Công an huyện Hưng Nguyên có một nếp sinh hoạt đặc biệt. Đó là những buổi họp xóm dân cư trong tất cả các xã, thị trấn. Đây cũng là những buổi lực lượng Công an cùng họp đêm với dân để nghe dân phản ánh nhiều điều, nhiều chuyện liên quan đến công việc hàng ngày của cán bộ chiến sỹ Công an.
Nghe dân nói những lời gay gắt
Năm 2010, thượng tá Lê Văn Thái chân ướt, chân ráo về làm Trưởng Công an huyện Hưng Nguyên nghe nhiều lời bức xúc của người dân về việc làm chứng minh nhân dân chậm, bị phạt khi đi đón con không đội mũ bảo hiểm, xe lạng lách ngoài đường nhưng dấu trong nhà rồi cũng bị Công an "lôi" ra phạt... Anh nghe và nghiền ngẫm những thông tin này rồi tách ra hai nhóm dư luận phản ánh về thái độ, tác phong và chuyên môn.
Khi chưa kịp xử lý hết thông tin, thượng tá Thái lại nghe tiếp nhiều dư luận khác. Anh tự phân tích thật khách quan để có hướng xử lý, bởi "không xử lý những dư luận của người dân về lực lượng của mình là mình tự lùi lại, hoặc là chịu mang tiếng hoặc là không thấy hết điểm yếu của mình. Kiểu yếm thế này rất nguy hại khi nghĩ về sức mạnh toàn diện của lực lượng Công an huyện trên địa bàn".
Kết luận đầu tiên anh đúc kết được trong những dư luận này "Có lỗi của người dân, có lỗi của Công an". Kết luận thứ hai buộc anh không thể thờ ơ bởi "Dân góp ý với thái độ cầu thị, độ lượng, cởi mở, mình phải suy nghĩ xem mình sai chỗ nào, sai thì phải sửa. Từ đây sẽ tìm cách giúp bà con nhận biết người dân sai và sửa sai như thế nào".
Cách giúp bà con phản ánh cái chưa chuẩn mực của Công an và nhận biết cái sai của dân được thượng tá Thái lên kế hoạch "đi họp đêm tận xóm để nghe dân". Anh nói: "Huyện Hưng Nguyên có 256 xóm. Một năm, tôi cùng anh em các đội công tác đi 25 - 30 xóm. Từ năm 2010 đến nay, chúng tôi đi được 160 xóm. Tuy nhiên, phải chọn xóm nào có nhiều dư luận bức xúc để đi trước". Lúc đầu, bà con thấy Công an về xóm họp đêm hơi ngỡ ngàng, nhưng sau họ quen dần.
Cuộc họp nào cũng căng khẩu hiệu: "Hội nghị khu dân cư bàn về công tác bảo vệ ANTT kết hợp diễn đàn Công an lắng nghe ý kiến nhân dân" hoặc "Làm sao cho an ninh xóm ta an toàn". Bà con đi đông đủ và phát biểu thẳng thắn, hết lòng. Có người nêu thực trạng "xóm tôi bị mất trộm chó nhiều quá, đề nghị Công an quan tâm". Có người phản ánh nạn mê tín dị đoan, cờ bạc; nạn đi ăn xin và vụ chở tiền đi thuê đếm, trộm lư hương đồng ở đền Ông Hoàng Mười.
Có giáo dân phản ánh một số giáo dân không thuận với công tác mục vụ của một vài linh mục quản xứ nên gửi đơn lên Tòa giám mục. Cũng có những ý kiến bức xúc vì hai lần đi làm chứng minh nhân dân nhưng không được; Công an phạt làm sao cho người dân thấy thỏa mãn với sai sót của mình; Công an với dân là cá với nước, không phải là còng số 8 và lời nạt nộ; một số người dân phàn nàn hình ảnh 127 thanh niên tóc xanh, tóc đỏ lượn lờ trên đường có liên quan đến trách nhiệm cảm hóa, giáo dục của Công an không...
Một lần, thượng tá Thái nghe chiến sỹ của mình nói: "Dân nói căng quá thủ trưởng ạ.
Có ảnh hưởng gì không? Có nên họp xóm nữa không?". Thượng tá Thái trả lời: "Nghe dân nói thì biết, sai chỗ nào sửa chỗ đó, đừng ngồi khen nhau như cái máy là xa rời thực tế. Nghe được dân nói là rất tốt. Nhờ dân mà Công an phát hiện được những vụ việc không nhỏ".
Không chỉ mô hình dòng họ tiêu biểu
Việc Công an huyện Hưng Nguyên lập chuyên án vụ mất trộm 300 con chó, khởi tố 18 bị can (7 bị can lĩnh án tù giam, đưa đi giáo dục, giáo dưỡng 2 đối tượng) với dao, súng, kiếm; bắt vụ sản xuất ma túy đá ra mẻ đầu tiên ở xã Hưng Đạo có đường dây từ Thanh Hóa; việc đang hoàn tất hồ sơ để khởi tố vụ án ở đền Ông Hoàng Mười; việc Công an huyện Hưng Nguyên tham mưu cho UBND huyện hỗ trợ họ giáo Tân Thành, xứ Mỹ Dụ 15 triệu đồng xây dựng nhà thờ... có công của dư luận người dân trong những buổi họp xóm như thế này.
Năm 2012, dòng họ Ngô ở xã Hưng Xá trở thành dòng họ tiêu biểu toàn tỉnh về ANTT khi hàng trăm người dân không có ai vi phạm pháp luật (UBND tỉnh có thông báo phổ biến cách xây dựng dòng họ gương mẫu này trong toàn tỉnh). Hiện, Công an huyện Hưng Nguyên đang xây dựng 14 mô hình ANTT về dòng họ, khối, xóm, trường học không có tội phạm và tệ nạn xã hội. Sau những buổi họp dân, hiểu những mô hình này là do dân bàn và quyết định, Công an huyện chỉ hỗ trợ chủ trương, biện pháp.
Nhớ lại những kết quả đáng ghi nhận nhờ nhiều đêm đi họp nghe dân phản ánh, thượng tá Lê Văn Thái tâm đắc nói: "Khi mình biết khơi gợi thì bà con nói hết lòng, đôi khi chỉ là gợi ý của dân nhưng mình "lẩy" được nhiều việc có ý nghĩa. Câu nói "lấy dân làm gốc" thật có ý nghĩa khi mình biết cách biến câu nói thành việc làm, nhìn thấy được hiệu quả. Hóa ra, nếu Công an có năng khiếu làm dân vận thì kiến thức sẵn có sẽ được dịp phát huy. Câu chuyện này sẽ đang dài dài ở huyện ngoại ô này".
Vũ Toàn
.