 3 thứ 2 trên địa bàn huyện. Qua 20 năm xây dựng và trưởng thành, mái trường đã chắp cánh ước mơ cho nhiều thế hệ học sinh là con em dân tộc thiểu số xây dựng cuộc sống tươi sáng hơn.

Giờ học ngoại ngữ của học sinh
Giờ học ngoại ngữ của học sinh
Ban đầu mới thành lập, Trường Mường Quạ chỉ có 3 phòng học cấp 4, với 160 học sinh và 10 cán bộ giáo viên từ miền xuôi lên miền núi giảng dạy cho các em học sinh vùng cao, không nhà công vụ, không có phòng học thực hành bộ môn, không có nước sinh hoạt, đường sá đi lại khó khăn, về mùa mưa lụt cầu tạm bị trôi học sinh nghỉ học cả tuần lễ, giáo viên phải ở nhờ nhà dân vì không có ký túc xá. Các môn Lý, Hóa, Sinh chưa có giáo viên giảng dạy, phải điều động tăng cường giáo viên từ Trường THPT Con Cuông. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, thầy giáo đã cùng học sinh toàn trường quyết tâm phấn đấu vượt qua khó khăn thi đua dạy tốt, học tốt. 
 
Các em học sinh đa phần ở 2 xã Lục Dạ và Môn Sơn có tỉ lệ hộ nghèo còn cao, nhiều bản cách xa trường học. Nhiều em do hoàn cảnh gia đình khó khăn, phải ở nhà giúp đỡ bố mẹ trông em, vào rừng hái măng hay đi làm thuê kiếm tiền cho bố mẹ. Do đó tỉ lệ bỏ học còn nhiều. 
 
Để duy trì sĩ số học sinh và tạo điều kiện cho các em học sinh được học tập tốt hơn, hàng năm các thầy, cô giáo Trường THPT Mường Quạ đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức nhiều đợt vận động học sinh trở lại trường học. Thầy cô vẫn luôn kiên trì vượt quãng đường xa xôi đến tận từng bản làng, từng nhà ở của các em học sinh vận động phụ huynh cho con em đến trường học tập để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. 
 
Với lòng yêu nghề, tình thương và trách nhiệm với học trò miền núi vùng cao, các thầy cô là người miền xuôi đã vượt qua khó khăn, tích cực thi đua dạy tốt, không ngừng học tập nâng cao trình độ, bồi dưỡng nghiệp vụ, rèn luyện ý chí và đến nay đã trưởng thành, vững vàng trong chuyên môn, mẫu mực trong đời sống, là những nhà giáo đặt nền móng cho sự trưởng thành và lớn mạnh của Nhà trường hôm nay.
 
Xác định đúng nhiệm vụ chủ yếu của giáo dục miền núi nói chung và nhiệm vụ giáo dục của Nhà trường nói riêng đó là nâng cao chất lượng giáo dục đại trà. Trong những năm qua, với tinh thần đoàn kết vượt khó, Chi ủy, Ban giám hiệu đã lãnh đạo, chỉ đạo Ban chuyên môn tiến hành đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá theo năng lực, dạy học theo chuyên đề, tích hợp, trải nghiệm sáng tạo... Ngoài ra, Ban chuyên môn đã có những cách làm sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng dạy học như phát động dạy học tình nguyện, phân công đảng viên kèm cặp học sinh chưa tiến bộ, kết quả học tập còn thấp, phân công giáo viên phụ trách từng thôn bản... Từ những cách làm thiết thực, chất lượng đại trà được nâng lên, tỉ lệ tốt nghiệp THPT hàng năm đều trên 94%, riêng  năm 2020, tỉ lệ tốt nghiệp THPT đạt 97,2%, tỉ lệ học sinh yếu, học sinh bỏ học giảm dần.
 
Bên cạnh chất lượng đại trà, chất lượng mũi nhọn được chú trọng, học sinh đậu đại học, cao đẳng, học sinh đi học nghề ngày càng nhiều. Học sinh giỏi cấp tỉnh luôn xếp thứ 5 đến thứ 7 bảng B.
 
Đến nay, nhà trường có 34 cán bộ, giáo viên, trong đó có 22 sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh, nhiều giáo viên dạy giỏi, trường có đầy đủ các phòng học thực hành bộ môn, phòng Tin học với 22 máy tính, phòng học tiếng Anh, có hai sân bóng chuyền, một sân bóng đá đảm bảo cho học sinh học tập và rèn luyện để nâng cao thể lực. Khuôn viên  nhà trường đảm bảo an toàn, xanh, sạch, đẹp đáp ứng nhu cầu dạy học trong tình hình mới nhằm phát triển năng lực toàn diện cho học sinh. Năm học 2020 - 2021, trường có hơn 400 em học sinh. 
 
Điển hình như em Lê Thị Trâm là người con của tộc thiểu số Đan Lai. Nơi em ở là bản Búng sát với biên giới Việt Lào, cách trung tâm huyện Con Cuông trên 40 km, đường xá đi lại khó khăn cách trở, cuộc sống nơi bản làng heo hút vốn thiếu thốn, nghèo khổ, thất học lại tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu. Vì vậy, số học sinh theo học cấp 2 đã ít, học sinh theo học cấp 3 lại càng hiếm hơn. Nhờ tinh thần ham học và mong muốn xây dựng cuộc đời tươi đẹp hơn cho bà con dân bản nơi em sinh sống, Trâm đã kiên trì vượt khó đi học xa nhà. Em được thầy cô và bạn bè giúp đỡ, nhiều năm liên tục Trâm là học sinh giỏi của trường. 
 
Hay như đôi bạn cùng tiến Lô Thị Duy và Vi Thị Tấm đã được thầy, cô giáo và bạn bè động viên, giúp đỡ nên đã vượt khó trong học tập. Tấm bị khuyết tật bẩm sinh nên việc đi lại của em vô cùng khó khăn, cuộc sống gia đình còn nhiều vất vả. Hiểu được hoàn cảnh của bạn, 4 năm học qua, Duy vẫn chở bạn đi học ở trường xa. Bất kể trời nắng hay mưa, đôi bạn Duy và Tấm không hề vắng buổi học nào, luôn là học sinh giỏi của trường, khiến thầy cô và bạn bè nể phục. 
 
Những kết quả đạt được của nhà trường luôn được Sở GD&ĐT ghi nhận, nhiều năm liền, trường được công nhận danh hiệu tập thể lao động tiên tiến, Chi bộ nhiều năm liền đạt trong sạch vững mạnh. Với nhiều thành tích trong giảng dạy, nhiều cán bộ, giáo viên được vinh dự đón nhận danh hiệu cao quý như Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng bộ GD&ĐT, Chủ tịch UBND tỉnh, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Giáo dục Việt Nam...
 
Là mái trường ở vùng sâu vùng xa, mặc dù còn nhiều thiếu thốn nhưng Trường THPT Mường Quạ đã nỗ lực cố gắng trong nâng cao chất lượng dạy học để giúp học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số vươn cao, vươn xa hơn, giúp các em thực hiện tiếp ước mơ của mình, đó là xây dựng cuộc sống bản làng tươi đẹp hơn. 
 
Mường Quạ là nơi ra đời chi bộ Đảng đầu tiên của miền Tây xứ Nghệ, thầy và trò Trường THPT Mường Quạ đã và đang tiếp bước truyền thống quê hương cách mạng anh hùng. Mái trường Mường Quạ xứng đáng là nơi chắp cánh ước mơ cho hàng nghìn con em của đồng bào dân tộc thiểu số huyện miền núi Con Cuông.
.

Tường Vi

.