(Congannghean.vn)-Người già thường đa cảm, họ nghĩ về con cháu, về quá khứ lúc cô đơn, khi rảnh rỗi. Tuổi già, ai cũng mong được sum vầy bên con cháu lúc cuối đời. Thế nhưng, vì những lý do khác nhau, nhiều người đã không có “phúc phận” đó. Các cụ già hiện đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An là những người đang sống những ngày cuối đời trong cảnh tuổi già đơn chiếc như vậy.
Phận người già trong trung tâm bảo trợ
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, chúng tôi đến với Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An đóng tại địa bàn xã Giang Sơn Đông, huyện Đô Lương. Ông Nguyễn Xuân Phú, Giám đốc Trung tâm cho biết: Với chức năng tiếp nhận, quản lý, chăm sóc các đối tượng tâm thần kinh, mất trí, người già, người cô đơn, tàn tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa và các đối tượng lang thang, cơ nhỡ bị bỏ rơi, hiện Trung tâm đang chăm sóc 186 đối tượng, trong đó có 164 đối tượng tâm thần kinh và 22 đối tượng xã hội. Trung tâm đang nuôi dưỡng 10 cụ già là đối tượng người có công, người già không nơi nương tựa, tật nguyền, lang thang. Các cụ ở đây bình quân trên 75 tuổi, phần lớn đều gắn bó với ngôi nhà chung này đã hàng chục năm trời.
Cụ bà Hồ Thị Loan (75 tuổi) quê ở xã Hưng Hòa, TP Vinh, là người đã có gần 40 năm sống trong Trung tâm cho biết, bà cũng có chồng con, gia đình đầm ấm. Thế nhưng, tai họa ập đến khi bà đang mang thai đứa con trai đầu lòng được 3 tháng thì chồng gặp tai nạn lúc đang lái tàu và phải bỏ mạng trên biển. Sau khi sinh con, 2 mẹ con không còn ai thân thích nên đành lang thang mưu sinh rồi dạt vào Trung tâm và chọn nơi đây làm ngôi nhà thứ hai của cuộc đời.
Các cụ bà ở Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An |
Đứa con của bà Loan giờ đã khôn lớn, lập gia đình và sinh sống ở gần Trung tâm. Nhưng vì đã quen với các bạn già cũng như cuộc sống tại đây nên bà đã không về sống cùng con mà quyết định ở lại. Đồng hương với bà Loan là cụ bà Đinh Thị Chắt (82 tuổi), cũng có chồng con, nhưng khi chồng mất, bà Chắt đã đưa con vào nương náu tại Trung tâm. Con gái bà hiện cũng đang sống với chồng và 3 đứa con ở huyện Tân Kỳ, thi thoảng vào thăm nuôi mẹ.
Ông Vương Quốc Khánh (75 tuổi) quê ở huyện Nam Đàn, bị dị tật bẩm sinh từ nhỏ, vào Trung tâm được khoảng 30 năm. Với ông, nơi đây chính là nhà của mình và những người già cùng cảnh ngộ là những người thân cận nhất, sớm tối cùng chia sẻ vui buồn. Một hoàn cảnh khác là chị Nguyễn Thị Hương (48 tuổi) ở phường Trung Đô (TP Vinh), vào Trung tâm từ năm 1991 sau khi bố mẹ bỏ nhau, bố lấy vợ khác, bị anh chị em hắt hủi nên đã vào Trung tâm để nương nhờ.
Hết lòng vì người già và các đối tượng bảo trợ
Kể chuyện chăm lo cuộc sống thường ngày cho các cụ già và chuẩn bị một cái Tết ấm cúng, đầy đủ cho các đối tượng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại đây, ông Phú cho biết, năm nào cán bộ ở Trung tâm cũng sắm sửa đầy đủ mứt, kẹo, bánh chưng, thăm hỏi động viên đến từng người. Hiểu được tâm lý tuổi già nên Trung tâm thường tặng các cụ quần áo mới để động viên.
Với những cụ về nhà ăn Tết với người thân, Trung tâm có xe đưa đón và phần quà để các cụ ăn Tết đầy đủ. Với các cụ đón Tết ở Trung tâm, ngoài chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, thuốc men đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho các cụ, Trung tâm còn thực hiện tốt công tác y tế, vệ sinh môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhận thức được các cụ già đang nương náu tại đây đều là những phận người kém may mắn trong cuộc sống nên cán bộ, nhân viên Trung tâm không ai bảo ai, đều chăm sóc các cụ bằng tất cả tấm lòng, coi họ như ông bà, cha mẹ của mình.
Có những cụ từ khi vào đây đến khi chết, mấy chục năm ròng nhưng chẳng có người thân đến thăm nuôi một lần. Có nhiều cụ lúc khỏe mạnh thì con cháu thi thoảng vào thăm, những lúc đổ bệnh phải nằm viện thì họ bỏ mặc, phó thác cho Trung tâm. Thậm chí, lúc mất cũng chẳng có ai bên cạnh. Chăm sóc các cụ là công việc không hề đơn giản, nhất là với những cụ mắc bệnh tâm thần. Lúc tỉnh táo thì không bàn đến, nhưng hễ lên cơn là các cụ lại la hét, đập phá, bỏ chạy rồi chửi bới, đánh nhau, chuyện đó xảy ra như cơm bữa nhưng chẳng ai để bụng. Có nhiều hôm, cán bộ chính là nạn nhân của các cụ bị bệnh tâm thần. Ngoài ra, người già hầu hết ai cũng mắc các bệnh về đường hô hấp, bệnh lây nhiễm nhưng không vì thế mà cán bộ Trung tâm hắt hủi, xa lánh các cụ.
Được biết, với giá cả thị trường leo thang, mức trợ cấp hàng tháng như hiện nay để đảm bảo 3 bữa ăn hàng ngày đầy đủ chất dinh dưỡng là hết sức khó khăn. Tuy nhiên, cán bộ Phòng Chăm sóc dinh dưỡng vẫn cố gắng khắc phục. Cùng với đó, chế độ thuốc men và trang bị y tế được đặc biệt quan tâm, việc khám sức khỏe và phòng dịch theo mùa diễn ra đúng định kỳ.
Các đối tượng ốm đau được chăm sóc thuốc men, cơm cháo và đưa đi điều trị trên các tuyến có bảo hiểm y tế. Kết hợp với công tác nuôi dưỡng và chăm sóc, việc chu cấp quần áo, chăn màn cũng như mua sắm vật dụng phục vụ các đối tượng được đảm bảo theo chế độ. Với sự quan tâm, hy sinh âm thầm của những cán bộ đang công tác tại đây, suốt mấy chục năm qua, Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An thực sự đã trở thành ngôi nhà chung của những phận đời thiếu may mắn trong xã hội nói chung và những cụ già neo đơn, cô quạnh lúc cuối đời nói riêng.
.