Bệnh nhân đầu tiên được ghép tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương là chị H. T. T. L (28 tuổi), quê Quảng Bình, được chẩn đoán là bị Leucemie (bệnh máu trắng).
Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cho biết, trong hơn 700 mẫu tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng đang được lưu trữ tại Viện, đã có 1 mẫu được dùng để ghép cho bệnh nhân bị ung thư máu.
Và bệnh nhân đầu tiên được ghép tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng là chị H. T. T. L (28 tuổi), quê Quảng Bình, được chẩn đoán là bị Leucemie (bệnh máu trắng) cấp dòng tủy (M5A).
Tế bào gốc được lấy ra khỏi nơi lưu trữ, rã đông và truyền cho bệnh nhân |
Bệnh nhân L. phát hiện bệnh này từ tháng 9/2014, sau đó được điều trị 2 đợt hóa chất tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương và đạt lui bệnh hoàn toàn. Nhưng, do bệnh nhân L. thuộc nhóm tiên lượng xấu, nên yêu cầu điều trị ghép tế bào gốc là phương án tối ưu nhất hiện nay để cứu sống bệnh nhân.
Sau khi xem xét các điều kiện, ê kíp bác sỹ của Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã quyết định điều trị bằng phương pháp ghép tế bào gốc cho bệnh nhân và nguồn tế bào gốc sẽ được lấy từ người em trai ruột của chị L.
Tuy nhiên, khi tiến hành xét nghiệm tủy từ người em ruột thì lại không phù hợp, nên không thể cho bệnh nhân tế bào gốc được. Vì vậy, các bác sỹ của Viện đã phải tìm trong 700 mẫu máu dây rốn cộng đồng đang lưu trữ tại viện và tìm ra được một mẫu phù hợp HLA với bệnh nhân và đủ số lượng tế bào gốc để tiến hành ca ghép.
Sau khi thực hiện các thủ tục cần thiết, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã thực hiện ca ghép cho bệnh nhân L. bằng mẫu tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng này.
Ca ghép được tiến hành khá thuận lợi vào sáng 30/12/2014. Bệnh nhân sau ghép sức khỏe ổn định và đang được theo dõi nghiêm ngặt trong phòng chăm sóc đặc biệt tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương.
TS. Trần Ngọc Quế, Phó Giám đốc Trung tâm tế bào gốc của Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cho biết, Viện đã thực hiện trên 140 ca ghép tế bào gốc (bao gồm cả tự thân và đồng loại), nhưng ca ghép này đặc biệt ở chỗ, đây là bệnh nhân đầu tiên được tiến hành ghép đồng loại nhưng không cùng huyết thống, mà được sử dụng nguồn tế bào gốc từ máu dây rốn trong cộng đồng.
Điều này đã mở ra cơ hội và hi vọng mới trong điều trị bằng phương pháp ghép tế bào gốc cho bệnh nhân bị bệnh máu ác tính có chỉ định ghép nhưng lại không cho anh chị em ruột cho tế bào gốc.
Tế bào gốc máu cuống rốn được xem là bảo hiểm sinh học cho đứa trẻ. Vì một đứa trẻ khi sinh ra và lớn lên không thể biết sẽ mắc những bệnh gì. Nếu không may trẻ mắc bệnh, có thể do bệnh lý, do di truyền, hay tác động bởi môi trường, đặc biệt là các bệnh ác tính liên quan đến máu, hệ miễn dịch,… thì tế bào gốc này sẽ cứu các em.
Ngoài ra, những người thân trong gia đình, hoặc người khác khi bị những bệnh đều có thể dùng tế bào gốc để điều trị, nhưng phải có HLA phù hợp (tỷ lệ 1/10.000).
Phó Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương Bạch Quốc Khánh cho biết: “Ghép tế bào gốc máu dây rốn đỡ phức tạp hơn ghép tế bào gốc máu khác. Cộng đồng người Việt khá đồng nhất về di truyền, nên việc xây dựng và phát triển ngân hàng này sẽ tăng cơ hội cho những bệnh nhân có chỉ định ghép tế bào gốc”.
.