Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201509/giao-duc-lich-su-xo-viet-nghe-tinh-trong-truong-hoc-635053/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201509/giao-duc-lich-su-xo-viet-nghe-tinh-trong-truong-hoc-635053/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Giáo dục lịch sử Xô Viết Nghệ Tĩnh trong trường học - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 09/09/2015, 10:51 [GMT+7]

Giáo dục lịch sử Xô Viết Nghệ Tĩnh trong trường học

(Congannghean.vn)-10 năm triển khai chương trình đưa giáo dục lịch sử Xô Viết Nghệ Tĩnh vào trường học đã góp phần không nhỏ đến việc hình thành nhân cách, xây dựng lòng tự tôn, tự hào dân tộc, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống của quê hương, đất nước trong thế hệ trẻ.

Nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã làm tốt công tác giáo dục truyền thống Xô Viết Nghệ Tĩnh cho các em học sinh thông qua nhiều phương pháp cụ thể, đem lại hiệu quả thiết thực.

Trên thực tế, trong những năm qua, một vấn đề xã hội được dư luận hết sức quan tâm là những hạn chế, bất cập trong việc dạy và học môn Lịch sử trong nhà trường, tình trạng vắng khách tham quan đến mức báo động tại các bảo tàng… Thực trạng trên là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự kém hiểu biết về lịch sử dân tộc, quê hương trong một bộ phận giới trẻ.

Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục tại các cấp học phổ thông, chú trọng chất lượng giáo dục toàn diện, đồng thời xây dựng và đưa nội dung giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng, văn hóa xứ Nghệ... vào trường học với các hình thức phong phú, tháng 12/2005, Sở VH-TT&DL phối hợp với Sở GD&ĐT Nghệ An thống nhất chủ trương đưa giáo dục lịch sử Xô Viết Nghệ Tĩnh vào dạy học trong nhà trường. Năm 2007, Kế hoạch số 1341 về giáo dục truyền thống Xô Viết Nghệ Tĩnh cho học sinh các cấp THCS và THPT được ban hành.

Sở VH-TT&DL đã chỉ đạo Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh triển khai thực hiện nhiều kế hoạch, mang lại hiệu quả thiết thực. Theo đó, đã hoàn thành việc biên soạn hai bài giảng ngoại khóa về phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh cho các em học sinh lớp 9 và lớp 12 để kịp thời phục vụ nội dung giảng dạy trong năm học mới.

Những chuyến tham quan thực tế tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh giúp các em học sinh thêm tự hào về truyền thống quê hương
Những chuyến tham quan thực tế tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh giúp các em học sinh thêm tự hào về truyền thống quê hương

Bên cạnh đó, phối hợp với Đài PT-TH Nghệ An xây dựng phim khoa giáo “Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930 - 1931” với thời lượng phát sóng 30 phút, sau đó in thành đĩa phim tư liệu, in sao gửi tới các trường học. Ngoài ra, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh cũng đã làm tốt công tác tiếp đón, hướng dẫn, thuyết minh cho các em học sinh khi có nhu cầu tham quan, học tập tại đây.

Theo số liệu thống kê từ Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, hàng năm, có khoảng từ 12.000 - 13.000 học sinh đến tham quan tại Bảo tàng, chủ yếu là học sinh trên địa bàn TP Vinh. Trong đó, việc làm này được duy trì và trở thành nề nếp tại các Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, THPT Lê Viết Thuật, THCS Lê Lợi, THCS Cửa Nam...

Năm nào Trường THCS Môn Sơn, huyện Con Cuông cũng được Phòng GD&ĐT huyện và Sở GD&ĐT Nghệ An đánh giá là một trong những ngôi trường làm tốt công tác giáo dục truyền thống cách mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh. Nhà trường xem đây là nhiệm vụ quan trọng trong việc giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Thời gian qua, Trường đã đa dạng hóa các hình thức hoạt động liên quan đến công tác này. Hàng năm, cứ vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Chi bộ Đảng Môn Sơn (tháng 4/1931), nhà trường đều phối hợp với Bảo tàng tổ chức cho các em tham quan triển lãm trưng bày lưu động chuyên đề về Xô Viết Nghệ Tĩnh và tham gia giao lưu văn hóa, văn nghệ, thi tìm hiểu lịch sử, nói chuyện chuyên đề. Ngoài ra, lãnh đạo, cán bộ, nhân viên nhà trường cùng với các em học sinh đã đến tổng dọn vệ sinh, tham gia công tác bảo tồn tại các di tích Xô Viết Nghệ Tĩnh cấp quốc gia như nhà cụ Vi Văn Khang, cây đa Cồn Chùa...

Những chuyến đi thực tế thật sự rất bổ ích, giúp các em học sinh hiểu hơn về truyền thống lịch sử của quê hương. Tại cuộc thi “Tìm hiểu kiến thức lịch sử về phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930 - 1931” do Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh tổ chức, Trường THCS Môn Sơn đã vinh dự có học sinh giành giải Nhất.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Chuyên viên Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, thực hiện chủ trương đưa nội dung giáo dục truyền thống lịch sử Xô Viết Nghệ Tĩnh vào trong trường học đã mang lại những hiệu quả thiết thực với các em học sinh. Những tư liệu, di sản, di tích lịch sử được công chúng biết đến ngày càng rộng rãi, nhất là giáo dục, khích lệ tinh thần cho thế hệ trẻ, rèn luyện những kỹ năng cần thiết cho các em; đồng thời góp phần thay đổi hình thức dạy học bộ môn Lịch sử...

Tuy nhiên, hiện nay, những địa điểm có di tích lịch sử Xô Viết Nghệ Tĩnh cần đa dạng hoá hơn nữa các hình thức hoạt động, như trưng bày thêm nhiều tư liệu lịch sử liên quan đến phong trào, quan tâm đến công tác thuyết minh, không gian trưng bày, đầu tư cơ sở vật chất như máy chiếu, hệ thống âm thanh...

Những ngày này, kỷ niệm 85 năm Xô Viết Nghệ Tĩnh (12/9/1930 - 12/9/2015), tại các trường học trên địa bàn tỉnh đã tràn ngập nhiều băng rôn, khẩu hiệu; bảng tin các trường cũng đã cập nhật nội dung kỷ niệm ngày lễ này. Tiết sinh hoạt 15 phút đầu giờ, phát thanh viên đều đặn chuyển tải đến các em học sinh truyền thống cách mạng hào hùng của phong trào, góp phần làm sống dậy niềm tự hào về một trong những dấu mốc lịch sử vẻ vang của quê hương xứ Nghệ anh hùng.

.

Phan Tuyết