(Congannghean.vn)-Khoảnh khắc vội vã của cuộc tình thời hoa lửa hơn 40 năm về trước, ông không biết rằng, mình đã gửi lại một “giọt máu” nơi người con gái hậu phương. Để rồi, suốt mấy chục năm qua, từ sau khi người mẹ đột ngột mất đi, mang theo bí mật vào cõi thiên thu, người con gái ấy đã miệt mài đi tìm cha trong nỗi khát khao tình phụ tử. Tròn 40 năm sau ngày chia biệt, với sự giúp đỡ của đồng đội và sự vun vén của vợ con, người cha ấy đã rưng rưng nước mắt khi đón nhận “khúc ruột” của mình trong nỗi xúc động nghẹn ngào.
Tìm cha giữa thời bình
Chuyện bắt đầu từ một ngày cuối năm 2013. Khi ấy, chị Nguyễn Thị Lan (SN 1974) trú tại TX Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị đang quây quần với chồng con tại nhà riêng thì một đoàn khách lạ ghé thăm. Trong số đó, chỉ có vài người là bạn cũ của người mẹ quá cố mà chị Lan quen biết, còn lại hai người đàn ông đến từ Nghệ An thì chị chưa từng gặp. Mãi đến khi được giới thiệu là đồng đội cùng chiến đấu tại đơn vị mà ngày xưa, lúc sinh thời mẹ chị vẫn chạy bộ hàng cây số đến chơi thì linh tính mách bảo chị rằng, có mối liên hệ thực sự giữa chuyện chị đi tìm cha bấy lâu nay với sự xuất hiện bất ngờ của hai người đàn ông này.
Vợ chồng ông Trung, bà Vân |
Ông Cao Huy Khôi trú tại phường Vinh Tân, TP Vinh, một trong hai người đàn ông xuất hiện tại nhà chị Lan hôm ấy kể lại: “Đó là chuyến đi thăm lại chiến trường xưa của các cựu chiến binh thuộc Đại đội 11 pháo binh, Tiểu đoàn 24, có nhiệm vụ bảo vệ bờ bắc sông Bến Hải, đóng quân tại xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Trong thời gian đoàn nghỉ ở Hồ Xá, ông Khôi và ông Nguyễn Văn Việt, hiện trú tại xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên rủ nhau về Cửa Tùng thăm lại địa điểm đơn vị đóng quân trước đây.
Nhờ một đồng đội cũ trong đơn vị tên Phú, nhà ở xã Vĩnh Quang dẫn đường nên ngày 25/3/2013, đồng đội tìm được nhau, mừng mừng tủi tủi sau 40 năm chia biệt. Trong câu chuyện sau đó, mọi người nhắc đến kí ức về một người con gái tên Lân đem lòng yêu thương một anh lính cao xạ tên Trung, cùng Đại đội 11 pháo binh và có với anh này một người con gái. Năm cháu 16 tuổi, người mẹ qua đời mà không kịp cho con biết cha cô bé là ai. Suốt mấy chục năm qua, từ khi mẹ mất đến nay, cô bé trên giờ đã trở thành người mẹ của 3 đứa con, vẫn miệt mài đi tìm cha khắp nơi nhưng vô vọng.
Mang theo nỗi trăn trở của cô gái nhỏ về lại xứ Nghệ, ông Khôi và ông Việt không khỏi băn khoăn. Cùng là đơn vị với nhau, song ngày đó bị chia lẻ ra, đóng ở cả hai bờ Bắc và Nam sông Bến Hải, quân số lại biến động, luân chuyển thường xuyên nên anh em không nhớ mặt nhau là lẽ thường tình. Nhưng rồi, bằng nỗ lực của mình, các ông phát hiện một cựu binh tên Trung, cũng là lính pháo binh từ Cồn Cỏ về, hiện đang sống tại xã Tân Hương, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Qua xác minh cho kết quả, dù ông này có nhiều điểm giống nhưng không phải là người họ đang tìm kiếm. Song, từ thông tin ông này cung cấp, được biết ở xã Long Sơn, huyện Anh Sơn có ông Trung chuyên làm nghề bốc thuốc. Ngay từ lần gặp đầu tiên, anh em đã nhận ra nhau nhờ dáng đi khập khễnh và chiếc răng vàng “chẳng lẫn vào đâu được”. Câu chuyện sau đó được lái sang “chuyện tình” từ 40 năm về trước. Ông Trung thoáng chút chột dạ, lén nhìn vội xuống bếp, nơi người vợ đang lúi húi chuẩn bị bữa cơm rồi nói lảng sang chuyện khác.
Cha con hội ngộ sau 40 năm
Trong câu chuyện sau đó, người đàn ông của 4 đứa con, đã bước sang tuổi 75 này chia sẻ rằng, ông là tộc trưởng dòng họ Nguyễn Hữu nên sợ rằng nếu mọi việc vỡ ra, vợ con lại nghĩ khác. Thực lòng, ông Trung rất muốn nhận con, bởi câu chuyện của 40 năm về trước từ bấy lâu nay ông vẫn chôn chặt trong lòng, nhưng việc “để lại” đứa con thì ngoài sức tưởng tượng của bản thân. Ngày đó, vốn có chút tài lẻ về bốc thuốc, bấm huyệt học được nhờ gia truyền, sau khi vào đất liền từ đảo Cồn Cỏ, ông Nguyễn Hữu Trung được phiên chế vào Đại đội 11.
Đại gia đình ông Trung trong ngày đoàn viên (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Cạnh nơi đơn vị đóng quân là gia đình ông cán bộ xã, có người con gái tên Lân nết na, hiền lành nhưng mắc chứng bệnh động kinh. Mỗi lần Lân lên cơn co giật, đích thân Trung lại bấm huyệt và trong thời gian đóng quân tại đây, Trung đã chữa lành bệnh cho cô gái trẻ, cũng là lúc tình cảm đôi lứa vượt quá giới hạn của tình quân dân. Vào một đêm mưa gió giữa tháng 7/1973, đơn vị C11 được lệnh bí mật rút quân lặng lẽ trong đêm. Trung đi mà không kịp nói lời từ biệt. Sáng hôm sau, cô gái nhỏ tất tả chạy dọc bờ sông Bến Hải, nhìn thấy bếp Hoàng Cầm còn vương hơi ấm nhưng người đã đi xa. Bất giác, Lân nhìn xuống bụng, hai hàng nước mắt lặng lẽ rơi… Thời gian dần trôi, theo đó, “giọt máu” mà ông Trung để lại cũng dần khôn lớn.
Sau khi biết về người cha chưa từng gặp mặt của mình, chị Lan đã đi tìm kiếm khắp nơi, hết nhờ bạn bè lại tìm đến các tổ chức, cá nhân liên quan, hễ gặp ai tên Trung đều xấn đến hỏi han. “Từ khi lấy chồng về TX Quảng Trị, vào những ngày tri ân những anh hùng đã ngã xuống trên mảnh đất này vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, tui lại đến Thành cổ, chạy đi hỏi tên từng người xem có ai tên Trung không, chỉ hy vọng người đó là cha mình, hoặc biết đến đơn vị của cha nhưng lúc nào cũng vô vọng”, chị Lan kể lại những tháng ngày gian nan đi tìm cha giữa thời bình.
Về phần ông Trung, sau khi ra quân, về quê nhà lấy vợ và sinh được 4 người con, ông sống an nhàn bằng nghề bốc thuốc, chữa bệnh cứu người tại xã Long Sơn mà không hề hay biết chuyện về đứa con gái nhỏ “rơi rớt” của mình. Bởi vậy, khi mọi người đề cập đến chuyện này và đề nghị ông nhận con, lòng ông còn phân vân lắm. Chị Lan cũng vậy, dù rất muốn được gặp cha sau bao năm kiếm tìm, nhưng lúc này, bao nỗi sợ lại bỗng dưng ập đến khiến chị chững lại.
Hiểu được nỗi lòng hai cha con, ông Khôi, ông Việt và những người đồng đội cũ cùng đơn vị đã nghĩ đến việc nhờ sự giúp sức của đứa con gái út của ông Trung, lấy chồng ra Hà Nội, vốn là người xởi lởi nên các ông đã khéo léo gợi chuyện. Ngay lập tức, chị Lộc, con gái ông Trung đã chủ động gọi điện thoại mời 3 mẹ con chị Lan từ Quảng Trị ra Hà Nội để chị em gặp nhau trước, sau đó, đại gia đình lại từ Hà Nội về huyện Anh Sơn để gặp cha. Trong thời gian này, Lộc cũng “tranh thủ” các anh chị để làm công tác “tư tưởng” cho mẹ. May mắn là, bà Bùi Thị Vân, vợ ông Trung là người phụ nữ rất độ lượng và bao dung. Chính bà đã trực tiếp bắt gà làm cơm, chạy từ nhà ra Quốc lộ 7 để đón con gái riêng của chồng trong niềm phấn chấn đến lạ.
Bữa cơm đoàn viên có đầy đủ con cháu hội ngộ từ hai miền Bắc, Trung và cả đồng đội ông Trung. Cha con chính thức nhận nhau sau 40 năm rong ruổi tìm kiếm. Sau đó, ông Trung đã về thăm lại chiến trường xưa, đến thắp hương tạ lỗi trên mộ bà Lân. Từ đó đến nay, cha con, chị em trong đại gia đình vẫn thường xuyên liên lạc với nhau. Hôm chúng tôi đến nhà, ông Trung tỏ vẻ ngại ngùng khi nhắc lại chuyện cũ, nhưng bà Vân thì ngược lại, người vợ vị tha này không những không trách cứ chồng mà còn mở lòng đón nhận đứa con riêng của chồng bằng tình yêu thực sự của một người mẹ, như muốn bù đắp cho chị Lan những mất mát trong suốt 40 năm đằng đẵng mất mẹ và thiếu vắng tình cảm của cha.
.