(Congannghean.vn)-Mùa Xuân đang về trên từng bản làng, con phố, gõ cửa vào mỗi nhà. Niềm hạnh phúc nhất là được quây quần, đoàn tụ bên những người thân yêu vào thời khắc đón chào năm mới. Thế nhưng, ở đâu đó trên dải đất hình chữ S này, vẫn còn có những bà mẹ ngóng chờ đứa con đi xa trở về, vẫn còn có những người chồng chờ vợ trong nỗi cô đơn, tuyệt vọng…
Xuân sum vầy
Người phụ nữ ôm đứa con bé bỏng vào lòng, ngỡ như mình vừa trải qua một giấc mơ. Giấc mộng giàu sang nơi xứ người, thiên đường hay chốn động quỷ. Cô run run sợ hãi xua đuổi nó, rồi chợt tỉnh thấy mình may mắn khi được trở về bên gia đình nhỏ, nơi có mẹ cha, người chồng chịu thương chịu khó, có đứa con gái bé nhỏ ngóng trông mẹ trở về... Giờ cô cũng như bao người phụ nữ trong bản làng từng có chung số phận đều nhận ra một điều rằng, không đâu bằng gia đình mình.
Moong Thị May, người dân tộc Khơ Mú trú tại bản Thanh Hòa, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương. 21 tuổi, May đã là mẹ của 2 đứa con nhỏ, đứa lớn năm nay vừa tròn 5 tuổi. May ngồi bên các con giữa những tiếng cười đùa hạnh phúc ngập tràn. “Xuân này, gia đình em sẽ được đoàn tụ, sum vầy yên ấm”, May bộc bạch.
Sinh ra trong một gia đình đông anh chị em. Lớn lên một chút thì bố May qua đời, người mẹ đi thêm bước nữa. Cuộc sống gia đình vốn đã vất vả nay lại chồng chất khó khăn khi trong nhà có con riêng của vợ, của chồng rồi con chung của cả 2 người. 9 miệng ăn trong nhà đến bây giờ vẫn là nỗi ám ảnh của những đứa trẻ nơi bản làng heo hút này. Từ huyện Tương Dương về đây tái định với muôn vàn khó khăn, những đứa trẻ đã không được học hành đến nơi đến chốn, hàng ngày phải mưu sinh bằng việc lên rừng trồng sắn, trồng keo rồi lấy chồng, lấy vợ, quẩn quanh bên nương rẫy. Và, ước mơ đổi đời chỉ diễn ra trong phút chốc.
Năm 2012, được sự giới thiệu của người chị con riêng của bố dượng là Cụt Thị Hiềm, hiện đang sinh sống ở Trung Quốc, có lần về quê nhà chơi và kể về cuộc sống bên kia biên giới với những lời ngọt ngào, hứa hẹn một cuộc sống đầy đủ, sung túc, giàu sang. Lời dụ dỗ đã khiến cho cô gái trẻ vội vàng thu xếp hành lý, tạm rời xa chồng và đứa con gái 3 tuổi để lên đường với ước mộng đổi đời. Cùng với người chị gái của mình, May qua cửa khẩu Móng Cái rồi vào sâu trong lãnh thổ Trung Quốc. Tại chân trời mới, May chủ yếu sống bằng nghề làm găng tay với mức thu nhập 7.000.000 đồng/tháng.
Năm đầu, May còn thường xuyên liên lạc về cho gia đình, nhưng 7 tháng sau, cô không thể liên lạc được cho người thân. May nhớ lại, trong một lần đi làm về, cô bị một nhóm thanh niên gồm 3 người Trung Quốc lôi lên xe và bắt đi, nếu không đi họ dọa đánh. Đi một ngày, một đêm, khi qua một chiếc cầu, họ giao May cho 2 người đàn ông khác. Sau khi giao người và nhận tiền xong, May được 2 người kia đưa đến một căn phòng. Tại đây, ngoài May ra còn có 1 người con gái Việt Nam nữa.
Họ nhốt 2 người trong phòng và chủ yếu bắt làm việc nhà. Trong một lần bị họ đưa đi rao bán ở chợ, May và người bạn gặp được 1 người phụ nữ Việt Nam tên là Hà, lấy chồng Trung Quốc. Nghe kể sự tình, chị Hà đã lên trình báo với Công an. Sau những ngày cơ cực, đầu năm 2014, May được Công an Trung Quốc giải thoát khỏi “động quỷ” và trở về an toàn bên gia đình nhỏ của mình...
Nghĩ lại, anh Moong Văn Việt (SN 1994), chồng May vẫn không tin rằng vợ mình bị lừa bán sang Trung Quốc. Anh kể: “Ở nhà có biết gì đâu, cùng là chị em, cứ ngỡ rằng rủ nhau đi làm ăn để cuộc sống đỡ khổ hơn. Năm đầu, vợ gửi 13.000.000 đồng để xây nhà, mua trâu nhưng rồi đến năm thứ hai bỗng không thấy liên lạc về. Gia đình lo lắng nên đã trình báo với chính quyền nhưng rồi cứ sống trong vô vọng. Tội nhất là đứa con gái đầu mới lên 3 tuổi suốt ngày khóc đòi mẹ...”.
Trong ngôi nhà nhỏ, giờ đây, gia đình đã có thêm một thành viên mới, giữa tiếng cười, tiếng khóc của trẻ nhỏ, người mẹ trẻ thấy tràn đầy hạnh phúc “Em thật may mắn khi được về đoàn tụ với gia đình. Vậy là Tết năm nay gia đình em lại được sum vầy. Vẫn biết, cuộc sống nơi quê nhà còn nhiều thiếu thốn, khó khăn nhưng em và chồng sẽ cố gắng làm ăn để nuôi con, không bao giờ có ý nghĩ rời xa nơi này, rời xa chồng con nữa”, May tâm sự.
Không giống như hoàn cảnh của em gái mình, Moong Thị Đào, chị gái May có số phận hẩm hiu hơn. Đào nằm trong một đường dây đưa người trốn đi Trung Quốc. Năm 2012, Đào cũng được Cụt Thị Hiềm đưa sang Trung Quốc làm thuê. Sang đó được 5 - 6 ngày, Đào phát hiện mình có thai nên xin về Việt Nam để phá thai và làm chứng minh nhân dân. Ngày 5/3/2013, trong một lần đi đám cưới bạn tại xã Thanh Sơn, Đào gặp Tang Thị Hương là người cùng bản.
Sau khi trò chuyện, Đào kể công việc làm ăn bên Trung Quốc với mức lương 2,5 - 4 triệu đồng/tháng. Hương liền ngỏ ý muốn đi cùng nhưng sợ bố mẹ không cho, Đào liền vạch kế hoạch cho Hương bỏ trốn. Sáng 8/3/2013, bắt chuyến xe khách đi TP Vinh, Đào và Hương tiếp tục bắt xe ra Hà Nội. Vừa mới đến nơi, đang chờ mua vé đi Lào Cai để sang Trung Quốc thì bị Công an Hà Nội bắt giữ. Theo khoản 1, điều 275, Bộ luật Hình sự thì đủ cơ sở để khẳng định Moong Thị Đào phạm tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”.
Vì đang mang thai nên Đào bị xử phạt 18 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 35 tháng 18 ngày. Với Đào, đó là quãng thời gian để cô ngẫm nghĩ về cuộc đời. Xuân này, chào đón đứa con trai đầu lòng là niềm an ủi lớn lao để cô sống có ý nghĩa hơn cho những ngày sắp tới...
Khắc khoải chờ con
Chúng tôi đến nhà bà Lo Thị Sồi ở bản Tân Lập, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương giữa những ngày sắp sửa bước sang năm mới. Sắc Xuân ngập tràn khắp núi rừng, những giọt sương đêm còn đọng trên lá non. Bà Sồi ngồi bên những củ sắn vừa mới mót được trên rẫy về, chuẩn bị lương thực cho Tết cổ truyền của dân tộc. Cuộc đời bà thật éo le khi người chồng ăn nằm với con gái, phải ngồi tù đến nay chưa trở về. Đứa con gái Vi Thị Đái (SN 1993) hận đời cũng bỏ mặc bà mà đi.
Tết này Moong Thị May được đoàn tụ sum vầy bên những đứa con |
Có lần Đái gọi điện về báo với bà rằng, đã sang Trung Quốc làm ăn nhưng một thời gian sau thì “bặt vô âm tín”. Tuổi nhiều, dáng người gầy gò ốm yếu, tai không còn thính, bà nói chuyện với chúng tôi mà cười trong nước mắt. Chua chát nhường nào! Chị Vi Thị Hợi, một người hàng xóm của bà cho hay: Bà Sồi giờ đây sống với đứa con trai đang học lớp 4. Cuộc đời bà ấy khổ lắm, không có cái Tết nào được sum vầy bên những người thân yêu, cứ khắc khoải chờ chồng, chờ con cho đến ngày héo hon mất thôi...
Cũng giống như bà Sồi, vợ chồng ông Lô Đình Anh và bà Vi Thị Đoan ở bản Tân Lập, xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương cũng đang ngày đêm mong ngóng đứa con gái út là Lô Thị Hà (SN 1994) đi Trung Quốc từ đầu năm 2014 đến nay chưa trở về. Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, nhà đông con, Hà nghe theo người họ hàng Quang Thị Thuồn rủ rê sang Trung Quốc giúp việc, rồi lấy chồng bên ấy. “Chờ mong tin con không biết đến bao giờ mới gặp lại nó đây? Biết thế này tôi đã không cho nó đi...”, bà Đoan nghẹn ngào.
Xa xa, những ngôi nhà cửa đóng then cài. “Gia đình này cũng có con gái lấy chồng Trung Quốc. Một tháng trước nó đưa chồng về thăm mấy ngày rồi lại đi. Gia đình, họ hàng khuyên nhủ nhưng rồi nó vẫn cứ đi. Lấy lý do ở nhà không có công ăn việc làm, nhiều bậc làm cha, làm mẹ chỉ còn cách để con em họ đi xa kiếm sống. Đó là thực trạng đáng buồn đang tồn tại ở 2 xã vùng tái định cư Ngọc Lâm và Thanh Sơn, huyện Thanh Chương. Chúng tôi cũng đã nhiều lần họp xã viên, tuyên truyền, phổ biến đến tận người dân nhưng vấn nạn này không những không giảm mà ngày càng gia tăng. Hết cách rồi”, ông Vi Khánh Hòa, Trưởng bản Tân Lập lắc đầu ngao ngán.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Lô Văn Mão, Trưởng Công an xã Thanh Sơn cho biết: Hiện nay, theo thống kê, trên địa bàn xã có đến 22 phụ nữ, trẻ em nghi bị bán sang Trung Quốc, có bản có đến 5 - 6 người. Thực trạng này đang là vấn đề nhức nhối, trăn trở. Bên cạnh công tác tuyên truyền, rất mong nhận được sự quan tâm của các cấp, chính quyền địa phương trong việc tạo công ăn việc làm để đảm bảo cuộc sống bình yên cho người dân. Mùa Xuân về, bà con nơi đây chẳng mong gì ngoài cái Tết đoàn viên...
.