Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201509/anh-nuoi-cua-hoc-sinh-dan-lai-635927/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201509/anh-nuoi-cua-hoc-sinh-dan-lai-635927/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
'Anh nuôi' của học sinh Đan Lai - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 14/09/2015, 15:14 [GMT+7]

'Anh nuôi' của học sinh Đan Lai

(Congannghean.vn)-Năm học mới đến cũng là lúc “anh nuôi” La Thanh Văn tất bật với việc bếp núc tại trường. Đã hơn 8 năm nay, kể từ khi ông nhận công việc đầu bếp của trường, người dân Môn Sơn vẫn gọi ông với cái tên trìu mến như thế. Vừa nấu nướng, ông vừa kiêm luôn nhiệm vụ bảo vệ trường. Không những thế, ông còn nhận nuôi học sinh ở miễn phí trong nhà mình.

Ông La Thanh Văn (56 tuổi) trú tại xã Môn Sơn, huyện Con Cuông kể rằng, đã có lúc nhà trường thay đổi đầu bếp khác để ông đỡ vất vả nhưng những đầu bếp mới chẳng ai “chiều” được khẩu vị của học sinh Đan Lai, học sinh và phụ huynh cũng không chịu nên nhà trường lại mời ông quay trở lại. Gắn bó với công việc bếp núc của trường đã hơn 8 năm nay, lại là người Đan Lai nên ông biết rõ khẩu vị của từng học sinh bán trú Trường THCS Môn Sơn và cũng “thuộc lòng” tính cách của từng em.

Hàng ngày, ông La Thanh Văn đều đi chợ, chuẩn bị                 cơm nước cho học sinh Đan Lai
Hàng ngày, ông La Thanh Văn đều đi chợ, chuẩn bị cơm nước cho học sinh Đan Lai

Ông Văn chia sẻ: “Cách ăn uống của người Đan Lai không giống với người Kinh. Tất cả các món ăn đều phải có nước, không ăn khô. Thức ăn có thịt, có cá nhưng phải nấu đúng khẩu vị thì học sinh mới chịu ăn, không thì các em sẽ bỏ ăn. Vận động học sinh Đan Lai đi học rất khó, chỉ cần không “ưng cái bụng” là chúng bỏ học ngay. Nhất là khi bị ốm, theo phong tục của người Đan Lai phải kiêng những món gì thì mình lại phải nấu theo chế độ riêng”.

Đảm nhận công việc đầu bếp, một ngày, ông nấu 3 bữa cho học sinh bán trú. Năm học mới này, khu bán trú Trường THCS Môn Sơn có gần 40 học sinh. Hàng này, ông dậy vào lúc 5 giờ rồi tới trường để nấu bữa sáng cho các em. Theo quy định, mỗi học sinh bán trú được hỗ trợ 15 kg gạo/tháng, 460.000 đồng tiền ăn. Bữa sáng chủ yếu là mì tôm. Lo xong bữa sáng, ông Văn lại tất tả ra chợ mua thức ăn để chuẩn bị bữa trưa. Mỗi ngày, một mình ông phải nấu 2 yến gạo, chuẩn bị thức ăn nóng hổi, tươm tất để học sinh đi học về là có cơm ăn. Thương ông vất vả nên thi thoảng, vợ ông cũng vào trường giúp ông nấu nướng, dọn dẹp.

Bà cũng là người phụ nữ chịu thương, chịu khó, có tấm lòng nhân hậu nên luôn sẵn lòng giúp đỡ ông mà chẳng bao giờ kêu thán. Khi ông bắt đầu đảm nhận công việc này, Nhà nước chưa có chế độ cấp gạo cho học sinh Đan Lai. Vì vậy, ông đã lấy gạo của nhà mình và đi vay mượn, vận động bà con trong xã quyên góp gạo để nấu cơm cho học sinh. Dù trong nhà không đủ ăn nhưng vì thương các em học sinh, ông đã bàn với vợ dành một phần gạo cho các cháu, còn những bữa cơm của ông bà có khi chỉ là những củ khoai, củ sắn. Cả dân làng ai cũng đều biết tấm lòng thiện nguyện của vợ chồng ông Văn nên mỗi khi ông đi vận động, mỗi người đều sẵn lòng ủng hộ, ai có nhiều thì cho nhiều, ít thì cho ít.

Đến năm 2001, Nhà nước mới có chế độ cấp gạo cho học sinh bán trú, nhờ vậy, ông cũng đỡ vất vả hơn. Với học sinh người Đan Lai, ông như một người ông, người cha, người thầy luôn tận tình bày dạy, chỉ bảo các em. Có thời điểm khi chưa có nhà bán trú hay trường không có đủ chỗ ở, ông nhận nuôi học sinh ở miễn phí trong nhà. Có năm học, gia đình ông nuôi tới 15 em học sinh. Nhà chẳng có gì đáng giá nhưng vì rộng rãi, con cái lại đi làm xa, nên ngôi nhà của vợ chồng ông luôn rộng cửa đón chào các em.

Người Đan Lai cư trú chủ yếu ở khu vực thượng nguồn Khe Khặng, xã Môn Sơn. Họ sống tách biệt với thế giới bên ngoài, trong vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, cách trung tâm huyện 40 km. Hiện nay, tộc người này vẫn còn duy trì nhiều tập tục lạc hậu, cuộc sống đói nghèo quanh năm. Thầy Nguyễn Văn Hào, Hiệu trưởng Trường THCS Môn Sơn cho biết: “Theo phong tục, trẻ em Đan Lai ở trong vòng tay bố mẹ từ khi lọt lòng cho đến lúc 10 tuổi. Bên cạnh đó, do nhận thức của đồng bào còn nhiều hạn chế nên họ không muốn cho con em tới trường.

Mỗi khi năm học mới sắp đến, chính quyền địa phương, nhà trường lại phải băng rừng, lội suối đến từng nhà để vận động các em và gia đình nhưng tỉ lệ học sinh tới trường còn ít. Nhiều gia đình tuy cũng ủng hộ con đến trường nhưng đến mùa làm rẫy, các em lại bỏ học về nhà, lên rừng bẻ măng. Dẫu Nhà nước, chính quyền địa phương và nhà trường rất quan tâm và tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ nhưng hành trình đi tìm con chữ của học sinh Đan Lai vẫn còn lắm gian nan.

.

Huyền Thương

.