Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201412/ong-chu-tiem-may-cam-diec-da-tai-574531/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201412/ong-chu-tiem-may-cam-diec-da-tai-574531/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Ông chủ tiệm may câm điếc đa tài - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 30/12/2014, 08:16 [GMT+7]

Ông chủ tiệm may câm điếc đa tài

(Congannghean.vn)-Mặc dù cả vợ lẫn chồng đều không có khả năng nghe và nói, song với năng khiếu bẩm sinh, họ đã cùng nhau tạo dựng nên thương hiệu bằng tiệm may nổi tiếng ở TP Vinh. Hơn thế nữa, ngoài gia đình êm ấm với 3 đứa con khỏe mạnh, những lúc rảnh rỗi, ông chủ đa tài này còn thỏa sức đam mê bằng những bức họa đẹp đến khó cưỡng.
 
Ngôi nhà nhỏ kiêm tiệm may Huy Hải của hai vợ chồng anh Nguyễn Huy Hải và chị Nguyễn Thị Vinh, cùng sinh năm 1982, ở số nhà 20, đường Trương Văn Lĩnh, phường Hà Huy Tập, TP Vinh, chuyên comple, veston mấy năm gần đây lúc nào cũng tấp nập khách vào ra. Điều đặc biệt thú vị ở chỗ, ngôn ngữ giao tiếp giữa khách hàng với chủ tại đây đều diễn ra trên giấy. Mọi thông tin, yêu cầu, thắc mắc đều được viết ra giấy và được chủ tiệm may giải quyết rất nhanh gọn.
Anh Hải với bức tranh “Mã đáo thành công” do mình vẽ bằng sơn dầu
Anh Hải với bức tranh “Mã đáo thành công” do mình vẽ bằng sơn dầu
 
Tiệm may của vợ chồng khuyết tật
 
Anh Nguyễn Huy Hải (SN 1982), sinh ra trong gia đình nghèo, tuổi thơ vốn lành lặn. Năm 4 tuổi, sau trận sốt, do điều trị tại gia nên anh đã bị biến chứng, cấm khẩu, sau đó bị điếc, không có khả năng nghe và nói nữa. Không chỉ bất hạnh về thân phận, Hải còn phải chịu đựng nỗi đau tình thâm khi cha mẹ chia lìa, mẹ bỏ đi, cha lấy vợ khác rồi có thêm 3 người em cùng cha, khác mẹ. Không cam chịu số phận, Hải âm thầm tự mình phấn đấu, bền bỉ học nghề may trong suốt hơn 10 năm trời. Số phận cuộc đời anh đã rẽ sang trang mới kể từ khi anh vào học nghề tại trường dạy nghề dành cho trẻ khuyết tật của tỉnh Nghệ An. Nơi đây, Hải đã gặp được người con gái của cuộc đời mình.
 
Chị Nguyễn Thị Vinh, vợ anh Hải hiện tại là một người khuyết tật bẩm sinh, không có khả năng nghe và nói từ khi lọt lòng mẹ. Chị Vinh cũng được gia đình xin vào học nghề may tại trung tâm và gặp anh Hải, hai tâm hồn gặp nhau. Dù không lắng nghe được bằng thính giác, không biểu thị bằng thanh âm nhưng ánh mắt, nụ cười, nhịp đập con tim đã đưa họ đến bên nhau. Vượt qua mọi rào cản từ gia đình và xã hội, tháng 12/2002, Hải và Vinh đã nên nghĩa vợ chồng.
 
Sau 12 năm chung sống, hai anh chị đã có với nhau 3 cô công chúa lành lặn, xinh xắn, khỏe mạnh và học hành giỏi giang. Cô chị cả năm nay học lớp 6 và là “phiên dịch viên” để làm cầu nối giao tiếp giữa khách với hai vợ chồng. Về tiệm may Huy Hải của mình, anh Hải cho biết, đó là nguồn sống chính của cả gia đình. Do tay nghề cao, lại tận tình phục vụ khách nên bất luận, bất đồng về ngôn ngữ, nhiều khách hàng thân thiết vẫn thường xuyên tìm đến tiệm may Huy Hải để đặt hàng. Tại đây, giữa chủ và khách chỉ giao tiếp thông qua kênh ngôn ngữ duy nhất là viết và trao đổi ra giấy. Theo đánh giá của nhiều người thì quần áo, veston do anh Hải, chị Vinh may rất đẹp và vừa lòng kể cả những người khó tính nhất. 
 
Ông chủ câm, điếc với niềm đam mê hội họa
 
Ngoài biệt tài về may, anh Nguyễn Huy Hải còn có niềm đam hội họa. Anh cho biết, niềm đam mê này có từ thuở bé. Anh có thể vẽ được trên mọi chất liệu, từ vẽ chì đến sơn dầu. Theo đó, ngày thơ bé, những lúc sống khép kín, Hải lại tìm niềm vui trong hội họa và niềm đam mê ấy đã ăn sâu vào tiềm thức, cho đến tận bây giờ vẫn chưa thôi đam mê. Những lúc rảnh rỗi, Hải lại vùi mình vào hội họa để tìm vui.
 
Anh cho biết, ngày cưới, để đánh dấu cho tình yêu đẹp và lãng mạn của hai người, anh đã đích thân vẽ bức ảnh cưới của hai vợ chồng. Đến nay, bên cạnh tấm ảnh cưới được chụp tại studio, bức tranh do anh tự vẽ vẫn được treo trang trọng trong phòng khách. Ngoài ra, nhiều bức tranh vẽ về phong cảnh, chân dung bằng chất liệu sơn dầu được anh đóng khung, treo nhiều nơi tại tiệm may.
 
Tâm sự bằng những dòng chữ nguệch ngoạc, anh Nguyễn Huy Hải cho biết, anh có cảm hứng nhất là lúc vẽ tranh về vợ con, gia đình. Những khi ấy, bản thân có thể ngồi hàng giờ liền bên cây cọ mà không quan tâm đến mọi thứ xung quanh. Hải vẽ để thỏa niềm đam mê chứ bản thân cũng chưa nghĩ đến việc sẽ tham gia triển lãm hay bán tranh để mưu sinh. Đơn giản, với anh, sau gia đình, vợ con và công việc, hội họa là một kênh để giải trí. Bà Nguyễn Thị Mai Đôn, mẹ kế của anh Hải cho biết thêm, bản thân bà là cán bộ hội phụ nữ về hưu, cũng bị điếc nên rất thấu hiểu nỗi khổ tâm của những người khiếm khuyết về bản thân.
 
Song, chứng kiến tình yêu thương và nghị lực vươn lên của vợ chồng Hải và Vinh, bà cảm thấy may mắn và tự hào về các con của mình. Tuổi già, sức yếu, bà không làm gì đỡ đần được cho các con nên ngày ngày phụ giúp nấu ăn và trông đứa con út mới hơn 6 tháng tuổi, để vợ chồng có thêm thời gian tập trung cho công việc. Cứ như vậy, hơn chục năm nay, trong ngôi nhà nhỏ ấy, đằng sau sự tất bật của tiệm may là những số phận con người, với thứ ngôn ngữ đặc biệt, đang tự mình vượt qua bản thân để khẳng định mình, vươn lên trong cuộc sống.
.

Thiên Thảo

.