(Congannghean.vn)-Sau khi hoàn tất các thủ tục, hồ sơ theo quy định, doanh nghiệp đến địa bàn để tiến hành động thổ, khai thác mỏ cát thì bị người dân phản ứng, ngăn cản. Họ cho rằng, hơn 20 năm trước, người dân bản địa đã có công đắp bờ, ngăn dòng chảy nên mới có bãi cát bồi như ngày hôm nay nên quyết liệt ngăn cản doanh nghiệp hoạt động. Sự việc xảy ra tại xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An.
Ông Trần Đình Văn, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại VHS (Công ty VHS), địa chỉ tại xóm 17 xã Hưng Thắng, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An vừa có đơn đề nghị khẩn thiết gửi đến các cơ quan chức năng đề nghị can thiệp việc Công ty của ông bị người dân các xóm 1 và 2 xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An “cấm vận” một cách vô lý khiến doanh nghiệp không thể tiến hành khai thác cát tại địa phương. Đã nhiều tháng trôi qua, hàng tỉ đồng đầu tư vào máy móc, trang thiết bị nhưng chưa được sử dụng đến khiến doanh nghiệp thiệt đơn, thiệt kép.
Doanh nghiệp khốn đốn vì bị dân “cấm vận” khai thác
Trước đó, ngày 22/4/2015, UBND tỉnh Nghệ An đã cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 1556/GP-UBND, cho phép Công ty VHS được khai thác cát sỏi làm vật liệu xây dựng tại vị trí bãi bồi thuộc khu vực xã Nghĩa Đồng, thời hạn cấp phép là 10 năm và thời gian xây dựng cơ sở mỏ là 6 tháng.
Sau khi được cấp giấy phép, doanh nghiệp đã hoàn thành đầy đủ các khoản phí, lệ phí với Nhà nước và tiến hành huy động vốn để mua sắm trang thiết bị bao gồm tàu thuyền, máy đào, máy xúc lật…, đồng thời tổ chức đội ngũ công nhân để tiến hành việc khai thác. Ước tính chi phí bỏ ra hơn 5 tỉ đồng.
Vị trí khai thác cá sỏi được UBND tỉnh cấp phép cho Công ty VHS |
Cũng theo trình bày của ông Văn, trước khi đi vào vận hành, khai thác, doanh nghiệp đã thông báo tới tất cả các cơ quan, ban, ngành liên quan về thời gian, kế hoạch xây dựng cơ sở mỏ. Tuy nhiên, trong thời gian tiến hành khởi công xây dựng các hạng mục cơ sở mỏ như đường vận chuyển, khu chế biến… theo phương án đã được UBND tỉnh phê duyệt thì vấp phải sự phản ứng của một số người dân ở các xóm 1 và xóm 2, xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An.
Cho rằng, doanh nghiệp khai thác cát sẽ làm sai lệch dòng chảy, sạt lở đất sản xuất nông nghiệp, đồng thời gây khó khăn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, những người này đã dùng loa của xóm 1 để hô hào người dân cản trở việc khai thác của doanh nghiệp. Trước tình hình đó, phía Công ty VHS đã nhiều lần phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức họp dân để hòa giải nhưng bất thành.
Đến nay, đã 7 tháng trôi qua, việc chậm đi vào khai thác đã ảnh hưởng tới việc thanh thải dòng sông, làm thất thoát nguồn lệ phí và thuế hàng năm của Nhà nước và ảnh hưởng đến tài chính của Công ty.
Trước đó, ngày 1/11/2014, Công ty VHS đã có công văn đề nghị thuê đất làm khu điều hành và bãi chế biến cát sỏi tại xã Nghĩa Đồng. Ngày 13/11/2014, UBND xã có công văn phúc đáp, cho biết bãi đất mà Công ty đề nghị thuê là đất phi nông nghiệp, không có sự tranh chấp hay di tích lịch sử nên đã đồng ý chủ trương thuê đất.
Tiếp đó, ngày 15/7/2014, Công ty VHS có đơn đề nghị cấp phép thăm dò, khai thác cát sỏi tại khu vực nói trên. Cùng ngày, UBND huyện Tân Kỳ có Công văn số 1260 gửi UBND tỉnh, Sở Tài nguyên Môi trường và Sở Xây dựng, cho rằng hiện nhu cầu cát sỏi phục vụ trên địa bàn xã Nghĩa Đồng là rất lớn, điểm mỏ mà Công ty VHS xin thăm dò có diện tích 5,1 ha là điểm nằm xa khu dân cư, không ảnh hưởng đến các công trình xây dựng và di tích tại địa phương, phù hợp với quy hoạch cát sỏi đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Ngày 21/7/2014, UBND tỉnh Nghệ An đã cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản số 3372 cho Công ty VHS, với thời hạn 9 tháng. Đến ngày 16/12/2014, Sở Xây dựng sau khi tham gia ý kiến về thiết kế cơ sở đã kết luận, dự án này có thiết kế hồ sơ phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.
Ngày 14/4/2015, UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục có Quyết định số 1433, phê duyệt Đề án cải tạo, phục hồi môi trường của dự án đầu tư khai thác mỏ cát sỏi xây dựng cho Công ty VHS. Tiếp đó, ngày 22/4/2015, Công ty đã được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản, với thời hạn 10 năm tại khu vực đã được quy hoạch, thăm dò tại xã Nghĩa Đồng.
Ngăn cản doanh nghiệp hoạt động là vi phạm pháp luật
Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã tìm về xã Nghĩa Đồng để tìm hiểu sự việc cũng như nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Ông Ngô Xuân Hợi (75 tuổi), Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Nghĩa Đồng cho rằng, bãi bồi có được là do người dân đã bỏ công sức đắp một bờ kè dài 200 m, cao 2,5 m để làm thay đổi dòng chảy. Do vậy, nhân dân muốn giữ lại bãi bồi để bảo vệ cho dân làng yên tâm sản xuất.
Trong khi đó, theo ông Võ Duy Hiển, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đồng thì vị trí cấp phép khai thác cát cho Công ty VHS thuộc địa bàn giáp ranh giữa xóm 1 và xóm 2, từ trước đến nay người dân rất có ý thức để giữ gìn bãi bồi. Vị trí này trước đây xã cho khai thác thủ công, nhưng từ nhiều năm đã không còn hoạt động khai thác cát sỏi.
Thời điểm Công ty tiến hành động thổ, nhân dân kéo ra bao vây, cản trở, chính quyền đã báo cáo với UBND huyện và Công an huyện Tân Kỳ để phối hợp giải quyết kịp thời. Theo ông Hiển, trên địa bàn xã Nghĩa Đồng đến nay có 7 doanh nghiệp khai thác cát sỏi đang hoạt động. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất là vị trí mà Công ty VHS được cấp phép quá gần với khu vực dân cư nên công tác vận động, tuyên truyền gặp không ít khó khăn.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Hóa, Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ cho rằng, quan điểm của chính quyền huyện là mỏ cát sỏi đã được các cấp có thẩm quyền cấp phép thì cứ vào khai thác bình thường, song phải làm tốt công tác vận động quần chúng. Về sự việc Công ty VHS không khai thác được vì bị dân phản đối, đích thân ông Hóa đã đến tận cơ sở để làm việc với chính quyền và đối thoại với nhân dân.
Hiện, UBND huyện Tân Kỳ đã giao trách nhiệm cho chính quyền xã Nghĩa Đồng phối hợp với cơ quan chức năng và các ban, ngành liên quan để xử lý, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp sớm ổn định tiến hành khai thác.
Về những mối quan ngại của người dân, ông Hóa cho rằng, người dân phản ứng như vậy là chưa hợp lý, bởi đến thời điểm này, việc khai thác vẫn chưa diễn ra. Vị trí được cấp phép là bãi bồi giữa lòng sông, không ổn định chứ không trùng với phần diện tích đất nông nghiệp đã được bàn giao cho các hộ dân. Ngoài ra, việc khai thác khoáng sản đã có biện pháp chống sạt lở nêu rõ trong đề án cải tạo, phục hồi môi trường đã được phê duyệt.
Thiết nghĩ, các cấp có thẩm quyền và các ngành chức năng cần tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm, hợp tình, hợp lý, vừa đảm bảo được quyền lợi doanh nghiệp, vừa hợp lòng dân, an ninh xã hội được đảm bảo.