Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201208/22230-suy-nghi-ve-su-nghiem-tuc-khach-quan-cua-hai-ky-thi-395763/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201208/22230-suy-nghi-ve-su-nghiem-tuc-khach-quan-cua-hai-ky-thi-395763/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Suy nghĩ về sự nghiêm túc, khách quan của hai kỳ thi - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 11/08/2012, 09:00 [GMT+7]
22230

Suy nghĩ về sự nghiêm túc, khách quan của hai kỳ thi

Đáng nói là, trong số đó có rất nhiều thí sinh bị điểm “0”. Sự việc có hàng ngàn bài thi ĐH bị điểm “0” cho thấy phần nào những mảng tối trong chất lượng giáo dục ở bậc học phổ thông, mặt khác, còn cho thấy còn có một khoảng cách không nhỏ về mức độ an toàn, khách quan, nghiêm túc giữa hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào ĐH, CĐ.
 
Dù có một vài “hạt sạn nhỏ đã bị lộ” như vụ việc xảy ra ở trường THPT Dân lập Đồi Ngô - Bắc Giang, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 vẫn được Bộ GD&ĐT đánh giá là “an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế”. Kết quả cuối cùng, cả nước có bình quân 97,63% học sinh đậu tốt nghiệp THPT, hàng trăm trường THPT trên cả nước có tỷ lệ đậu 100%.
 
Có rất nhiều trường, số học sinh trượt tốt nghiệp chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay. Một tháng sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi tuyển sinh vào ĐH được tổ chức. Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các trường ĐH trên cả nước đều đã hoàn tất khâu chấm thi, bắt đầu công bố điểm thi và điểm chuẩn trúng tuyển vào các ngành đào tạo.
 
Độ vênh về chất lượng và kết quả giũa hai kỳ thi là rất lớn
 
Trong khi, dư luận ghi nhận, khâm phục những thí sinh xuất sắc của kỳ thi với điểm số cao, nhiều người quan tâm tới chất lượng giáo dục ở bậc học phổ thông lại phải đối mặt với sự thật đau lòng trước bảng thống kê không mấy “đẹp” của hàng ngàn bài thi của thí sinh bị điểm 0, nhất là với các môn thi tự luận như: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý.
 
Đáng nói là, trong số hàng ngàn thí sinh “xơi trứng ngỗng” trong kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, có không ít người đã vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT một cách dễ dàng, thậm chí là với số điểm “đẹp”.
 
Vẫn biết rằng, mục đích, tích chất của hai kỳ thi là khác nhau: mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT là đánh giá kết quả học tập ở bậc học phổ thông của học sinh; mục đích của kỳ thi tuyển sinh ĐH là phát hiện, tuyển chọn những học sinh có năng lực học tập để đào tạo nguồn lực lao động có hàm lượng “chất xám” cao cho xã hội.
 
Từ sự khác biệt về tính chất, mục đích, độ khó trong đề thi của hai kỳ thi, vì thế cũng có sự khác nhau nhưng chắc chắn không phải là khác “một trời một vực”. Đề thi ĐH ra trong phạm vi kiến thức sách giáo khoa ở bậc THPT, bên cạnh một vài câu khó để phân loại trình độ học sinh vẫn có những câu vừa sức với học sinh có học lực trung bình.
 
Vậy lý do vì sao có trường hợp trong cùng một môn thi, có thí sinh đạt điểm 8, điểm 9 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng khi thi đại học lại chỉ đạt điểm 0 ?! Trong những năm học trước, Cục Công nghệ Thông tin của Bộ GD&ĐT đã sử dụng phần mềm phân loại, so sánh, xử lý kết quả thi tốt nghiệp và đại học, cao đẳng của từng tỉnh, từng trường. Kết quả thực tế cho thấy, đang tồn tại một “độ vênh” lớn giữa hai kỳ thi này.
 
Có tỉnh, số học sinh đậu tốt nghiệp nằm trong “top 10” của cả nước nhưng số học sinh đậu đại học, cao đẳng lại chỉ nằm ở vị trí gần top “đội sổ”. Từ “độ vênh” không nhỏ trong kết quả của hai kỳ thi, dư luận càng có căn cứ để băn khoăn, nghi ngại về mức độ “an toàn, nghiêm túc” thực sự của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Từ đây, tiếp tục đặt ra vấn đề: có nên duy trì sự tồn tại của kỳ thi này?
 
Chi phí để tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm không phải là nhỏ. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012, cả nước có gần 1 triệu thí sinh tham gia dự thi. Để phục vụ cho kỳ thi, cả nước đã phải huy động 124.135 giáo viên làm nhiệm vụ coi thi, bố trí 40.620 phòng thi với 2.370 hội đồng coi thi, 27.472 giáo viên được điều động tham gia chấm thi. Ngoài ra, còn có hàng ngàn đoàn thanh tra được các Sở GD&ĐT giao nhiệm vụ cắm chốt ở các hội đồng thi, các đoàn thanh tra chấm thi ở các địa phương…
 
Chi phí cho quá trình chuẩn bị, tổ chức kỳ thi ở tất cả các khâu tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng. Đó là chưa tính đến các chi phí không nhỏ từ phía các gia đình có thí sinh dự thi. Thực tế các kỳ thi tốt nghiệp THPT trong những năm qua cho thấy, năm nào cũng có những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
 
Dù đã có quy định bỏ chấm chéo và không nhất thiết phải tổ chức thi cụm nhưng trên thực tế, giáo viên làm nhiệm vụ coi thi và thí sinh phải vượt một quãng đường khá xa để đến các điểm thi, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Đáng nói là, không có năm nào không có những vụ tai nạn xảy ra trong những ngày thi diễn ra.
 
Qua tìm hiểu được biết, không chỉ các bậc phụ huynh mà ngay cả bản thân nhiều giáo viên cũng đã có ý kiến đề xuất, đã đến lúc nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT vì những bất cập, tồn tại trong các khâu tổ chức kỳ thi làm ảnh hưởng tới chất lượng chung của kỳ thi.
 
Nếu tình trạng trên kéo dài, sẽ làm xói mòn lòng tin của dư luận xã hội vào ngành giáo dục. Bên cạnh đó, nhiều người “trong cuộc” cũng cho rằng: tấm bằng tốt nghiệp đã không còn giữ được “sứ mệnh” phân loại năng lực học tập thực sự của thí sinh. Với mảnh bằng tốt nghiệp THPT, học sinh cũng khó có thể xin được việc làm ngay, muốn có nghề nghiệp, các em phải học nghề hoặc học lên cao đẳng, đại học.
 
Thực tế có nhiều em không có bằng tốt nghiệp THPT, vẫn có thể có được tấm bằng cao đẳng, đại học bằng cách đi “đường vòng”. Ban đầu đăng ký xét tuyển vào học một trường trung cấp nào đó rồi sau tiếp tục học liên thông lên cao đẳng, đại học. Bằng tốt nghiệp THPT vì thế đã không còn quá quan trọng đối với nhiều học sinh, nó chỉ mang ý nghĩa là một giấy chứng nhận hoàn thành một bậc học.
 
Năm 2007, Bộ GD&ĐT đã từng đưa ra đề án đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Theo đó, sẽ thực hiện phương án “2 trong 1”, tổ chức một kỳ thi quốc gia chung. Kết quả của kỳ thi này được dùng làm căn cứ để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng.
 
Chính vì những quan ngại về tính công bằng, nghiêm túc, chặt chẽ, khách quan mà phương án “2 trong 1” chưa được áp dụng trong thực tế. Mặc dầu vậy, căn cứ vào kết quả của kỳ thi trong vài năm qua, việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT là điều cần thiết.
 
Nên chăng, việc xét công nhận tốt nghiệp THPT có thể giao cho các cơ sở giáo dục dưới sự kiểm tra, thẩm định, giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý giáo dục. Kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng vốn được xem là thực sự công bằng, nghiêm túc vẫn được giữ nguyên nhằm tuyển chọn những người có đủ năng lực tiếp tục học lên.
 
Những đổi mới mang tính đột phá trong hình thức tổ chức thi cử trong bối cảnh hiện nay là vấn đề cấp thiết cần được quan tâm nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
 
 
Bùi Minh Tuấn
 

Liên hệ quảng cáo: 0383.839168 - 0946.111.580
.