Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201208/22386-nu-giam-doc-cong-an-dau-tien-cua-viet-nam-395646/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201208/22386-nu-giam-doc-cong-an-dau-tien-cua-viet-nam-395646/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nữ giám đốc công an đầu tiên của Việt Nam - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 19/08/2012, 06:59 [GMT+7]
22386

Nữ giám đốc công an đầu tiên của Việt Nam

Bà là Bùi Tuyết Minh - Đại tá, Giám đốc công an tỉnh Kiên Giang. Xung quanh cuộc đời bà có những câu chuyện đầy thú vị. Tuổi thơ “đặc biệt” trong bom đạn
 
Nhiều cán bộ chiến sĩ các đơn vị nghiệp vụ ở công an tỉnh Kiên Giang và các huyện khi nói về người lãnh đạo đầu ngành ở tỉnh đều tỏ vẻ thán phục, tự hào, bởi phong cách làm việc và tính kỷ luật cao của bà.

Phải thuyết phục nhiều, Đại tá Minh mới kể về câu chuyện cuộc mình. Bà sinh năm 1962, trong một căn nhà vách lá dừa vùng rừng núi Hà Tiên, khi bom đạn và lực lượng Mỹ - ngụy đang tỏa quân càn quét khu vực miền Tây Nam Bộ, trong kế hoạch “Bình định miền Nam” - kế hoạch Staley – Talor của Mỹ.
Đại tá Minh trong buổi lễ nhận quyết định bổ nhiệm Giám đốc công an tỉnh Kiên Giang tháng 6/2011
 
Cuộc đời của đại tá Minh khá đặc biệt: bà có đến 2 cha, 2 mẹ và tới tận sau này mới biết sự thật cuộc đời. Bà là con của vợ chồng ông Bùi Nhứt Bình (bí danh Trần Bình hay Mười Bình) – bà Nguyễn Kim Lựu (bí danh Bảy Hồng), đều là cán bộ cách mạng hoạt động trong căn cứ.

Do gia đình nằm trong danh sách bị mật thám Mỹ - ngụy theo dõi gắt gao, nên vừa chào đời, chưa hưởng hơi ấm của người mẹ được bao lâu thì bà Minh được bà nội mang lên Sài Gòn giao cho người cô ruột (em ông Bình) để làm con.

Nghiễm nhiên cô dượng được bà gọi là cha mẹ, còn cha mẹ ruột thật sự thì bà gọi là cậu - mợ; rồi bà mang họ Phan (theo họ người dượng mà khi đó bà gọi là cha), bà nội thì biến thành…bà ngoại.

Bom đạn chiến tranh làm cho cuộc sống con người luôn bất ổn, tuổi thơ của bà cũng vậy. Chỉ ở Sài Gòn được chừng hơn 3 năm thì lúc này “bà ngoại” lại khăn gói đưa bà về lại quê, nương náu tại chùa Thần xứ Hà Tiên.

Trong thời gian này “bà ngoại” duy nhất một lần đưa bà vào vùng căn cứ thăm “cậu mợ Hai” tại vùng ven Sài Gòn. Rồi mãi đến tận năm 1975 bà mới chính thức nhận ra sự thật và được gọi tiếng “cha” theo đúng ý nghĩa của cuộc đời.

Bà Minh khi đó là cô gái tuổi dậy thì đã “sốc” nặng khi sự thật sáng tỏ, nhưng cuối cùng vẫn phải chấp nhận, bởi sự ác nghiệt của chiến tranh. Bà lại đổi từ họ Phan sang họ Bùi; và đứa trẻ có nguồn gốc đặc biệt của ngày ấy nay là Đại tá Bùi Tuyết Minh - Giám đốc công an tỉnh Kiên Giang.

Bà Minh kể, bà còn có 2 người em ruột khác; tuy nhiên mưa bom lửa đạn cho nên khi vừa sinh ra thì được cha mẹ gửi về quê ngoại xứ Bạc Liêu để nuôi dưỡng, nhưng không may đã qua đời vì bệnh tình không thuốc men thời chiến.

Còn người mẹ ruột, tới sau này bà biết, là bà Nguyễn Kim Lựu đã hi sinh anh dũng vào giữa năm 1971, khi đang giữ chức vụ Phó trưởng tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ của Ban An ninh tỉnh Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang) lúc Mỹ - ngụy trút bom đạn vào một cuộc họp kín của lãnh đạo kháng chiến địa phương.

Với bà Minh, ký ức về người mẹ chỉ được cha ruột kể lại sau này qua những kỷ vật như: thư từ, vật dụng…chứa trong một chiếc thùng sắt mà bà Bảy Hồng gửi gắm lại cho chồng, con thông qua đồng đội trước khi ngã xuống, trên mảnh đất quê hương.

Chính vì những kỷ vật ấy mà ông Mười Bình đã ở vậy nuôi đứa con gái của mình thành tài như hôm nay và ông mất vào năm 2005, với chức vụ từng kinh qua, nguyên tỉnh ủy viên, trưởng Ban Nội chính tỉnh ủy tỉnh Kiên Giang.

Khi ngồi tâm sự với chúng tôi, Đại tá Minh nuối tiếc: “Tôi chỉ có duy nhất một lần gặp mẹ, nhưng khi đó không ai nói cho tôi biết sự thật để gọi một tiếng mẹ thân thương. Tôi thèm được gọi một tiếng “mẹ” như thời bé thơ nhưng mãi mãi không bao giờ được”.

Và người đàn bà “thép” hôm nay
 
Chính vì truyền thống gia đình lẫy lững như thế nên năm 1981, bà Minh chính thức bước vào hàng ngũ ngành công an cũng là một điều dễ hiểu. Nói về những ngày ấy, Đại tá Minh nhớ rõ về những trận đánh, những chuyên án mang sắc áo lính trinh sát an ninh.

Lòng quả cảm, sự kiên trì đeo bám địa bàn trong nhiều năm liền, nữ trinh sát Bùi Tuyết Minh đã góp sức không nhỏ trong việc triệt phá các vụ tổ chức vượt biên đi nước ngoài, những băng nhóm tội phạm…liên tiếp đạt được các danh hiệu chiến sĩ thi đua, chiến sĩ thi đua Quyết thắng của lực lượng công an nhân dân.
Là người đứng đầu ngành công an của tỉnh, Đại tá Bùi Tuyết Minh là con người thân thiện, cấp dưới nể phục, dân tin yêu.
 
Đại tá Minh kể, có những vụ điều tra về các băng nhóm tổ chức đưa người vượt biên trái phép bằng đường biển – một thực trạng phát sinh sau năm 1975, chị đã thâm nhập sâu vào các băng nhóm này.

Chị nhớ nhất là lần đã lên thuyền với ý định vào tận hang bắt cọp, thế nhưng lãnh đạo báo cáo lên ban giám đốc công an tỉnh thì chị bị triệu hồi về gấp, vì giám đốc quyết liệt: “Anh Mười chỉ có mỗi một mình Tuyết Minh, lỡ Tuyết Minh có chuyện gì thì anh em ăn nói ra sao với anh Mười, với hương hồn chị Bảy?”.

Không ngờ chuyến vượt biên của nhóm tội phạm trên trót lọt, giờ ngồi nghĩ lại Đại tá Minh trần tình, nếu ban giám đốc không kịp can ngăn thì có lẽ số phận của bà đã rẽ sang một hướng khác.

Vì là người tận tụy với công việc, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, nên bà Bùi Tuyết Minh được tin tưởng bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo. Đến năm 2004 bà giữ chức vụ Phó giám đốc công an tỉnh và đến tháng 6/2011 được bổ nhiệm chính thức là Giám đốc công an tỉnh, thăng quân hàm Đại tá trước thời hạn 1 năm.

Bà trở thành người phụ nữ đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam cho đến thời điểm hiện nay giữ chức vụ giám đốc ngành công an cấp tỉnh, thành.
 
Nói về cương vị của ngày hôm nay, Đại tá Minh từ tốn: “Đảng, cấp trên giao nhiệm vụ, tin mình thì mình phải cố gắng đảm nhận, chứ bản thân tôi chưa thấy đã giỏi giang gì”.

Bà còn khẳng định: “Tôi được như hôm nay là nhờ vào truyền thống gia đình và các thế hệ cha anh đi trước dìu dắt, chỉ dạy tận tình. Bản thân còn phải cố gắng nhiều hơn nữa”.

Khi nói về gia đình, bà Minh cũng hết sức kiệm lời. Bà lập gia đình năm 30 tuổi đến giờ có 2 con đủ cả nếp lẫn tẻ. Chồng bà, ông Trần Quốc Thắng, hiện đang làm tại bộ phận xuất nhập cảnh trực thuộc công an tỉnh và là cấp dưới của bà.

Anh là người đồng chí, đồng đội, người bạn gần gũi chia sẻ bao buồn vui, khó khăn, vinh quang…trong cuộc đời tôi. Nếu không có anh thì tôi không thể có được như hôm nay, không thể gánh nổi trọng trách Đảng, cấp trên giao” - bà Minh nói ngắn gọn về người chồng.
 
Điều đáng trân trọng ở bà mà nhiều người tiếp xúc và cấp dưới phải kính nể là tuy làm lãnh đạo đầu ngành công an, nhưng bà vẫn khiêm tốn thừa nhận, kiến thức của mình còn hạn chế, vẫn đang tiếp tục học hỏi.

Có gì vướng mắc, bà chủ động gặp cấp dưới để tìm hiểu ngọn ngành, bổ sung kiến thức từ thực tiễn để lãnh đạo tốt hơn. Dân tìm đến, bà ngồi nghe cho thấu hiểu tâm tư, tình cảm của họ.

Ngày 17/8 mới đây, tại buổi lễ công bố quyết định thăng cấp bậc hàm, nâng lương năm 2012 cho các bộ chiến sĩ ngành công an tại Kiên Giang, thấy bà trong cảnh “hoa lạc giữa rừng gương” mới biết hết được chất “thép”, cái uy của vị nữ giám đốc công an cấp tỉnh này.

Nguồn: VNN

 

 

Liên hệ quảng cáo: 0383.839044 - 0946111580
.