(Congannghean.vn)-Từ xa xưa, cha ông ta đã sáng tạo ra nhiều trò chơi dân gian, góp phần tạo nên sự đa dạng và đặc sắc của văn hóa cổ truyền dân tộc. Ngày nay, trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin, xuất hiện nhiều trò chơi mang tính bạo lực thì trò chơi dân gian lại thể hiện vai trò quan trọng của nó, không chỉ tạo ra sân chơi bổ ích, lành mạnh mà còn góp phần tạo dựng bản sắc văn hóa của dân tộc.
Học sinh Trường Tiểu học Lê Mao, TP Vinh háo hức tham gia trò chơi nhảy sạp |
Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Phó Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Đây là chủ trương nằm trong phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Bộ GD&ĐT phát động vào năm 2008. Sở GD&ĐT Nghệ An đã chỉ đạo các trường tiểu học, THCS kết hợp với phong trào tiếng hát dân ca tổ chức các trò chơi dân gian vào các ngày lễ như khai giảng năm học mới, mừng Đảng, mừng Xuân, mùa lễ hội... Có thể thấy, 5 năm qua, các trường học đã thực hiện có hiệu quả việc đưa trò chơi dân gian vào nhà trường, nhất là ở bậc học mầm non, tiểu học, THCS. Đối với các em học sinh ở miền xuôi, trò chơi dân gian thường được tổ chức vào những giờ học ngoại khóa, vào giờ ra chơi, đầu giờ học. Với học sinh miền núi, các trò chơi thường được tổ chức vào buổi chiều các ngày nghỉ...
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Quế, Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Hưng Bình, TP Vinh cho biết: Thực hiện chủ trương của Bộ và sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT, những năm qua, Trường Tiểu học Hưng Bình đã thực hiện có hiệu quả việc đưa trò chơi dân gian vào trường học... Thông qua đó, tạo ra sân chơi lành mạnh cho các em sau những giờ học căng thẳng, đồng thời giáo dục tinh thần đoàn kết như trò kéo co, bịt mắt đập niêu; giúp các em thông minh, khéo léo hơn như trò ô ăn quan, chuyền bóng thông minh, nhảy sạp, cà kheo... Bên cạnh đó, còn có tác dụng bổ trợ trong học tập và trên hết là duy trì được các trò chơi dân gian của địa phương, dân tộc.
Thực tế cho thấy, các trò chơi dân gian không đòi hỏi lượng lớn kinh phí mua sắm dụng cụ. Tại nhiều trường học trên địa bàn TP Vinh, các trò chơi dân gian thu hút nhiều học sinh tham gia nhiệt tình. Nhờ vậy, công tác đội tại trường học cũng được thực hiện sôi nổi, có hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một số trường học hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc đưa trò chơi dân gian vào nhà trường. Như tài liệu hướng dẫn thực hiện một số trò chơi còn hạn chế, nhiều trò chơi đòi hỏi phải có không gian, cơ sở vật chất. Thời gian giờ ra chơi rất ít nên việc tổ chức các trò chơi dân gian gần như không có, thay vào đó chủ yếu là trò chơi tự phát của học sinh. Ngoài ra, để tổ chức một trò chơi thu hút các em tham gia, người chỉ huy, phụ trách đội phải có những cách thức linh hoạt, tạo cho các em sự hứng thú, trong khi điều đó không phải trường học nào cũng làm được, khi mà hiện nay nhiều giáo viên trẻ vẫn chưa tiếp cận được hết các trò chơi dân gian.
Để việc đưa trò chơi dân gian vào trường học phát huy hiệu quả, năm học vừa qua, Sở GD&ĐT Nghệ An đã tổ chức cuộc thi sưu tầm, sáng tác các trò chơi dân gian, làn điệu dân ca. Theo đó, Sở quyết định tặng Giấy khen cho 10 tập thể là các Phòng Giáo dục có thành tích xuất sắc.
Thiết nghĩ, để duy trì và nhân rộng mô hình trò chơi dân gian trong các trường học, các trường cần bố trí không gian phù hợp, tăng cường lồng ghép trò chơi vào các tiết sinh hoạt ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp, tạo cho các em sân chơi bổ ích, lý thú. Bên cạnh đó, bồi dưỡng, tập huấn cho các giáo viên phụ trách đội nhiều trò chơi mới, tạo nên sự đa dạng, phong phú... Đồng thời, duy trì, phổ biến và nhân rộng các trò chơi dân gian trong nhà trường, góp phần thực hiện hiệu quả phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.