(Congannghean.vn)-Để chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả với diễn biến bất thường của thiên tai trong thời gian tới, nhất là tình huống xảy ra mưa lũ lớn kéo dài, bão mạnh, lũ quét, sạt lở đất, các tỉnh Bắc Trung Bộ - một trong những vùng trọng điểm thiên tai, trong đó có Nghệ An cần chuẩn bị sẵn sàng mọi phương án, giải pháp, không để bị động, bất ngờ trong phòng, chống thiên tai.
Công tác kiểm tra đảm bảo an toàn cho các hồ, đập, công trình thủy lợi cần được chú trọng |
Từ đầu năm đến nay, khu vực Bắc Trung Bộ đã xảy ra 26 trận dông, lốc, mưa đá, mưa lớn, 6 trận động đất, 4 đợt nắng nóng. Thiên tai đã làm 7 người chết, 14 người bị thương, 3.308 nhà bị hư hại, tốc mái, 18.390 ha lúa, hoa màu bị hư hại, tổng thiệt hại ước tính 243 tỉ đồng. Hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra nghiêm trọng trên toàn khu vực, hiện có khoảng 25.970 ha cây trồng bị hạn và 46.600 hộ dân đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt.
Tại Nghệ An, đầu năm 2020, tình trạng mưa đá, lốc xoáy xuất hiện bất thường và thường xuyên hơn ở các huyện vùng núi như: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong… làm thiệt hại nhiều về nhà cửa, hoa màu, tài sản khác của người dân. Trước tình hình trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu giao các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành, thị triển khai, thực hiện các nội dung theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT tại Văn bản số 5009 về việc tăng cường ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và phòng, chống thiên tai khu vực Bắc Trung Bộ năm 2020.
Cụ thể, đối với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cần thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ. Đó là, xây dựng kịch bản và sẵn sàng ứng phó đảm bảo an toàn cho người và tài sản trên biển, trên đất liền trong tình huống xảy ra bão, lũ có cường độ bằng hoặc lớn hơn bão số 10 năm 2017, mưa lũ năm 1999, 2016, đề phòng dịch COVID-19 có thể diễn biến phức tạp trở lại. Cùng với đó, kiểm tra lực lượng, vật tư, trang thiết bị theo phương án đã phê duyệt; hoàn thành lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá trên 15 m; đảm bảo thông tin tới nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, khu vực người dân sinh sống, sản xuất không được phủ sóng di động. Chỉ đạo, triển khai lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã kiểm tra các khu vực có nguy cơ cao, tổ chức hướng dẫn người dân các biện pháp bảo đảm an toàn, bố trí kinh phí để thực hiện các hoạt động này. Triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, tổ chức cắm biển cảnh báo, tuần tra canh gác tại các khu vực nguy hiểm, dễ bị ngập lụt, chia cắt; khắc phục sự cố về điện lưới, thông tin liên lạc; đảm bảo giao thông trên các trục giao thông chính trên địa bàn. Cùng với đó, chỉ đạo các chủ hồ thủy điện rà soát, kiểm tra phương án, vật tư trang thiết bị đảm bảo an toàn công trình, đảm bảo an toàn hạ du, vận hành xả lũ đúng quy trình được phê duyệt, có sự giám sát của chính quyền địa phương; xử lý nghiêm các chủ hồ không tuân thủ đầy đủ các quy định đã ban hành.
Chỉ đạo việc kiểm tra an toàn hệ thống đê điều, hồ chứa thủy lợi, nhất là các vị trí trọng điểm, xung yếu đê điều và các hồ chứa hư hỏng hoặc đang thi công; thường xuyên theo dõi giám sát, bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xảy ra; tuyệt đối không cho phép tích nước đối với các hồ đang thi công hoặc không đảm bảo an toàn. Ưu tiên bố trí nguồn ngân sách địa phương, đồng thời trích quỹ phòng, chống thiên tai và các nguồn kinh phí hợp pháp khác đảm bảo các hoạt động phòng, chống thiên tai, khắc phục sự cố đê điều, hồ đập và các hoạt động phục vụ thông tin truyền thông, nâng cao năng lực cộng đồng, năng lực chỉ huy, chỉ đạo điều hành ứng phó thiên tai. Đáng lưu ý, Nghệ An thường xuyên xảy ra lũ quét, lũ ống, nên cần tuyên truyền cho bà con cách phòng tránh, kiểm tra nơi ở có nguy cơ để di dời bà con đến nơi an toàn...
Đối với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện, xã, ngoài việc khẩn trương triển khai các nhiệm vụ theo quy định, cần kiểm tra cụ thể lực lượng của địa phương, nhất là lực lượng xung kích cấp xã; vật tư, trang thiết bị, hậu cần tại các cơ sở và hộ dân đảm bảo sẵn sàng ứng phó thiên tai trên địa bàn tỉnh theo phương châm 4 tại chỗ. Đồng thời, chỉ đạo các xã rà soát và phát hiện nơi ở mất an toàn, khu vực thấp trũng ven biển, cửa sông, ven sông, các vị trí có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khơi thông các vị trí tắc nghẽn dòng chảy; bố trí nguồn lực để thực hiện; trường hợp vượt quá khả năng của cấp huyện, báo cáo về Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh để xử lý kịp thời. Về phía Đài khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ, tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, nhất là dự báo mưa trong phạm vi hẹp, lũ trên hệ thống các sông.
.