Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201412/suyt-bo-mang-noi-xu-nguoi-vi-sa-bay-cong-ty-xuat-khau-lao-dong-chui-574535/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201412/suyt-bo-mang-noi-xu-nguoi-vi-sa-bay-cong-ty-xuat-khau-lao-dong-chui-574535/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Suýt bỏ mạng nơi xứ người vì 'sa bẫy' công ty xuất khẩu lao động 'chui' - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 30/12/2014, 08:18 [GMT+7]

Suýt bỏ mạng nơi xứ người vì 'sa bẫy' công ty xuất khẩu lao động 'chui'

(Congannghean.vn)-Đầu năm 2012, ông Hoàng Ngọc Bảo (SN 1965) trú tại xóm 3, xã Ngọc Sơn, huyện Đô Lương vay mượn hơn 140 triệu đồng, làm thủ tục cho con trai là Hoàng Ngọc Mùi (SN 1991), xuất khẩu lao động sang làm việc tại Ănggôla. Tuy nhiên, cha con ông Bảo không thể ngờ rằng, đó là một đường dây đưa người ra nước ngoài lao động bất hợp pháp… Hơn 10 tháng sống ở xứ người trong cảnh trốn tránh, chui lủi, sau trận sốt rét “thập tử nhất sinh”, Mùi trở về nước với hai bàn tay trắng và gánh nợ ngân hàng chưa biết lúc nào trả xong.
 
Theo đơn trình bày của ông Hoàng Ngọc Bảo gửi Tòa soạn Báo Công an Nghệ An: Giữa năm 2011, người anh họ công tác tại TP Vinh về xã Ngọc Sơn thăm gia đình và hỏi thăm con trai út của ông bây giờ đang làm gì, ở đâu? Ông Bảo thật thà trình bày với người anh họ, cháu Mùi đang ở nhà phụ giúp gia đình làm nông nghiệp, chưa có công việc gì cả. Thấy vậy, ông này gợi ý cho ông Bảo rằng, có muốn cho cháu Mùi đi xuất khẩu lao động hay không? Không mảy may nghi ngờ lời giới thiệu của người anh họ, ông Bảo đặt niềm tin, nhờ ông tìm chỗ làm thủ tục cho con trai đi xuất khẩu lao động, mong cho con có công ăn việc làm, kiếm thêm thu nhập, phụ giúp gia đình.
Vợ chồng ông Hoàng Ngọc Bảo trình bày sự việc với phóng viên
Vợ chồng ông Hoàng Ngọc Bảo trình bày sự việc với phóng viên
Đầu tháng 1/2012, nhận được tin báo của người anh họ, 2 cha con ông Bảo từ nhà xuống TP Vinh, sau đó được người anh họ đưa đến số nhà 78, đường Trần Thủ Độ, phường Trường Thi, TP Vinh. Tại đây, cha con ông Bảo gặp chị Đàm Thị Trường, Giám đốc Công ty CP Xuất khẩu Xây dựng Thương mại Intercoop.vn. Qua lời tư vấn của chị Trường, hiện tại, thị trường lao động ở Ănggôla đang dễ làm ăn, tiền lương cao, mỗi tháng người lao động thu nhập bình quân hơn 1.000 đôla Mỹ. Tổng chi phí làm hồ sơ thủ tục sang Ănggôla hơn 7.000 đôla (tương đương số tiền 146 triệu đồng). 
 
Ông Bảo cho biết thêm: Lúc bấy giờ thấy họ nói chi phí cho con sang Ănggôla hết hơn 140 triệu đồng, tôi thấy số tiền quá lớn so với hoàn cảnh gia đình, nhưng họ nói có thể làm thủ tục vay vốn ngân hàng, cháu đi làm rồi gửi tiền về trả nợ dần. Hơn nữa, là anh em họ, tôi tin tưởng ông ấy sẽ giới thiệu cho cháu Mùi ở công ty có uy tín nên an tâm hơn. 
 
Ngày 10/1/2012, theo lời hẹn trước, ông Bảo vay mượn được 42.200.000 đồng, mang xuống nộp tiền cọc cho chị Trường, làm chi phí ban đầu cho việc làm thủ tục xuất khẩu lao động. Tiếp đó, ngày 10/5/2012, ông Bảo nộp cho chị Trường thêm 100 triệu đồng và cuối cùng là ngày 19/6/2012, ông Bảo nộp thêm cho chị Trường số tiền 4.350.000 đồng. Tổng số tiền ông Bảo đã nộp cho chị Trường cả 3 lần là 146.550.000 đồng.
Trụ sở Công ty Intercoop.vn tại số nhà 78, đường Trần Thủ Độ, phường Trường Thi  (TP Vinh), do Đàm Thị Trường làm giám đốc, đưa người đi xuất khẩu lao động bất hợp pháp
Trụ sở Công ty Intercoop.vn tại số nhà 78, đường Trần Thủ Độ, phường Trường Thi (TP Vinh), do Đàm Thị Trường làm giám đốc, đưa người đi xuất khẩu lao động bất hợp pháp
 
Cũng theo trình bày của ông Bảo, sau khi nộp tiền được gần 2 tháng, vào ngày 4/8/2012, Đàm Thị Trường báo tin cho cha con ông có mặt tại TP Vinh vào lúc 20 giờ cùng ngày để ra Hà Nội, làm thủ tục bay sang Ănggôla. Lúc gặp Trường, tôi có hỏi “Hợp đồng lao động” thì được Trường trả lời là lên máy bay sẽ có người đưa cho và nói thêm, hợp đồng lao động 3 năm nên bác cứ yên tâm! Đến ngày 6/8/2012, có người đưa cho con trai tôi một vé máy bay và 1 vida, con tôi có hỏi hợp đồng lao động, người này nói sang Ănggôla sẽ có người đưa cho!
 
Sau 3 ngày ngồi trên máy bay với 3 chặng bay từ Việt Nam - Hồng Kông - Nam Phi, ngày 9/8/2012, Mùi đặt chân đến Ănggôla và được một người đàn ông tên Nam đón về. Khi đó Mùi tiếp tục hỏi Nam về “Hợp đồng lao động”, Nam trả lời, làm gì có hợp đồng! Nam đã đưa Mùi đến lao động “chui” tại một cơ sở sản xuất nước đá, hai tháng sau lại chuyển qua một cơ sở photocoppy. Đến tháng 2/2013 thì Mùi bị Công an sở tại bắt vì vida không hợp lệ và bị giam 8 ngày. Những ngày sau đó, Mùi sống chui lủi khắp nơi để lao động kiếm sống.
 
Đến tháng 3/2013, Mùi bị sốt rét “thập tử nhất sinh”. Lúc này ông Bảo đã xuống TP Vinh gặp Đàm Thị Trường và ông anh họ, yêu cầu đưa con trai về nước gấp vì bệnh tật và không có giấy tờ hợp lệ, không có việc làm ổn định. Mãi đến ngày 25/5/2013, Mùi mới trở về Việt Nam, khi đặt chân xuống Sân bay Nội Bài chỉ còn hai bàn tay trắng với cơ thể lở loét, thân tàn ma dại. Bức xúc trước “âm mưu” lừa đảo đưa người đi xuất khẩu lao động bất hợp pháp của Đàm Thị Trường, ông Bảo đã đòi lại số tiền chi phí trước đó. Tuy nhiên, cho đến nay, Đàm Thị Trường vẫn chưa trả lại cho gia đình một đồng nào.
 
Theo ông Đặng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An: Cho đến nay, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh chưa giới thiệu, cấp giấy phép cho bất cứ công ty nào tuyển dụng lao động sang làm việc tại thị trường Ănggôla. Còn ông Lê Huy Vinh, chuyên viên Phòng Việc làm, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh cho hay: Ở địa bàn Nghệ An, hiện chỉ cấp phép tuyển dụng lao động đi các nước Đài Loan, Nhật Bản, Nga, các nước Trung Đông… không có thị trường xuất khẩu lao động sang Ănggôla.
 
Tuy nhiên, qua thông tin, chúng tôi biết hiện có rất nhiều lao động Nghệ An đang làm việc tại Ănggôla và họ đi sang đó bằng hình thức nào thì chúng tôi không rõ. Có thể bằng con đường du lịch, thăm thân hoặc xuất cảnh qua một nước thứ ba. Đối với công ty của Đàm Thị Trường, đã bị rút Giấy phép “Tư vấn giới thiệu việc làm” đầu năm nay, do mắc phải một số sai phạm trong tuyển dụng lao động. Vậy nhưng, mới đây, khi phóng viên liên lạc qua điện thoại với Đàm Thị Trường, đặt vấn đề sang Ănggôla làm việc, Trường nói, hiện giờ đang bận giải quyết một số công việc tồn đọng, nếu có nhu cầu đi, cô ấy sẽ giới thiệu cho một công ty xuất khẩu lao động khác ở Hà Nội.
 
Hiện tại, trên địa bàn Nghệ An đang có hàng nghìn người làm việc, sinh sống tại Ănggôla. Phần lớn những lao động này sang Ănggôla bằng con đường tiểu ngạch, đi du lịch, thăm thân… rồi ở lại làm việc bất hợp pháp. Phải nói rằng, người lao động Nghệ An ở Ănggôla đã đem lại sự đổi thay cuộc sống cho nhiều gia đình, nhiều người trở nên giàu có hơn. Tuy nhiên, cũng đã có không ít lao động phải bỏ mạng nơi xứ người vì khí hậu khắc nghiệt. Mong rằng, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh và các địa phương cần siết chặt, giám sát kỹ hơn hoạt động “Tư vấn giới thiệu việc làm” để người dân không rơi vào tình cảnh “tiền mất tật mang”.
.

Đức Thắng

.