Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201412/nhan-ngay-dan-so-viet-nam-2612-khong-bo-lo-co-hoi-dan-so-vang-573469/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201412/nhan-ngay-dan-so-viet-nam-2612-khong-bo-lo-co-hoi-dan-so-vang-573469/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Không bỏ lỡ cơ hội 'dân số vàng' - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 26/12/2014, 15:35 [GMT+7]
Nhân Ngày Dân số Việt Nam 26/12

Không bỏ lỡ cơ hội 'dân số vàng'

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) của Việt Nam hiện nay vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của đất nước.
 
Việt Nam đã bước vào thời kỳ già hóa dân số
 
Ngày 17/12 vừa qua, Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam công bố các kết quả chủ yếu của Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ tại thời điểm 1/4/2014. Theo đó, dân số Việt Nam đạt 90.493.352 người. Trong số này có hơn 44,6 triệu nam giới, chiếm 49,3%, và 45,8 triệu nữ giới, chiếm 50,7%. 
  Tính đến ngày 1/4/2014, dân số Việt Nam đạt gần 90,5 triệu người.  Ảnh minh họa
Tính đến ngày 1/4/2014, dân số Việt Nam đạt gần 90,5 triệu người. Ảnh minh họa
Với quy mô dân số hiện tại, vị trí của Việt Nam trong bảng xếp hạng các nước đông dân trên thế giới và trong khu vực vẫn không thay đổi so với số liệu Điều tra năm 2009, giữ vị trí thứ 13 trên thế giới và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. 
 
Trong 5 năm qua, dân số Việt Nam tăng thêm hơn 4,6 triệu người, trung bình mỗi năm tăng hơn 929 nghìn người. Tỷ số giới tính khi sinh đã lên tới 112,2 bé trai/100 bé gái, cao hơn so với Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 là 110,5 bé trai/100 bé gái.
 
Số liệu Điều tra vừa qua cũng cho thấy, tỷ số phụ thuộc của Việt Nam là 44% và vẫn đang ở trong thời kỳ “dân số vàng”. Tuy nhiên, tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm 7,1% tổng dân số và chỉ số già hóa là 44,6% khẳng định Việt Nam đã bước vào thời kỳ già hóa dân số.
 
Cùng với những thành tựu quan trọng đã đạt được, công tác DS – KHHGĐ của Việt Nam hiện nay cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cả về quy mô dân số, cơ cấu dân số, chất lượng dân số, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của đất nước. Đặc biệt, quy mô dân số lớn và vẫn tiếp tục tăng, mức sinh vẫn biến động khó lường, nhiều tỉnh mức sinh còn cao chưa đạt mức sinh thay thế nhưng một số tỉnh, thành phố mức sinh giảm quá thấp gây bất lợi đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện nhiệm vụ quan trọng trong công tác dân số hiện nay là duy trì được mức sinh thay thế hợp lý, Tháng hành động quốc gia về dân số 2014 vừa được Bộ Y tế phát động với chủ đề “Duy trì mức sinh thấp hợp lý vì sự phát triển bền vững của đất nước.” 
 
Chuyển đổi từ chính sách Dân số - kế hoạch hóa gia đình sang chính sách Dân số và phát triển
 
Những vấn đề mới nảy sinh trong công tác dân số đang thách thức sự phát triển bền vững của đất nước: Làm thế nào để đáp ứng nhu cầu lương thực, năng lượng cho hơn 90 triệu dân hiện nay và hơn 100 triệu trong 10 năm tới? Giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính ở trẻ em ngày càng nghiêm trọng? Tận dụng được cơ hội “dân số vàng” đang trôi đi nhanh? Làm thế nào để tăng trưởng kinh tế bền vững và an sinh xã hội đảm bảo khi quá trình già hóa dân số đang diễn ra nhanh? Làm thế nào để di dân diễn ra trôi chảy và phát triển bền vững?...
Trước những vấn đề nêu trên, GS. TS. Nguyễn Đình Cử (Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng thực tế đang đòi hỏi đổi mới chính sách dân số, từ mục tiêu giảm sinh sang nâng cao chất lượng dịch vụ DS-KHHGĐ và giải quyết các vấn đề dân số-phát triển. 
 
GS. TS. Nguyễn Đình Cử khẳng định: Việt Nam đã xác định "phát triển bền vững" là mục tiêu chiến lược của quốc gia. Trước đây, khi mức sinh rất cao, để góp phần đạt được mục tiêu này, Đảng và Nhà nước đặt "kế hoạch hoá gia đình" là trọng tâm của chính sách dân số là hoàn toàn hợp lý. Hiện nay và trong tương lai, khi mức sinh đã giảm bền vững dưới mức sinh thay thế, để đạt được mục tiêu "phát triển bền vững" thì trọng tâm của chính sách dân số cần phải thay đổi để thích ứng với bối cảnh phát triển mới (Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển việc làm có giá trị cao để tận dụng cơ cấu dân số vàng; Phát triển hệ thống giáo dục và y tế phù hợp với cơ cấu dân số thay đổi mạnh mẽ; Dân số già và an sinh xã hội; Mất cân bằng giới tính khi sinh và hệ lụy; Di dân và chất lượng cuộc sống;...). Hay nói cách khác yếu tố dân số cần phải được giải quyết trong mối quan hệ chặt chẽ với phát triển bền vững, vì dân số vừa là động lực tạo ra phát triển, vừa là đối tượng thụ hưởng sự phát triển để kiến tạo xã hội phát triển ở trình độ cao hơn. Do  vậy, chuyển đổi trọng tâm của chính sách dân số, từ DS-KHHGĐ sang Dân số và phát triển là yêu cầu bức thiết hiện nay. 
 
Cùng với đề nghị đổi mới chính sách dân số, GS. TS. Nguyễn Đình Cử cũng khuyến nghị một số vấn đề về lồng ghép biến dân số vào kế hoạch hóa phát triển; xây dựng hệ thống số liệu dân số đầy đủ, tin cậy và dự báo dân số.
 
Thông điệp từ Quỹ Dân số Liên hợp quốc
 
Nói về các vấn đề trong công tác dân số ở Việt Nam hiện nay, ông Arthur Erken, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam nhận định: Ở Việt Nam, số liệu từ các cuộc điều tra về dân số cho thấy mức sinh đã giảm một cách vững chắc và đã xuống dưới mức sinh thay thế vào năm 2013. Đây là một thành tựu tuyệt vời của Chương trình quốc gia về Dân số và Kế hoạch hóa gia đình trong những thập kỷ vừa qua. Hiện nay, Việt Nam đang ở trong giai đoạn chuyển đổi nhân khẩu học quan trọng, đây là cơ hội cho Việt Nam đưa ra những lựa chọn đúng đắn trong việc đầu tư kinh tế-xã hội giúp cho quá trình phát triển bền vững của đất nước
 
Cùng với nhận định trên, ông Arthur Erken đã nhấn mạnh bốn thông điệp chính:
 
Trước hết, cần phải có thêm nhiều nỗ lực hơn nữa để tập trung vào việc giải quyết những nhu cầu chưa được đáp ứng bằng việc đảm bảo tiếp cận phổ cập tới sức khỏe sinh sản và tình dục toàn diện và có chất lượng, đặc biệt là ở những vùng xa, và ở những dân tộc thiểu số và những nhóm dân số có trình độ học vấn thấp. Việc này, khi đó, sẽ thu hẹp khoảng cách giữa các vùng và các nhóm dân tộc trong một số các chỉ số phát triển liên quan. 
 
Thứ hai, với sự suy giảm mức sinh nhanh chóng và tuổi thọ trung bình ngày càng tăng cao, dân số Việt Nam đang già hóa rất nhanh và sẽ bắt đầu vào giai đoạn được gọi là “giai đoạn dân số già” trong một thời gian ngắn. Các quốc gia đã trải qua xu hướng tương tự như Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan đã đối mặt với nhiều thách thức trong việc đáp ứng những nhu cầu bảo trợ xã hội của dân số già hóa trong khi số người trong độ tuổi lao động đang thu hẹp lại.
 
Thứ ba, cùng với những xu hướng này chính là những lợi tức mà nhân khẩu học đem lại cho Việt Nam, còn được gọi là “giai đoạn dân số vàng”. Người trẻ tuổi chiếm khoảng 40% tổng dân số của Việt Nam, đây là một tỷ lệ cao nhất trong lịch sử từ trước đến nay.  Đầu tư cho thanh niên trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội có chất lượng, bao gồm cả sức khỏe sinh sản và tình dục, giáo dục, đào tạo nghề và cơ hội việc làm có thể mang lại những lợi ích giúp phát triển bền vững.
 
Thứ tư, Việt Nam đang trải qua thời kỳ chuyển đổi nhân khẩu học duy nhất trong lịch sử: nhóm dân số trẻ đông đảo; nhóm dân số cao tuổi đang tăng và mất cân bằng giới tính khi sinh. Chính vì vậy, Luật Dân số sắp tới cần phải giải quyết các cơ hội và thách thức của việc chuyển đổi nhân khẩu học duy nhất này nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho tất cả mọi người. Bên cạnh đó, Luật Dân số nên đưa vấn đề dân số vào các chiến lược phát triển tổng thể, chứ không chỉ tập trung vào mức sinh.
.

Nguồn: Dangcongsan.vn

.