Thứ Hai, 02/11/2020, 09:11 [GMT+7]

10 năm thực hiện Đề án củng cố và phát triển hệ thống trường PT DTNT: Chuyển biến tích cực

(Congannghean.vn)-Sau 10 năm thực hiện Đề án củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú (PT DTNT), Đề án đã và đang phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực đã đạt được thì trong thời gian tới, mô hình trường PT DTNT cũng cần thay đổi để khắc phục một số hạn chế nhằm đáp ứng tình hình thực tiễn.
Qua các năm học, chất lượng giáo dục đạo đức, giáo dục văn hóa, chất lượng đào tạo toàn diện của các trường PT DTNT ngày càng được nâng lên
Qua các năm học, chất lượng giáo dục đạo đức, giáo dục văn hóa, chất lượng đào tạo toàn diện của các trường PT DTNT ngày càng được nâng lên
 
Trường PT DTNT là loại hình trường công lập, chuyên biệt trong hệ thống giáo dục quốc dân. Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1640/QĐ-TTg phê duyệt Đề án củng cố và phát triển hệ thống trường PT DTNT. Trường dành cho thanh, thiếu niên các dân tộc thiểu số với mục tiêu củng cố, phát triển hệ thống trường PT DTNT đảm bảo các điều kiện giáo dục đặc thù và thực hiện tốt nhiệm vụ tạo nguồn đào tạo cán bộ cho các dân tộc thiểu số. Trường PT DTNT có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng - an ninh ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi. 
 
Tại Nghệ An, việc triển khai đề án được thực hiện theo 2 giai đoạn 2011 - 2015, 2016 - 2020. Qua 10 năm triển khai, toàn tỉnh từ 1 trường đã phát triển thành 8 trường PT DTNT với 105 lớp học và 2.774 học sinh (gồm 2 trường THPT và 6 trường THCS ở các huyện Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Hợp, Quế Phong, Quỳ Châu, Kỳ Sơn).  Trong đó có 2.671 em học sinh dân tộc thiểu số với 1.778 học sinh cấp THCS và 996 học sinh cấp THPT...
 
Việc triển khai mô hình PT DTNT đã đóng góp quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng dạy và học ở các nhà trường. Đặc biệt, mô hình đã đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân, tạo điều kiện để học sinh ở miền núi, vùng sâu, vùng xa được học và chăm sóc trong môi trường giáo dục toàn diện. Các nội dung giáo dục đặc thù về văn hóa dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống và hoạt động ngoài giờ lên lớp được tăng cường. Từ mô hình này đã có hàng nghìn học sinh tốt nghiệp và trúng tuyển vào các học viện, trường đại học, cao đẳng. Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn của các trường ngày càng được nâng cao, từng bước được khẳng định.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng giáo dục toàn diện ở các huyện miền núi tuy có nhiều chuyển biến nhưng chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; chất lượng giáo dục mũi nhọn chưa cao và thiếu tính bền vững; chất lượng giáo dục giữa các vùng chưa có sự đồng đều. Một số đơn vị cơ sở vật chất không đảm bảo (Trường PT DTNT THCS Con Cuông chưa được đầu tư, xây dựng). Việc giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng hòa nhập, bồi dưỡng, phát triển các năng lực chuyên biệt, ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc cho học sinh chưa được thường xuyên quan tâm thực hiện. Một bộ phận giáo viên năng lực còn hạn chế trong tổ chức các hoạt động giáo dục đặc thù, trong quản lý và đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với học sinh dân tộc thiểu số.
 
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án củng cố và phát triển hệ thống trường PT DTNT vừa qua, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành bày tỏ mong muốn bên cạnh sự nỗ lực của ngành Giáo dục thì rất cần UBND tỉnh, các bộ, ngành, hỗ trợ kinh phí để tiếp tục tăng cường cơ sở vất chất cho giáo dục miền núi. 
 
Bên cạnh đó, các trường học cần chủ động tìm các giải pháp tích cực, tăng cường các nguồn xã hội hóa để tập trung đầu tư sửa chữa, hoặc xây mới các công trình phục vụ cho dạy và học. Trong những năm tới, để nâng cao hiệu quả, Nghệ An tiếp tục rà soát, quy hoạch lại các trường PT DTNT phù hợp với điều kiện của vùng dân tộc thiểu số, nhu cầu tạo nguồn cán bộ và nguồn nhân lực. Chú trọng đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, phù hợp với đối tượng. Bên cạnh đó, ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các hạng mục được phê duyệt chưa hoàn thành, nhất là chú trọng vào những trường chưa được xây dựng, thiếu phòng học nội trú và cơ sở vật chất còn thiếu thốn.
 
Mặt khác, các thầy, cô giáo công tác trong các trường PT DTNT cần vừa có năng lực, vừa có phẩm chất tốt. Bởi, các thầy cô không chỉ dạy chữ mà còn phải dạy người, dạy đạo đức lối sống cho học sinh dân tộc thiểu số. Bên cạnh giảng dạy chuyên môn còn phải có kỹ năng để giúp học sinh dân tộc thiểu số hòa nhập, tự lập và phát huy được các giá trị bản thân. 
.

THU THỦY

.