Chủ Nhật, 06/09/2020, 08:38 [GMT+7]

Lỗ hổng trong quản lý vệ sinh an toàn lao động tại các mỏ khoáng sản

(Congannghean.vn)-Hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, khai thác đá mất an toàn lao động và chậm hoàn thổ khi đã hết thời hạn khai thác là thực trạng đang diễn ra tại một số mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh hiện nay. Thậm chí, tại một số địa điểm đã xảy ra tai nạn, cướp đi sinh mạng của người lao động. 
Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại nhiều mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại nhiều bất cập
Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại nhiều mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại nhiều bất cập
Đầu tháng 8/2020, tại xã Châu Tiến, huyện Quỳ Hợp xảy ra một vụ tai nạn lao động tại một mỏ đá khiến một người thiệt mạng. Nạn nhân là anh Vi Văn Hợp (39 tuổi), trong quá trình sử dụng khoan để khai thác đá cho một doanh nghiệp trên địa bàn, đã bị đá từ trên cao sập xuống khiến anh này tử vong. Được biết, vị trí xảy ra tai nạn lao động này, theo người dân địa phương thì trước đây cũng đã từng xảy ra tai nạn chết người. Khu vực này đã được cấp phép khai thác khoáng sản cho Công ty TNHH Hà An, sau đó doanh nghiệp này chuyển nhượng cho một doanh nghiệp nước ngoài khai thác. 
 
Trước đó, vào tháng 6/2020, tại mỏ đá của  Công ty CP Vật liệu 99 ở xã Trù Sơn, huyện Đô Lương cũng xảy ra tai nạn lao động khiến một công nhân tử vong. Cụ thể, khoảng 7 giờ 40 phút ngày 17/6, anh Trần Văn Thành (19 tuổi), là công nhân của công ty đang trong quá trình khai thác đá thì chẳng may bị rơi từ trên đỉnh xuống đất. Anh Thành được đưa đi bệnh viện cấp cứu, nhưng đã tử vong. Cũng tại mỏ đá này, đã có hai công nhân bị tai nạn lao động dẫn đến tử vong là anh Lê Văn Cường trú tại xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương và anh Lưu Văn Nam trú tại huyện Nam Đàn. Trong thời gian này, mỏ đá của Công ty CP Vật liệu 99 cũng bị người dân tố cáo lên chính quyền địa phương như: Gây ô nhiễm, khai thác khoáng sản, lấy hộ chiếu nổ mìn ngoài khu vực cấp phép, mất an toàn lao động, đổ đá và bê tông tại các ngã ba để độc chiếm đường đi.
 
Hai vụ tai nạn lao động liên tiếp nói trên tại các mỏ khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng trên địa bàn là lời cảnh tỉnh không chỉ đối với các doanh nghiệp, mà còn đặt ra nhiều vấn đề bất cập, tồn tại xung quanh việc quản lý đối với lĩnh vực này. Thực tế cho thấy, từ trước đến nay, mặc dù cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, nhưng nhiều vụ tai nạn lao động vẫn xảy ra làm nhiều người tử vong. Qua đó cho thấy, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động tại nhiều doanh nghiệp vẫn bất cập.
Vẫn còn nhiều lỗ hổng trong quản lý khai thác khoáng sản
Vẫn còn nhiều lỗ hổng trong quản lý khai thác khoáng sản
Đến cuối năm 2019, Nghệ An có 12.317 doanh nghiệp đăng ký đang hoạt động trong các lĩnh vực, tuy nhiên các đơn vị chức năng chỉ mới tổ chức tiến hành kiểm tra, thanh tra được gần 30 cuộc, với số doanh nghiệp được kiểm tra chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Cụ thể, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tiến hành 3 cuộc thanh tra việc chấp hành pháp luật về lao động, an toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội tại 20 doanh nghiệp. Qua đó, lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt 5 doanh nghiệp với số tiền 51 triệu đồng. Đoàn liên ngành tỉnh tổ chức kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động tại 34 doanh nghiệp, xử lý 20 doanh nghiệp vi phạm. Sở Công Thương tổ chức 19 cuộc thanh tra, kiểm tra về an toàn vệ sinh lao động tại 30 doanh nghiệp trong sử dụng vật liệu nổ, kinh doanh xăng dầu, điện lực. Ngoài ra, các huyện, thị đã thanh, kiểm tra 253 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. 
 
Ngoài việc giám sát doanh nghiệp còn nhiều bất cập, quá trình phối hợp giữa các đơn vị quản lý cũng có lúc chưa nhuần nhuyễn. Ông Nguyễn Văn Thọ, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Quỳ Hợp cho biết, khi có vụ việc xảy ra, chính quyền địa phương thường báo cáo thẳng đến Sở LĐ-TB&XH chứ ít khi thông báo cho Phòng LĐ-TB&XH để phối hợp xử lý. Ngoài ra, có một số đoàn kiểm tra, thanh tra của Sở LĐ-TB&XH đến địa bàn làm việc nhưng cũng không thông tin cho huyện biết, mà đến thẳng doanh nghiệp. Trong khi đó, có nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu không hợp tác, khi đoàn chức năng đến làm việc thì doanh nghiệp lấy cớ giám đốc đi vắng để không hợp tác. Đây cũng là thực trạng chung của không ít doanh nghiệp hiện nay, dẫn đến việc thanh, kiểm tra theo chuyên đề cũng có những khó khăn nhất định. “Nếu kiểm tra mà không thông báo trước thì doanh nghiệp lấy cớ thoái thác, không hợp tác. Còn nếu thông báo trước thì họ có thời gian để đối phó, dẫn đến kết quả kiểm tra không được như mong muốn”, ông Thọ cho biết thêm.
 
Như vậy, có thể thấy, mặc dù hằng năm cơ quan chức năng đã chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn lao động; tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm để giảm thiểu tại nạn đối với người lao động, song tai nạn lao động vẫn xảy ra, trong đó có không ít vụ việc thương tâm, cướp đi sinh mạng của người lao động. Để xảy ra vấn đề này, là do quá trình quản lý, phối hợp quản lý vẫn còn một số bất cập, tồn tại dẫn đến nhiều doanh nghiệp chủ quan, lơ là trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn. Trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý và doanh nghiệp, song hậu quả thì người lao động phải gánh chịu.
.

THIỆN THÀNH

.