Thứ Bảy, 05/09/2020, 08:04 [GMT+7]

Để người Việt 'chuộng' hàng Việt

(Congannghean.vn)-Hiện nay, Nghệ An nói riêng và các địa phương trên cả nước nói chung đang đứng trước những thách thức lớn khi nền kinh tế đã và sẽ tiếp tục trải qua những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra. Trong bối cảnh khó khăn chung đó, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” càng trở nên quan trọng, ý nghĩa hơn, góp phần phục hồi, khơi dậy sức bật thị trường nội địa giàu tiềm năng.

Thương hiệu Việt ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng, chọn lựa
Thương hiệu Việt ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng, chọn lựa
Nâng cao chất lượng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” góp phần phục hồi nhanh và phát triển nền kinh tế sau đại dịch COVID-19 đang là vấn đề được Bộ Chính trị, Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động, các bộ, ngành đặc biệt chú trọng. Trên thực tế, từ trước đến nay, cuộc vận động đã được tỉnh Nghệ An quan tâm đẩy mạnh trên nhiều phương diện. Nhận thức rõ hiệu quả, lợi ích từ cuộc vận động, thực hiện Thông báo số 264 của Bộ Chính trị về tổ chức cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Kế hoạch số 18 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về việc tổ chức thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ngày 9/9/2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An ban hành kế hoạch về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2015 - 2020. 
 
Đặc biệt, nhằm giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với những sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng, hàng đặc trưng của tỉnh, các ngành đã hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng các điểm bán hàng Việt. Điển hình là Hội nghị kết nối cung cầu tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh… được tổ chức thường xuyên trong nhiều năm qua. Các địa phương cũng đã chủ động xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp, HTX trong tỉnh tìm kiếm, mở rộng thị trường, phát triển sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ, định hướng các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt đi vào chất lượng, phát triển thương hiệu, chế biến sâu để tăng giá trị sản phẩm.
 
Công tác quản lý Nhà nước, triển khai Đề án “Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được quan tâm hơn, các cơ quan chức năng tập trung rà soát, tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, công bố công khai minh bạch các quy định; xây dựng các chuỗi sản xuất, cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn theo hướng ViệtGAP, làm tốt công tác phối hợp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, gián nhãn sản phẩm. 
 
Trên thực tế, từ khi triển khai cuộc vận động đến nay, những tín hiệu khả quan đã được minh chứng tại thị trường trong nước. Ở hệ thống siêu thị trong nước, hàng Việt luôn đạt tỉ lệ trên 90%; đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỉ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm trên 60%; tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ năm 2009 đến nay đều có mức tăng trưởng 10% mỗi năm; chỉ số giá tiêu dùng từ mức lạm phát phi mã 19,8% năm 2008 đã giảm xuống mức dưới 5% trong các năm gần đây. Đó là kết quả của một quá trình dài các cấp chính quyền sử dụng đồng bộ các chương trình, kế hoạch dài hơi, mang tầm chiến lược, kết hợp với sự vào cuộc của doanh nghiệp và chính người dân. Ý thức rõ vai trò của thị trường nội địa, các doanh nghiệp trong tỉnh đã quan tâm đổi mới công nghệ, tích cực tuyên truyền quảng bá, giới thiệu sản phẩm với giá bán hợp lý đến với mọi tầng lớp nhân dân, nhất là người dân vùng nông thôn. Tâm lý "chuộng hàng ngoại" của một bộ phận người dân đã thay đổi theo hướng tích cực. Nhiều người tiêu dùng đã lựa chọn và tin tưởng vào sản phẩm Việt Nam.
 
Gần 11 năm qua, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Nghệ An đã góp phần quan trọng giúp kinh tế tỉnh nhà duy trì sự ổn định trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức; qua đó thúc đẩy sản xuất - dịch vụ phát triển; thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất và tiêu dùng. Từ góp phần phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, tự hào dân tộc của người tiêu dùng, cuộc vận động đã thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới và không ngừng phát triển toàn diện hơn trong bối cảnh chung, sản xuất ra nhiều hàng Việt có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Trong khó khăn đại dịch COVID-19, khi các nước đóng cửa biên giới, tạm ngừng giao thương càng thấy rõ hơn tầm quan trọng của hàng Việt và thị trường nội địa. Lúc này có thể thấy lợi ích song hành, tương hỗ nhau cả với doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước.
 
Các doanh nghiệp trong nước và trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động nắm bắt nhu cầu của khách hàng để đảm bảo nguồn cung, cam kết bán hàng đúng giá niêm yết, không lợi dụng dịch bệnh để tăng giá. Đây là những việc làm thể hiện trách nhiệm xã hội, góp phần đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng. Tuy nhiên, trên thực tế, người dân vẫn băn khoăn về chất lượng của nhiều loại hàng hóa Việt. Nếu chất lượng của nhiều sản phẩm hàng Việt chưa tốt thì người tiêu dùng sẽ không thể ưu tiên sử dụng, nhất là khi giá thành các sản phẩm đó tương đương hoặc cao hơn sản phẩm cùng loại.
 
Vì thế, chất lượng vẫn là ưu tiên hàng đầu đối với các doanh nghiệp khi xác định tiệm cận và chiếm lĩnh thị trường. Nếu chúng ta xác định tiêu chí giá rẻ, đẹp thì sẽ khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc mà phải lựa chọn thế mạnh của mình để phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng, đó là giá cả phải chăng nhưng chất lượng đảm bảo. Trong thời gian tới, để tiếp tục chiếm lĩnh niềm tin của người tiêu dùng, các doanh nghiệp cũng phải không ngừng đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, nâng tầm thương hiệu, từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa. Đồng thời, nói không với hàng giả, hàng kém chất lượng.
 
Dịch COVID-19 là một thách thức lớn. Song chúng ta phải quyết tâm biến khó khăn thành cơ hội để doanh nghiệp Việt vươn lên khẳng định vị trí, vai trò và chỗ đứng vững chắc trên thị trường, ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng và chọn lựa.
.

TUỆ TRANG

.