(Congannghean.vn)-Tính đến thời điểm này, tỉnh Nghệ An có hơn 1.100 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỉ lệ trên 73%, vượt chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh đang gặp phải những khó khăn trong công tác xây dựng, chuẩn hóa trường đạt chuẩn quốc gia.
Xây dựng cơ sở vật chất để không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học (Trong ảnh: Giờ ra chơi tại Trường Tiểu học Hưng Dũng II, TP Vinh) |
Những năm qua, với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng thuận của tầng lớp nhân dân cùng với sự nỗ lực của toàn ngành Giáo dục, công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.
Để xây dựng trường chuẩn quốc gia, cần có những tiêu chí cơ bản là những yếu tố thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, như: Tổ chức và quản lý nhà trường; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; chất lượng giáo dục; cơ sở vật chất và thiết bị dạy học...
Theo thống kê của Sở GD&ĐT, tính đến thời điểm này, Nghệ An có hơn 1.100 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỉ lệ 73% vượt chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra. Kết quả đạt được là như vậy, nhưng qua khảo sát, hiện toàn tỉnh có hơn 100 trường phải thẩm định lại. Thời gian qua, dịch bệnh xảy ra, thiên tai liên tiếp đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của ngành Giáo dục, việc đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, bố trí đủ giáo viên là “bài toán” khó đối với các nhà trường.
Thực tế, qua khảo sát, cơ sở vật chất tại các trường học đã xuống cấp trầm trọng. Rất nhiều trường học trên địa bàn tỉnh mặc dù đã được công nhận trường chuẩn quốc gia, nhưng sau một thời gian, cơ sở vật chất của trường đã xuống cấp khá nhiều, đã ảnh hưởng đến việc tổ chức dạy và học. Điển hình như Trường THCS Châu Bình, năm 2019, trường bị lốc cuốn tan hoang dãy nhà làm phòng học và phòng học bộ môn. Tuy nhiên, do địa phương đang thiếu vốn nên vẫn trong tình trạng bừa bộn. Tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đang thiếu giáo viên, nhất là giáo viên Tin học cho nên việc tổ chức dạy và học chưa thể làm được. Ngoài ra, hiện nay, ngành Giáo dục Nghệ An đang thực hiện tinh giản biên chế. Theo số liệu thống kê từ năm 2015 đến hết năm 2019, ngành Giáo dục Nghệ An thực hiện tinh giản hơn 2.000 người nên hiện nay các trường học không có tổ văn phòng; giáo viên, nhân viên còn thiếu so với điều lệ các bậc học, chính vì vậy nhiều trường không đạt tiêu chí theo quy định.
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai, ngành Giáo dục gặp khó khăn do vướng mắc ở các thông tư, hướng dẫn. Cụ thể, tại Thông tư 17, yêu cầu các trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 phải có số lượng nhóm, lớp không quá 20 nhóm, lớp/trường, trong khi đó, thực tế có nhiều trường học trên 20 nhóm, lớp. Ở cấp học Tiểu học, nếu như trường có 30 lớp trở lên sẽ không đạt được trường chuẩn quốc gia. Thực tế, hiện nay, có rất nhiều đơn vị tiểu học đã có số lớp vượt quá 30 lớp. Hơn nữa, quy định trường Tiểu học đạt phải có phòng Tin học đáp ứng yêu cầu dạy và học. Với các trường học ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, đó là những vùng rất khó có thể đảm bảo điều này.
Một thực tế, việc xây dựng trường chuẩn chủ yếu phụ thuộc vào nguồn lực của ngân sách địa phương và tại các cơ sở. Tuy nhiên, với những trường học ở miền núi, vùng sâu, vùng xa việc huy động vốn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, việc vận động xã hội hóa hầu như không thực hiện được hoặc là rất ít.
Thiết nghĩ, để thực hiện hiệu quả việc xây dựng trường chuẩn quốc gia, các cấp, ban, ngành, địa phương cũng như nhân dân và cộng đồng xã hội cần tiếp tục quan tâm tạo điều kiện đầu tư, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học, bảo đảm tiêu chí trường chuẩn quốc gia, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH.
.