Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội nghị trực tuyến phổ biến, quán triệt Nghị quyết số 08-NQ/ĐUCA của Đảng ủy Công an Trung ương về tiếp tục hoàn thiện pháp luật về an ninh, trật tự đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; công bố kết quả xác định Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) trong Công an nhân dân (CAND) năm 2017 và tập huấn chuyên sâu Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 giữa hai đầu cầu Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh phát biểu tại Hội nghị. |
GS.TS Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp - Bộ Công an chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các Tổng cục, Bộ Tư lệnh, đơn vị trực thuộc Bộ; Giám đốc Công an, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các thầy, cô giáo lãnh đạo khoa, bộ môn pháp luật của các Học viện, nhà trường trong CAND…
Hội nghị tập trung đề cập đến 03 nội dung lớn, một trong số đó là Nghị quyết số 08-NQ/ĐUCA về tiếp tục hoàn thiện pháp luật về an ninh, trật tự đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Đảng ủy Công an Trung ương ban hành ngày 01/8/2017. Đây là lần đầu tiên Đảng ủy Công an Trung ương ban hành một Nghị quyết chuyên đề về công tác hoàn thiện pháp luật, điều đó cho thấy vị trí, vai trò ngày càng quan trọng của công tác xây dựng pháp luật đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự trong tình hình hiện nay và thể hiện sự đổi mới trong tư duy lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong điều kiện hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Việc nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết 08 có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về an ninh, trật tự đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả.
Toàn cảnh Hội nghị. |
Tiếp theo, Hội nghị đã công bố kết quả xác định Chỉ số CCHC trong CAND năm 2017. Đây là chỉ số được xác định để theo dõi, tổng hợp, đánh giá một cách thực chất, khách quan, công bằng kết quả triển khai nhiệm vụ CCHC hàng năm của Công an các đơn vị, địa phương. Từ năm 2017, Chỉ số này được sử dụng làm tiêu chí để xét thi đua trong CAND, kết quả xếp hạng giúp thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương đánh giá đúng thực trạng công tác CCHC tại đơn vị, địa phương mình; từ đó, có những điều chỉnh cần thiết về mục tiêu, nội dung và các giải pháp trong triển khai CCHC hàng năm, góp phần nâng cao hiệu quả CCHC, xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả. Năm 2017 là năm thứ hai Bộ Công an tổ chức xác định Chỉ số CCHC trong toàn lực lượng. Kết quả xác định Chỉ số CCHC năm 2017 đã ghi nhận những nỗ lực của toàn lực lượng trong CCHC; giá trị trung bình trong công tác CCHC của Công an các đơn vị, địa phương ở mức tương đối cao (82,08%), tăng 7,43% so với năm 2016. Trong đó, 08 địa phương có Chỉ số CCHC đạt kết quả xuất sắc; 65 đơn vị, địa phương đạt kết quả tốt; 15 đơn vị, địa phương đạt kết quả khá và 14 đơn vị, địa phương ở mức hoàn thành nhiệm vụ, chỉ có 01 địa phương không hoàn thành nhiệm vụ…
Nội dung cuối cùng của Hội nghị là tổ chức tập huấn chuyên sâu về Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015. Đây là các đạo luật rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng CAND trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đồng thời, các đạo luật này được xây dựng trên tinh thần CCHC, cải cách tư pháp, đặc biệt là đề cao việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong hoạt động tố tụng hình sự. Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIII đã thông qua Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự. Tuy nhiên, do Quốc hội tiến hành sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự nên để bảo đảm thống nhất khi triển khai thi hành, ngày 01/01/2018 tới đây, Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự mới có hiệu lực. Để bảo đảm thực thi các đạo luật này, đòi hỏi trình độ, năng lực của điều tra viên, cán bộ điều tra trong Công an cũng phải được nâng cao, một mặt đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, đồng thời cũng phải bảo đảm quyền con người, quyền công dân đối với người tham gia tố tụng và quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Bộ Công an coi việc triển khai thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, giúp cán bộ làm công tác điều tra nắm vững các quy định của 02 đạo luật này trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Các đại biểu tham dự Hội nghị. |
Sau Hội nghị này, lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện bằng các hình thức phù hợp, bảo đảm cán bộ, chiến sĩ nắm vững các nội dung để thực hiện thống nhất trong toàn lực lượng…/.