(Congannghean.vn)-Nằm dưới chân núi Cà Đay, bản Giàng 2 thuộc xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh dường như tách biệt với cuộc sống cộng đồng bởi sự ngăn cách của điệp trùng dãy Trường Sơn hùng vĩ. Những năm qua, mặc dù đã có nhiều đổi thay nhưng cuộc sống của bà con nơi đây nhìn chung vẫn còn khó khăn, đặc biệt là việc thiếu nước sinh hoạt và sản xuất.
Bể nước sinh hoạt tại bản Giàng 2 không có nước |
Chúng tôi đến bản Giàng 2 những ngày đầu tháng 4. Con đường độc đạo từ UBND xã Hương Vĩnh vào bản chừng vài chục cây số vắt ngang qua những con dốc gần như dựng đứng bên những thung lũng sâu hun hút. Cùng có mặt trong đoàn, ông Đậu Văn Sửu, cán bộ địa chính xã hồ hởi: “Bây giờ dù sao cũng có đường đi đàng hoàng rồi, chứ trước đây mỗi lần vào bản thăm bà con, chúng tôi phải cơm đùm, cơm nắm, trèo đèo, lội suối đi bộ hết cả ngày trời”.
Chỉ tay về cánh đồng, nơi hàng chục con trâu, bò đang gặm cỏ, ông Sửu nói: Bản Giàng có 10 ha đất sản xuất nông nghiệp, nhưng đến nay chỉ còn một nửa số diện tích là canh tác được. Sở dĩ có thực trạng đó là do hạn hán cùng với hệ thống dẫn nước bị hư hỏng, xuống cấp, không đủ cung cấp cho toàn bộ diện tích nên bà con đành bỏ hoang. Hằng năm, dù huyện, xã đều có chính sách cung cấp giống lúa, ngô cho bà con sản xuất nhưng cũng đành “ngậm ngùi” nhìn cỏ dại mọc um tùm.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn, giọng Trưởng bản Hồ Sơn lắng xuống khi nhắc đến chuyện nước sạch cho bà con. “Các chú xem, mới đầu mùa nắng nhưng khe suối đã cạn, đồng ruộng khô hạn, còn mấy cái bể có cũng như không. Chỉ mong sao Nhà nước quan tâm xây dựng được hệ thống bể nước, ống nước để bà con có nước sạch dùng. Dân bản bây giờ không phá rừng nữa, chỉ trồng lúa, trồng ngô nhưng nước không có biết làm sao bây giờ”.
Theo tìm hiểu được biết, công trình cấp nước bản Giàng 2 được xây dựng từ năm 1999, bằng nguồn vốn của Chương trình 134, do UBND huyện Hương Khê làm chủ đầu tư, cấp nước cho 13 hộ với khoảng 40 nhân khẩu và 2 ha đất sản xuất tại bản Giàng 2, xã Hương Vĩnh. Hệ thống cấp nước gồm 1 đập bằng bê tông, tuyến ống chính dài khoảng 300 m, 2 bể chứa nước tập trung và không có hệ thống cấp nước đến hộ gia đình. Tuy nhiên, do xây dựng đã lâu nên hệ thống đường ống chính bị hư hỏng nặng, 2 bể chứa nước tập trung nứt nẻ, mất công năng sử dụng.
Trước tình trạng thiếu nước sinh hoạt, sản xuất của bà con dân tộc, năm 2014, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Công văn số 2961/UBND-NL, do ông Lê Đình Sơn ký (lúc đó đang giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh) về việc cải tạo, nâng cấp hệ thống cấp nước sinh hoạt và sản xuất tại bản Giàng 2, xã Hương Vĩnh. Nội dung văn bản nêu rõ: Để kịp thời cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân tại bản Giàng 2, xã Hương Vĩnh - vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, UBND tỉnh đồng ý cho UBND xã Hương Vĩnh làm chủ đầu tư, khảo sát, lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật công trình cải tạo, nâng cấp, hệ thống cấp nước sinh hoạt và sản xuất tại bản Giàng 2.
Tiếp đó, UBND huyện Hương Khê có Quyết định số 3728/QĐ-UBND về việc phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư công trình nâng cấp, cải tạo hệ thống nước bản Giàng 2, xã Hương Vĩnh. Thế nhưng, sau hơn 4 năm, không hiểu vì sao mọi quyết định vẫn chỉ nằm trên giấy. Trong khi đó, cuộc sống của bà con dân bản vốn chủ yếu dựa vào việc tự cung, tự cấp nên đang gặp rất nhiều khó khăn.
Hiện, nước sinh hoạt đang là vấn đề cấp bách đối với bản Giàng 2. Rất mong các cơ quan chức năng quan tâm và sớm có biện pháp khắc phục, đảm bảo nguồn sinh hoạt cho người dân. Việc đưa công trình nước sạch về các thôn bản vùng khó khăn không chỉ góp phần cải thiện đời sống, nâng cao sức khỏe của người dân mà còn giúp địa phương hoàn thiện tiêu chí nước sạch trong xây dựng nông thôn mới.