(Congannghean.vn)-Phát triển khai thác thủy hải sản, chủ động bám biển vươn khơi vừa là hướng đi phát triển kinh tế - xã hội với nhiều ngư dân Nghệ An, vừa góp phần chung tay khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió.
Thực hiện Nghị quyết 36 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghệ An đã ban hành nhiều chính sách, biện pháp hỗ trợ phát triển, đẩy mạnh khai thác thủy hản sản. Cùng với sự nỗ lực của ngư dân các địa phương, diện mạo ngành Thủy sản tại Nghệ An đã có những chuyển biến rõ nét.
Chú trọng đầu tư tàu thuyền, trang thiết bị hiện đại để nâng cao hiệu quả khai thác hải sản |
Hiện tại các tàu cá được đầu tư các trang thiết bị hiện đại như: Máy dò ngang, thiết bị thông tin liên lạc… nên hiệu quả khai thác được nâng lên, ngư dân yên tâm hơn khi sản xuất trên biển. Các hình thức tổ chức sản xuất khai thác trên biển từng bước đổi mới, phù hợp với điều kiện sản xuất từng ngư trường vùng biển. Vùng ven bờ các tổ đồng quản lý nhằm thực hiện khai thác đi đôi với tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, vùng xa bờ có các tổ đội hợp tác tương trợ giúp đỡ nhau trong quá trình sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả khai thác ở xa bờ. Bên cạnh đó, việc nâng cấp, mở rộng một số cảng cá, bến cá trên địa bàn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Nghệ An quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để đáp ứng về neo đậu và các điều kiện dịch vụ hậu cần nghề cá cho việc phát triển các đội tàu khai thác xa bờ. Nghệ An cũng từng bước mở rộng dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển nhất là khai thác hải sản xa bờ, đảm bảo chất lượng sản phẩm hải sản khai thác trên biển.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 67 của Chính phủ, ngành Thủy sản Nghệ An đã có bước phát triển mạnh mẽ và khá đồng bộ: Tỉ trọng ngành Thủy sản trong cơ cấu toàn ngành năm 2019 đạt 16,07%, dự kiến đến cuối năm 2020 đạt khoảng 16,14% vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Hạ tầng ngành Thủy sản từng bước được đầu tư đồng bộ và hiện đại, góp phần thúc đẩy đội tàu khai thác xa bờ phát triển. Cơ cấu đội tàu khai thác được chuyển dịch theo hướng tàu có công suất lớn, trang thiết bị hiện đại và có khả năng khai thác xa bờ tăng nhanh, tàu nhỏ khai thác ven bờ ngày một giảm dần. Tổng số tàu thuyền tham gia sản xuất trên biển năm 2019 đạt 4.616 phương tiện, trong đó có 3.490 phương tiện được đăng kiểm. Số tàu có chiều dài lớn hơn 15 m là 1.257 phương tiện. Trong đó, riêng đội tàu đóng theo Nghị định 67 là 104 phương tiện, nhìn chung hoạt động khá hiệu quả và có gần 70% số tàu trả nợ đúng hạn. Lực lượng lao động nghề biển ở Nghệ An vẫn tương đối dồi dào với khoảng 16.000 người. Lao động đa phần trong độ tuổi từ 18 đến 45, có sức khỏe tốt, nhiều kinh nghiệm.
Song song với các chính sách, giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác thủy hải sản nói chung và Nghị định 67 nói riêng, Nghệ An cũng triển khai quyết liệt nhiều chương trình nhằm bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Các lực lượng chức năng đã tiến hành nhiều giải pháp, từ tuyên truyền, hướng dẫn cho ngư dân đến công tác tuần tra kiểm soát các hoạt động khai thác thủy sản trên biển. Tỉnh thành lập các đoàn công tác liên ngành phối hợp với chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng tuyến biển, ban quản lý cảng cá để tuyên truyền, vận động cũng như kiểm tra, kiểm soát, truy xuất nguồn gốc khai thác hải sản đầy đủ, minh bạch. Trong 10 tháng đầu năm 2020, 2 tàu kiểm ngư đã thực hiện 242 chuyến tuần tra kiểm soát; kiểm tra 2.980 phương tiện khai thác thủy sản, xử phạt vi phạm hành chính 82 vụ/82 phương tiện với tổng số tiền là 673 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu như: Tàng trữ, sử dụng công cụ kích điện, ngư cụ cấm; hoạt động sai vùng khai thác; không đăng ký lại tàu cá; không đánh dấu nhận biết tàu cá; vứt bỏ ngư cụ xuống vùng nước tự nhiên…
Nhờ các giải pháp quyết liệt và đồng bộ, sản lượng khai thác hải sản của tỉnh Nghệ An trong những năm qua gia tăng không ngừng, mức tăng trưởng bình quân đạt 7% - 8%/năm, trong đó những loài cho giá trị kinh tế cao. Do được đầu tư bài bản, đội tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh đã vững vàng vươn khơi, nâng cao hiệu quả khai thác và tham gia bảo vệ vùng biển thuộc chủ quyền của Tổ quốc. Tại các làng biển, cuộc sống của nhiều ngư dân ngày càng đầy đủ và no ấm hơn. Để ngành Thủy sản Nghệ An có thể tiếp tục khẳng định chỗ đứng của mình, trong thời gian tới, cần những giải pháp đồng bộ về chính sách, quy hoạch, nguồn lao động để chính quyền cùng sát cánh với ngư dân trên hành trình bám biển vươn khơi, làm giàu cho gia đình, quê hương, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
.