(Congannghean.vn)-Trong thời gian qua, Nghệ An đã tập trung triển khai nhiều giải pháp để hình thành các chuỗi liên kết, tăng cường kết nối cung cầu, góp phần giới thiệu và quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng.
Để “gia tăng” sức mạnh cho kết nối cung cầu, việc hình thành chuỗi tại các hợp tác xã, địa phương có vai trò rất quan trọng. Đến nay, toàn tỉnh có 780 HTX, trong đó có khoảng 46% HTX hoạt động hiệu quả. Các đơn vị HTX sau khi hình thành đã chú trọng nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa, dịch vụ, xây dựng các chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; mạnh dạn đầu tư vốn, khoa học, kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp như nhà màng, nhà lưới, máy sấy…, từ đó sản xuất và cung cấp ra thị trường nhiều sản phẩm an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, có tem, nhãn mác, mã vạch hàng hóa đảm bảo tiêu chuẩn.
Nhiều sản phẩm, thương hiệu Nghệ An đã có mặt tại các siêu thị, trung tâm thương mại trong và ngoài tỉnh |
Khởi nguồn từ tỉnh Quảng Ninh, các sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP đến nay đã lan rộng tới nhiều địa phương khác trên cả nước, thông qua loạt chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu để có mặt tại hệ thống phân phối hiện đại và các chợ truyền thống. Sau một năm triển khai chương trình, tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 48 sản phẩm OCOP được xếp hạng 3 sao, 4 sao, trong đó có rất nhiều sản phẩm của khu vực kinh tế hợp tác, HTX. Cũng sau 3 năm thực hiện chương trình xúc tiến thương mại, đã có 12 đơn vị, 12 sản phẩm của Nghệ An có mặt tại thị trường các tỉnh phía Bắc; 150 lượt HTX được tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Qua các hội nghị giao thương kết nối cung cầu đến nay đã có 190 biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh được ký kết. Từ đó đã hình thành được hơn 100 hợp đồng tiêu thụ các sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Những số liệu trên đã cho thấy nỗ lực của Nghệ An để góp phần đưa sản phẩm vươn xa, xâm nhập thị trường trong và ngoài nước. Qua đó, tạo cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh, các địa phương và các cơ quan, tổ chức gặp gỡ, kết nối tiêu thụ hàng Việt trên thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. Nhiều sản phẩm của Nghệ An đã có mặt trong các siêu thị, đến tay người tiêu dùng và được tin tưởng, chọn lựa.
Trong thời gian qua, đặc biệt là từ đầu năm đến nay, Nghệ An đã chủ động triển khai nhiều chương trình hợp tác, liên kết với các địa phương trong cả nước, góp phần tái khởi động nền kinh tế do ảnh hưởng đại dịch COVID-19. Trên thực tế, sau khi triển khai xây dựng Chương trình OCOP tại Nghệ An đã góp phần phát huy giá trị tiềm năng của các địa phương, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người lao động. Các chủ thể có cơ hội củng cố, nâng cao kiến thức trong sản xuất, kinh doanh. Đến nay, thông qua các sự kiện xúc tiến thương mại, các sản phẩm OCOP và các đặc sản địa phương bước đầu được người tiêu dùng nhận diện thương hiệu sản phẩm OCOP và đánh giá cao về chất lượng, phong phú về chủng loại và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đã và đang chiếm được niềm tin của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, để khắc phục những tồn tại như sản xuất nhỏ lẻ, một số sản phẩm chưa xây dựng thương hiệu, hàm lượng khoa học công nghệ thấp… thì các HTX và doanh nghiệp cần chú trọng hoàn thiện để “chiếm lĩnh” niềm tin của người tiêu dùng, tạo điều kiện cho các tổ chức sản xuất, kinh doanh phát triển bền vững, các ngành chức năng vẫn cần chú trọng thực hiện những giải pháp nhằm tạo ra được các sản phẩm hàng hóa có giá trị, được thị trường đón nhận, nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm OCOP thành hàng hóa có thương hiệu, có chất lượng và đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Đồng thời, chúng ta cần đa dạng hóa các hình thức tiếp cận và phát triển thị trường, không chỉ ở thị trường truyền thống mà còn phải có mặt ở sàn giao dịch điện tử. Song song với đó là đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, chuyển giao công nghệ, hợp tác kinh doanh, cung ứng dịch vụ tại hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu, từ đó, đưa sản phẩm, thương hiệu OCOP vươn xa hơn nữa tại thị trường trong và ngoài nước.
.