(Congannghean.vn)-Theo Nghị định 117/2010/NĐ-CP của Chính phủ, rừng đặc dụng là loại rừng được xác lập theo quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; có giá trị đặc biệt về bảo tồn thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng quốc gia, kết hợp phòng hộ, góp phần bảo vệ môi trường… Ban quản lý rừng đặc dụng là tổ chức của Nhà nước, có chức năng, nhiệm vụ của chủ rừng và được Nhà nước đảm bảo các điều kiện để thực hiện trách nhiệm quản lý bảo vệ, phát triển rừng đặc dụng…
Tuy nhiên, trong năm 2015, trên địa bàn Nghệ An đã xảy ra hàng loạt vụ phá rừng, chủ yếu là rừng đặc dụng, rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ. Đáng chú ý là, đằng sau nhiều vụ phá rừng lại có “bóng dáng” của một số cán bộ được giao nhiệm vụ bảo vệ rừng, vì hám lợi nên đã bắt tay, tiếp tay cho “lâm tặc”. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “rừng vàng” ở Nghệ An bị tàn phá khá nghiêm trọng trong năm 2015, gây bất bình trong dư luận.
Trong đó, điển hình là vụ phá rừng xảy ra trên đường tuần tra biên giới Việt - Lào thuộc địa phận xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương và vụ phá rừng tại khu vực giáp ranh 2 xã Đôn Phục và Mậu Đức ở huyện Con Cuông trong tháng 6, 7/2015.
Hiện trường một vụ phá rừng tại huyện Quế Phong |
Theo đó, có tới gần 10 “lâm tặc” bị Phòng Cảnh sát Môi trường Công an Nghệ An bắt quả tang khi đang khai thác và chuyển hàng chục phiến gỗ trái phép ra khỏi cửa rừng, thu giữ 80 m3 gỗ quý các loại. Đặc biệt, tại khu vực Cửa khẩu Thanh Thủy, để đưa một số lượng lớn gỗ ra khỏi khu vực “nhạy cảm” này, đối tượng “đầu nậu” và “lâm tặc” đã huy động cả xe Reo và xe Zinkhơ vào án ngữ giữa đường tuần tra biên giới. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà lực lượng chức năng và cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn “nhạy cảm” này lại không hề hay biết đến sự việc trên!?
Điều đáng nói là, để vận chuyển gỗ lậu ra khỏi con đường độc đạo trên, các “đầu nậu” phải đi qua các “cửa ải” như Trạm Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ, thậm chí là rào chắn của lực lượng được giao bảo vệ rừng, được chốt chặn nghiêm ngặt 24/24 giờ. Thế nhưng, những chiếc xe Reo, xe tải và xe máy kéo lại ra vào trót lọt.
Tại huyện Con Cuông, qua điều tra, xác minh ban đầu được biết, trong 2 cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn nơi xảy ra vụ việc thì một người có quan hệ thông gia và một người là con rể của đối tượng khai thác gỗ trái phép.
Ông Lê Quang Hợp, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Con Cuông thừa nhận, để xảy ra sai phạm này, một phần thuộc về trách nhiệm của lực lượng Kiểm lâm địa bàn vì đã không báo cáo, nhưng trong đó cũng có lỗi của lãnh đạo Hạt Kiểm lâm, cụ thể là việc kiểm tra, kiểm soát cũng như bố trí cán bộ chưa sát sao. Theo chỉ đạo của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, sau vụ việc trên, cơ quan chức năng đã kỷ luật, hạ bậc lương của 1 cán bộ, 2 cán bộ bị cảnh cáo và khiển trách.
Sau khi xảy ra vụ việc phá rừng tại 2 huyện Con Cuông và Thanh Chương, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã chỉ đạo các ngành liên quan xử lý nghiêm các cán bộ liên quan đến hoạt động khai thác rừng trái phép nói trên; yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo các ban quản lý rừng, cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn tăng cường tuần tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ phá rừng.
Đồng thời, thành lập các đoàn kiểm tra chống chặt, phá rừng trái phép tại các khu rừng giàu tài nguyên trên địa bàn tỉnh; tiếp tục tuần tra tại các khu rừng, tiến hành chốt chặn ngay tại các cửa rừng đặc dụng, rừng phòng hộ… Thế nhưng, thời gian gần đây, tại một số huyện biên giới như Tương Dương và Quế Phong đã xảy ra một số vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng.
Điển hình, khoảng 22 giờ ngày 27/9/2015, tại bản Pảo 1, xã Quang Phong, huyện Quế Phong, tổ công tác Công an huyện Quế Phong phát hiện, bắt quả tang 1 vụ khai thác, vận chuyển gỗ trái phép, thu giữ 133 phiến gỗ pơmu trị giá hơn 1 tỉ đồng. Được biết, số lượng lớn gỗ quý hiếm trên bị chặt phá tại khu vực rừng đặc dụng, do Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, huyện Quế Phong quản lý.
Ngoài ra, còn có Hạt Kiểm lâm, cán bộ kiểm lâm địa bàn được trang bị đầy đủ phương tiện, thường xuyên có mặt tại địa bàn, tiến hành tuần tra, bảo vệ rừng nhưng không hiểu vì sao, “lâm tặc” lại dễ dàng vận chuyển 133 phiến gỗ quý hiếm ra khỏi cửa rừng?
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Đặng Văn Hiếu, Phó thủ trưởng cơ quan CSĐT, Phó Trưởng Công an huyện Quế Phong cho biết thêm: “Sau gần 2 tháng khởi tố vụ án, ngày 12/12, cơ quan CSĐT đã khởi tố 7 bị can về hành vi “Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng”. Chúng tôi cũng vừa nhận được thông báo của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống.
Cụ thể, theo chỉ đạo, Ban quản lý đã tổ chức kiểm điểm, đề nghị cách chức Trưởng trạm Kiểm lâm địa bàn đối với Nguyễn Huy Hoàng; cảnh cáo, luân chuyển công tác đối với Nguyễn Văn Quyên, Phó trạm trưởng Trạm quản lý, bảo vệ rừng Cắm Muộn. Cảnh cáo đối với trường hợp Nguyễn Văn Nghĩa, cán bộ kiểm lâm địa bàn; khiển trách Ngô Ngọc Tuấn, kiểm lâm viên phụ trách địa bàn và Võ Minh Sơn, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Pù Huống, phụ trách địa bàn 2 huyện Quế Phong và Quỳ Châu”.
Trước đó (ngày 27/10/2015), Tòa án nhân dân huyện Quế Phong đã mở phiên tòa lưu động xét xử sơ thẩm vụ “lâm tặc” “sát hại” 3 cây samu có đường kính trên 2 m. Các bị cáo gồm: Lương Văn Tâm (SN 1975), Vi Văn Hoài (SN 1979), Vi Văn Bình (SN 1994) đều trú tại bản Mường Phú, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong và Cao Minh Quyết (SN 1986) trú tại xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp. HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Tâm 6 năm tù, Hoài 5 năm tù, Bình 4 năm tù, Quyết 4 năm tù.
Được biết, hiện tại, toàn bộ số gỗ samu có giá trị nhiều tỉ đồng trên vẫn nằm nguyên tại khu rừng đặc dụng ở huyện Quế Phong. Lý giải về điều này, ông Nguyễn Tiến Hùng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Quế Phong cho biết, theo quy định, đã là rừng đặc dụng thì phải được bảo vệ nghiêm ngặt nên không có lực lượng nào được phép đưa lâm sản ra khỏi khu vực rừng đặc dụng, kể cả gỗ bị chặt phá trái phép; trừ trường hợp cơ quan chức năng lấy mẫu gỗ rừng đặc dụng để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, nhưng phải được phép của cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, việc vận chuyển số gỗ samu trên ra khỏi rừng đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn…
Qua những vụ phá rừng trên, có thể thấy, rừng đặc dụng có giá trị rất lớn và trách nhiệm của người đứng đầu địa phương và lực lượng kiểm lâm trong công tác chỉ đạo, tuần tra, bảo vệ rừng là hết sức quan trọng. Rừng đặc dụng, rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ đều là tài sản quý báu của quốc gia. Vì vậy, việc bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó trách nhiệm chính thuộc về lực lượng kiểm lâm.