Với người Việt Nam, đi du học là một cơ hội đổi đời. Nhà nào có con đi du học thì xóm giềng được phen lác mắt. Mặc dù bây giờ, ở các thành phố lớn, việc du học không là "cái móng tay" gì với những gia đình có điều kiện. Không ít quý tử mang tiếng đi du học nhưng sang đó phá của hơn là cắp cặp đi học. Và tất nhiên, không phải du học sinh nào cũng là nhân tài...
Cá lớn không thể bơi trong ao làng
Một chương trình mà 16 năm nay tôi và hàng triệu học sinh háo hức đón đợi vào mỗi chiều chủ nhật: "Đường lên đỉnh Olympia". Phải nói cuộc thi tri thức này luôn là đỉnh núi hấp dẫn bao thế hệ học sinh khao khát chinh phục. Ngoài là nơi thi thố kiến thức của học sinh giỏi, cuộc thi hấp dẫn còn bởi "đỉnh núi" cuối cùng chính là chuyến du học. Nôm na, sân chơi này chẳng khác nào cơ hội săn học bổng toàn phần đi nước ngoài.
Hầu hết quán quân của chương trình "Đường lên đỉnh Olympia" đi du học và ở lại nước ngoài làm việc. (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa) |
Với người Việt Nam, đi du học là một cơ hội đổi đời. Nhà nào có con đi du học thì xóm giềng được phen lác mắt. Mặc dù bây giờ, ở các thành phố lớn, việc du học không là "cái móng tay" gì với những gia đình có điều kiện. Không ít quý tử mang tiếng đi du học nhưng sang đó phá của hơn là cắp cặp đi học. Và tất nhiên, không phải du học sinh nào cũng là nhân tài.
Tôi yêu mến chương trình "Đường lên đỉnh Olympia" vì một lẽ: tìm ra người xứng đáng nhất trong số học sinh giỏi khắp đất nước để trao cơ hội du học. Có thể coi họ là nhân tài. Con đường lên đỉnh Olympia vô cùng gian lao không kém gì chương trình săn học bổng du học ở các trường danh giá khác. Nó đòi hỏi trình độ, vốn ngoại ngữ, kỹ năng…
Và với những người du học chân chính chứ không phải “sính ngoại”, ra đi, ước mong của họ là học được cái hay của xứ người, trau dồi, phát triển chuyên môn để một ngày trở về phụng hiến quê hương.
Nhưng thông tin 12/14 quán quân "Đường lên đỉnh Olympia" "một đi không trở lại" khiến cho nhiều người tranh cãi. Có người bảo ban tổ chức đã bỏ tiền tài trợ cho học sinh đi du học thì phải ra tiêu chí ràng buộc họ quay về Việt Nam làm việc.
Có người “phản pháo”: ở đâu cũng là cống hiến, dù ở nước ngoài hay ở quê nhà thì trí tuệ, sức lực của những bộ não ấy cũng đóng góp cho sự phát triển của nhân loại, từ đó gián tiếp đóng góp cho quê hương. Tạm gác lại các tranh cãi, điều làm tôi chú ý hơn cả là câu chuyện ầm ĩ của cựu thí sinh Olympia trở lại quê hương làm việc: Tiến sĩ (TS) Doãn Minh Đăng.
Khi du học từ Hà Lan trở về, TS Minh Đăng đầu quân cho Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, giữ chức Phó trưởng khoa Điện - Điện tử - Viễn thông. Dù được quy hoạch "cán bộ nguồn" để làm lãnh đạo nhưng nhận thấy cung cách quản lý, họp hành của trường chỉ là hình thức, ảnh hưởng đến chuyên môn nên anh làm đơn xin rút khỏi "cán bộ nguồn".
Mong muốn của anh là tập trung làm tốt chuyên môn. Đó là mong muốn hoàn toàn chính đáng của một người yêu khoa học. Nhưng người ta bảo rằng anh "có vấn đề về thần kinh" rồi bị buộc chuyển công tác, cho ngồi chơi xơi nước. Trong khi đó, các quán quân còn lại đều có sự nghiệp thành đạt, thực hiện được hoài bão của đời mình.
Hiện tượng “tị nạn giáo dục” và chảy máu chất xám ngày càng nhiều khi học sinh ồ ạt ra nước ngoài du học. Thạc sĩ Nguyễn Phước Bảo Khôi, Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho rằng hiện tượng này là đáng lo, chứng tỏ học sinh và phụ huynh không tin tưởng vào hệ thống giáo dục tại Việt Nam. Nhiều gia đình có điều kiện thậm chí không cần đợi con lên đại học mà ngay từ khi còn học cấp 2, cấp 3, các em đã được cha mẹ gửi sang xứ người. Khi mà giáo dục nước ta vẫn còn nặng tính thụ động, biến học sinh thành chuột bạch thì lựa chọn du học như một kiểu tị nạn giáo dục của học sinh, phụ huynh là điều dễ hiểu.
Ước vọng nâng cao trình độ, kiến thức bản thân và chọn nơi phát triển tốt sự nghiệp chuyên môn hoàn toàn không có lỗi. Lỗi chăng là chúng ta đã không chứng tỏ và hứa hẹn được rằng: Việt Nam là đất nước trọng dụng nhân tài, là biển lớn để họ học tập, khám phá và tha hồ vẫy vùng sáng tạo, phát huy hết năng lực. Bởi mấy ai không muốn đất nước giàu đẹp, mấy ai muốn mãi mãi xa quê hương, lạc loài trên xứ lạ?
PGS-TS Trần Lê Hoa Tranh, Phó trưởng Khoa Văn - Ngôn ngữ, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh: Du học, một giải pháp tích cực
Cứ đến hè, học sinh của tôi ở trường Phổ thông Năng khiếu lại rục rịch rút hồ sơ để đi du học. Mỹ, Anh, Australia, New Zealand, Canada, Singapore, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Hà Lan… nước nào cũng có.
Cứ đến 20-11 hàng năm, những lứa học sinh cũ của tôi ở khắp mọi nơi lại làm 1 đoạn phim ngắn gửi cho các thầy cô trường Năng khiếu, qua đoạn phim này, tôi nhận thấy các em đã trưởng thành hẳn lên! Dĩnhiên ở đây, tôi chỉ xét đến các em học sinh đi học đàng hoàng, không phải đi chơi, hay tiêu tiền của bố mẹ.
Đi du học có khiến các em trưởng thành hơn không?
Chắc chắn rồi!
Vì các em sẽ được sống trong một khung trời mới mẻ và xa lạ, từ môi trường học, ngôn ngữ, bạn bè, nhà ở, thức ăn, nền văn hóa… Các em sẽ phải học tất cả mọi thứ để thích nghi. Từ việc đi đăng ký thẻ sinh viên, thẻ ngân hàng, các lớp học, cách học mới, hiểu rõ các phương tiện giao thông công cộng… đến những việc tủn mủn hơn như đi chợ ở đâu rẻ, nấu ăn sao cho tiện, cho nhanh, cho ngon, mua sách ở đâu rẻ, đi làm thêm ở đâu nhiều tiền… thậm chí, có em còn lùng được cả những địa chỉ cho không đồ đạc để kiếm một cái xe đạp cũ, hay một cái sofa,…
Như vậy hỏi sao không trưởng thành? Những trải nghiệm đó, ở trong nước, làm sao các em có được?
Khi các em quay trở về vào dịp hè, hoặc sau khi học xong, bao giờ tôi cũng tìm cách gặp gỡ các em, để ngầm "kiểm tra" những gì mà tôi chiêm nghiệm trong đầu về độ trưởng thành của các em.
Ngoài sự tháo vát, tự tin, nhanh nhẹn, năng động mà tôi vừa nói trên, tôi còn nhìn thấy những gì mà quá trình du học đem lại?
Đó là khát khao trong ánh mắt ngời sáng của tuổi trẻ, của nhiệt huyết. Đi học nước ngoài, tiếp xúc với nền giáo dục hiện đại, các em có tầm nhìn xa hơn, biết vị trí của mình và của đất nước mình ở đâu trên bản đồ thế giới. Ngoài ra, những năm du học còn hun đúc cho các em những hoài bão, ước mơ. Những thổ lộ nhiều khi khá viển vông và táo bạo kiểu "think outside the box" như "start up" một doanh nghiệp, một dự án truyền thông, hay đôi khi, chỉ là một lớp học tiếng Anh… tất cả đều đáng trân trọng. Vì nó cho thấy nền giáo dục tiên tiến đó đã đào tạo một con người, không chỉ là trang bị kiến thức, kỹ năng mà còn tạo dựng một con người có lý tưởng và có ước mơ. Cái đó, tôi ít thấy ở các sinh viên tôi dạy trong nước. Khổ, các em trong nước còn phải lo ra trường kiếm việc thế nào, đủ sống hay không, có đúng nghề hay không?...
Không thể phủ nhận những ưu tiên mà các em đi du học về được hưởng: lợi thế ngoại ngữ, được chọn nghề đúng chuyên môn, lương bổng chấp nhận được, và một sự thăng tiến nhanh chóng nếu em ấy cố gắng. Ko phải ngẫu nhiên mà những Start up (khởi nghiệp) thành công gần đây như Uber Việt Nam, Yola,... đều là của du học sinh trở về. Cơ hội thành công của họ hơn hẳn các sinh viên tốt nghiệp trường đại học trong nước. Dĩ nhiên, có những ngoại lệ, nhưng hiếm….
Do đó, nói gì thì nói, nếu gia đình có điều kiện, thì việc đầu tư cho con đi du học luôn là ưu tiên hàng đầu và gần như không cần bàn cãi.
Bài viết này chưa bàn đến các vấn đề khác, như sau khi đi du học, các em không chịu về nước mà ở lại, hay quay trở về và bị sốc "văn hóa ngược" (tức tình trạng không quen được với tình hình và lối sống trong nước), hay những em đi du học chỉ cốt lấy tiếng, có tấm bằng, hoặc chỉ lo chơi bời lêu lổng…
Nhà báo Nguyễn Hồng Lam: Du học: Giải pháp hay sự bất cập của nền giáo dục?
Từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, du học sinh, không nghi ngờ gì cả, chắc chắn là những học sinh xuất sắc nhất. Tỷ lệ này rất thấp, chỉ chiếm chừng vài % tổng lượng học sinh đỗ vào đại học. Vào cái thời xa xưa đó, khi Việt Nam chưa "phổ cập đại học", tỷ lệ học sinh tốt nghiệp phổ thông đậu vào đại học dường như cũng chỉ dao động từ 2-6%.
Nói tóm lại, phải hàng ngàn học sinh rời ghế phổ thông thì may ra mới có một em đủ điều kiện tri thức để có cơ hội du học. Sau khi học xong, trở về, hầu hết du học sinh đều có trong tay bằng cấp, trình độ chuyên môn khoa học vững vàng, trở thành những chuyên gia thực thụ trong ngành mà họ theo học.
Khi đời sống kinh tế được nâng lên, cả quan niệm, mục đích lẫn con người du học đều thay đổi. Vẫn còn một số - rất hiếm hoi - du học bằng học bổng với mục đích cao nhất là theo đuổi chuyên môn khoa học. Phần còn lại, chiếm phần lớn, vượt trội, du học tự túc nhờ "gia đình có điều kiện" và có khi là vì… trượt đại học trong nước. Du học tự túc cũng giống như một hình thức xã hội hóa giáo dục đại học, cao đẳng, là một đóng góp thiết thực cho xã hội trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai. Nhưng chất lượng, hiệu quả của nó thì thật sự đáng lo, đáng bàn.
Có một bộ phận không nhỏ xem những năm tháng học tập ở nước ngoài chỉ là một chuyến du lịch ăn chơi dài hạn. Trên trang cá nhân của những bạn trẻ này, hình ảnh học tập nghiên cứu, những trăn trở về khoa học, về mục đích tri thức gần như biệt bóng, trong khi lại đầy rẫy thông tin, hình ảnh về những cuộc du hí, hẹn hò và mua sắm.
Một bộ phận khác, một lượng lớn thời gian trong những năm học tập đã buộc phải dành cho sự bươn chải: làm thêm, buôn bán, phụ việc. Hết thời gian học, dường như trình độ tri thức tiên tiến vẫn ở cách họ rất xa. Thay vào đó, người thân dễ đón về nước những cậu ấm cô chiêu sành điệu, lối sống hiện đại, biết tiêu tiền như nước, khó hứa hẹn sẽ đóng góp tích cực cho xã hội và tương lai.
Một đồng nghiệp của chúng tôi đã từng than: "Đừng bao giờ cho con đi du học trước khi xong bậc phổ thông". Anh có 2 con, một trai một gái, đều được gửi ra nước ngoài du học ngay từ chương trình cấp 3. Cả hai đều thành đạt. Cô con gái trở thành nhân viên một ngân hàng lớn của nước ngoài có văn phòng đại diện tại Việt Nam. Cậu con trai thành một kỹ sư phần mềm, làm việc tại Silicon Valley ở Mỹ. Cả hai đều lương cao, đúng như mơ ước, kỳ vọng mà anh chị từng đặt ra khi tằn tiện để có tiền gửi con đi du học.
Nhưng họ không thể hài lòng. Bao nhiêu tiền làm ra, hai anh chị đã đổ hết vào kỳ vọng, trở thành học phí cho hai đứa con ăn học ở xứ người cho nên đến thời điểm hiện tại, họ vẫn ở nhà thuê. Phòng duy nhất trong nhà có máy lạnh, cô con gái chuyên viên ngân hàng dành làm phòng riêng, vì phòng khác nóng, cô không ở được. Toàn bộ chi phí đời sống, anh chị lo hết, trong khi cô con gái lương cao không hề đóng góp một xu.
Tết, cô xách va ly đi du lịch khắp thế giới, với mục tiêu trước 30 tuổi, trước khi lập gia đình phải dạo hết một nửa quả đất. Bố mẹ góp ý, cô bỏ ngoài tai: "Đủ tuổi công dân thì ai lo phần nấy". Thậm chí, cô vẫn cáu gắt um lên khi bà mẹ vào gọi ăn cơm mà… quên gõ cửa phòng! Cậu con trai có khá hơn, thỉnh thoảng cũng có gửi ít tiền giúp bố mẹ già. Nhưng đã 10 năm nay cậu không hề về thăm. Nhớ, gọi, cậu bảo: "Bố mẹ nhớ thì sang đây (Mỹ) chơi, con đâu có rảnh mà về!".
Anh kết luận: "Tiền bạc và du học đã biến chúng thành những người văn minh nhưng không giúp chúng trở nên người sống có văn hóa".
Chưa có thống kê đầy đủ về số lượng du học sinh du học tự túc nhưng theo thời gian, khuynh hướng này ngày càng gia tăng. Nếu tính tối thiểu 2 tỷ đồng cho 4 năm du học tự túc, số tiền mà gia đình - xã hội Việt Nam chi cho du học tự túc chắc hẳn là một con số khổng lồ, lớn hơn rất nhiều nhưng lợi ích thật sự thu được sau khi đội ngũ du học sinh ấy trở về. Đó là chưa kể tổn thất từ những mất mát vô hình.
Nhiều gia đình cho con em du học tự túc, xem đó như một giải pháp "tỵ nạn giáo dục". Điều này đúng về mặt giải pháp đối với những gia đình có điều kiện kinh tế nhưng năng lực học tập của con em họ có hạn. Nhưng nó lại phản ánh một thực trạng xót xa: Nền giáo dục đại học của chúng ta đã quá lạc hậu, cũ kỹ, không đáp ứng được kỳ vọng của xã hội trong việc đào tạo tri thức và nguồn nhân lực cho tương lai. Và thế là nguồn tài chính chi cho giáo dục vẫn liên tục chảy ra nước ngoài, trong khi kết quả nhận lại đối với cả gia đình lẫn xã hội, phần lớn đều không như mong đợi.
Chẳng lẽ đó không phải là điều đáng suy nghĩ và sớm có những cải cách để thay đổi?
Trịnh Thị Huệ, học viên Cao học, Trường Đại học Quốc gia Pukyong, Busan, Hàn Quốc: Du học đòi hỏi nhiều kỹ năng và sự nỗ lực
- Bạn có thể chia sẻ một chút về quá trình du học của mình.
+ Năm 2009, ngay từ khi mới bước vào chọn ngành tại Khoa Đông phương học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, tôi đã nghe các thầy cô nói học ngành Hàn Quốc học sẽ có nhiều cơ hội du học. Từ lúc đó, tôi đã có suy nghĩ sau này nhất định phải đi Hàn Quốc học. Một phần vì tôi chưa từng đi nước ngoài, phần vì mong muốn được trau dồi thêm kiến thức. Năm cuối, cô giáo giới thiệu có học bổng giáo sư cho sinh viên du học. Tôi làm hồ sơ. Học bổng được cấp theo thành tích cuộc thi đánh giá năng lực tiếng Hàn (TOPIK: Test of Proficiency in Korean) và tôi được học bổng bán phần (50% học phí).
- Tiền bạc, thời gian, công sức bỏ ra có thu về kết quả như kỳ vọng của bạn?
+ Trước khi đi du học, tôi mong muốn nói được tiếng Hàn tốt như người bản xứ và có kiến thức chuyên môn phong phú. Ngoài ra, tôi cũng mong muốn được đi du lịch và làm thêm. Đến nay, hầu hết mong muốn đã thực hiện được. Tôi còn tham gia sinh hoạt với cộng đồng người Việt trên đất Hàn. Qua việc trao đổi kinh nghiệm cho những bạn mới sang du học, giúp đỡ các anh chị lao động không biết tiếng Hàn, tôi cảm thấy cuộc sống du học thú vị và ý nghĩa hơn.
- Theo kinh nghiệm của bạn, người du học phải có những kỹ năng nào để có thể học tập tốt trên xứ người?
+ Tôi nghĩ, điều quan trọng trước nhất là phải hiểu và nói được ngôn ngữ nước mình du học. Chỉ khi sử dụng ngôn ngữ tốt thì việc học mới dễ dàng. Đôi khi bạn hiểu rất rõ về vấn đề đó, nhưng với vốn ngôn ngữ hạn hẹp, bạn không thể diễn đạt được cho người khác hiểu thì thật đáng tiếc.
Bên cạnh đó, kỹ năng lên kế hoạch, kỹ năng tự học, kỹ năng đọc sách cũng rất quan trọng. Trước giờ lên lớp, để nghe, hiểu được bài giảng, đòi hỏi bạn phải kiên trì và nỗ lực rất nhiều. Có nhiều bạn kỹ năng nghe nói giao tiếp rất giỏi nhưng thành tích học tập lại rất kém. Bởi vì khi nghe giáo sư giảng, các bạn ấy không nắm bắt được vốn từ chuyên ngành của môn học. Do đó, để tiếp thu được một lượng kiến thức khổng lồ bằng ngôn ngữ khác, sinh viên cần lên kế hoạch cụ thể và đặt mục tiêu cho từng môn học. Để thực hiện được mục tiêu ấy thì phải nỗ lực rất nhiều.
- Quan điểm của bạn như thế nào khi hầu hết sinh viên du học ở lại làm việc ở xứ người? Riêng bạn thì sao?
+ Gia đình, bạn bè đa số đều khuyên tôi ở lại. Nhiều bạn theo học chung khoá với tôi cũng chọn ở lại sau khi tốt nghiệp. Tôi nghĩ, môi trường sống ở Việt Nam chưa đủ hấp dẫn để họ quay trở về cống hiến cho đất nước. Thủ tục hành chính rườm rà, kẹt xe, khói bụi... Đặc biệt, hệ thống tiền lương và chính sách đãi ngộ chưa phù hợp khiến người có năng lực không thoả mãn với công sức họ bỏ ra.
Với kinh nghiệm sống và học tập nơi xứ người, tôi nghĩ rằng việc về hay ở không phải vấn đề nghiêm trọng. Thời đại bây giờ toàn cầu hoá rồi. Bạn có thể đi về hai nước dễ dàng mà không gặp trở ngại gì. Nhiều người hiện tại đang phấn đấu ở xứ người để tương lai trở thành người tốt, cống hiến cho cả hai cộng đồng Việt - Hàn, đó cũng là điều đáng trân trọng. Mọi người cần phải thay đổi cách nghĩ. Nếu thực sự cần họ thì thay vì bắt họ lựa chọn giữa việc về hay ở, sao không tạo điều kiện cho họ có được cả hai?
- Xin cảm ơn bạn!