Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201509/ngan-chan-tinh-trang-lam-thu-dau-nam-hoc-moi-636015/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201509/ngan-chan-tinh-trang-lam-thu-dau-nam-hoc-moi-636015/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Ngăn chặn tình trạng lạm thu đầu năm học mới - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 15/09/2015, 08:39 [GMT+7]

Ngăn chặn tình trạng lạm thu đầu năm học mới

(Congannghean.vn)-Đến hẹn lại… lo, vào mỗi dịp đầu năm học mới, nạn lạm thu tại các nhà trường lại trở thành vấn đề “nóng” của ngành giáo dục, được dư luận đặc biệt quan tâm. Nhất là những năm gần đây, tình trạng lạm thu trong trường học núp bóng dưới danh nghĩa các khoản đóng góp “tự nguyện” đang có những biểu hiện biến tướng đáng quan ngại. Trong bối cảnh đời sống của phần lớn người lao động, người có thu nhập thấp đang gặp khó khăn, giải quyết vấn nạn lạm thu trong trường học là hết sức cần thiết.

Nạn lạm thu trong trường học được hiểu là việc nhà trường tự ý đặt ra các khoản thu khác ngoài quy định. Những khoản thu này thường được hợp thức hóa dưới nhiều hình thức khác nhau, làm tăng thêm gánh nặng chi phí đối với phụ huynh học sinh.

Lạm thu trong trường học là gánh nặng đối với phụ huynh học sinh  (Tranh minh họa)
Lạm thu trong trường học là gánh nặng đối với phụ huynh học sinh (Tranh minh họa)

Từ nhiều năm nay, thực hiện quy định của Luật Giáo dục sửa đổi và thông tư của Bộ Tài chính, phụ huynh học sinh không phải đóng khoản xây dựng trường đầu năm. Những tưởng các bậc phụ huynh sẽ bớt đi phần nào gánh nặng các khoản đóng góp. Tuy nhiên, trong điều kiện không thu được “danh chính ngôn thuận” khoản tiền xây dựng, nhiều trường đã “lách luật” bằng cách vận động phụ huynh đóng góp dưới hình thức “tự nguyện”. Chủ trương này được các nhà trường thực hiện ngay trong cuộc họp phụ huynh học sinh đầu năm học.

Mỗi trường tự định ra một mức “sàn” đóng góp riêng, có trường 100.000 đồng/học sinh, có trường 200.000 đồng/học sinh…, không có sự nhất quán. Những mức “sàn” này thường bằng hoặc thậm chí cao hơn khoản tiền xây dựng trường mà mỗi học sinh phải đóng góp trong các năm học trước. Mặc dù các nhà trường đã phổ biến tới tất cả phụ huynh học sinh rằng: Đây là khoản đóng góp không bắt buộc, nếu ai đồng ý thì ký tên vào danh sách “tự nguyện” đã lập sẵn, tuy nhiên, không ít phụ huynh dù gia cảnh còn khó khăn cũng phải miễn cưỡng ký tên vào danh sách “tự nguyện” đóng góp chỉ vì tâm lý “không muốn con mình phải thua bạn kém bè”.

Một số khác lại “tự nguyện” đóng góp vì có tâm lý nghi ngại: Liệu con mình có bị thầy cô và nhà trường “để ý” nếu không tự nguyện đóng góp. Không chỉ tiền xây dựng cơ sở vật chất nhà trường, không ít trường còn tự ý đặt ra các khoản thu ngoài quy định khác như: Tiền vệ sinh, tiền nước uống, tiền khuyến học, tiền hỗ trợ giáo viên dạy bán trú… Những khoản thu ngoài quy định này cũng được thực hiện trên tinh thần “thỏa thuận” giữa nhà trường với phụ huynh học sinh sau khi có cuộc họp phụ huynh đầu năm.

Trên thực tế, tình trạng lạm thu xảy ra nhiều ở các trường công lập. Hiện ngân sách Nhà nước chi cho các đơn vị trường học hệ công lập thường được phân bổ từ 75 - 85% dành cho việc chi trả lương cho giáo viên. Khi Luật Giáo dục mới được áp dụng, các trường không được phép thu khoản tiền xây dựng trường, chi phí dành cho các hoạt động giáo dục của nhà trường khá eo hẹp. Muốn có thêm nguồn thu để phục vụ tốt hơn công tác đầu tư mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất, hỗ trợ nâng cao chất lượng dạy và học, không còn cách nào khác, các trường phải huy động sự đóng góp của các bậc phụ huynh.

Đây là lý do chính được nhiều nhà trường đưa ra để giải thích cho việc tự ý đặt ra các khoản thu ngoài quy định. Mặc dù vậy, việc đặt ra quá nhiều khoản thu với mức thu không hợp lý, lại được tiến hành thu theo kiểu “đại trà”,  đã tạo nên sự bức xúc trong các bậc phụ huynh, trong khi mức sống của nhiều gia đình học sinh là không đồng đều. Việc thu thêm các khoản ngoài quy định, hay tự ý đặt ra các mức “sàn” đóng góp có thể khiến cho dư luận hiểu không đúng về ý nghĩa tốt đẹp của chủ trương xã hội hóa trong giáo dục.

Để ngăn chặn tình trạng lạm thu đầu năm học, nhất là khi đời sống của phần lớn người lao động có thu nhập thấp gặp nhiều khó khăn như hiện nay, cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp, ngành có liên quan. Đối với cơ quan quản lý giáo dục, cần có cơ chế giám sát chặt chẽ các khoản thu đầu năm ở các đơn vị trường học, xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm, nhất là với người đứng đầu. Bên cạnh đó, các nhà trường cần tiến hành công khai minh bạch các khoản thu, chi, nhất là các khoản thu từ nguồn xã hội hóa để phụ huynh học sinh nắm rõ.

Trong khi điều kiện kinh tế của gia đình học sinh còn có sự khác biệt, để chủ trương xã hội hóa thực sự có hiệu quả, các nhà trường cần năng động, nhạy bén hơn trong việc tiếp cận, tranh thủ sự ủng hộ của các doanh nghiệp, các “mạnh thường quân”. Điều quan trọng nhất là, những khoản tiền xã hội hóa phải thực sự bắt nguồn từ tinh thần đóng góp tự nguyện và nhất là phải được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí.

.

Bùi Minh Tuấn

.