Thứ Ba, 20/10/2020, 07:52 [GMT+7]

Nâng cao công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học

(Congannghean.vn)-Có thể nói, bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) cho học sinh trong trường học luôn là vấn đề nóng được dư luận quan tâm, là mối lo chung của cơ quan chức năng, trường học cũng như toàn xã hội. Chú trọng công tác đảm bảo ATTP không chỉ giúp học sinh có sức khỏe tốt mà còn bảo đảm môi trường giáo dục an toàn để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. 

Tăng cường đảm bảo ATTP cho học sinh là góp phần giúp các em                                 có sức khỏe tốt để học tập và phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ
Tăng cường đảm bảo ATTP cho học sinh là góp phần giúp các em có sức khỏe tốt để học tập và phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ
 
Tính đến thời điểm này, năm học mới 2020 - 2021 đã bắt đầu hơn 1 tháng, các nhà trường đã ổn định lịch học và đã tổ chức cho học sinh ăn bán trú. Tuy nhiên, tại một số trường học trên cả nước đã xảy ra việc trẻ nhập viện hàng loạt sau bữa ăn tại trường nghi do ngộ độc thực phẩm khiến dư luận hoang mang, lo lắng. Mới đây nhất, chỉ trong 3 ngày (9/9 và 12/9), tại 2 trường tiểu học (Tiểu học Lê Hữu Tựu, xã Nguyên Khê; Tiểu học Tiên Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, TP Hà Nội), hàng loạt học sinh liên tiếp phải nhập viện do nghi ngộ độc thực phẩm. Trước đó, 98 em học sinh ở Trường Tiểu học Bình Trưng Đông (TP Hồ Chí Minh) có biểu hiện bất thường, 20 em đã nhập viện, nghi do ngộ độc bữa ăn ở trường. Tuy đến thời điểm này, những sự cố trên đến nay chưa có kết luận nguyên nhân chính thức nhưng hơn bao giờ hết, câu chuyện VSATTP trong trường học luôn là nỗi lo thường trực của các bậc phụ huynh. 
 
Tại Nghệ An, tính đến thời điểm này, năm học mới 2020 - 2021 chưa ghi nhận trường hợp học sinh nào bị ngộ độc thực phẩm ở trường. Tuy nhiên, không phải vì thế mà lơ là, chủ quan. Xác định rõ vai trò đảm bảo ATTP, thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) luôn chú trọng, quan tâm sát sao trong công tác chỉ đạo các đơn vị trường học tăng cường biện pháp nhằm bảo đảm VSATTP tại các cơ sở giáo dục, nhất là các trường có tổ chức nấu ăn bán trú.
 
Cụ thể, các đơn vị cần thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật An toàn thực phẩm, Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP, Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/5/2016 của Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế quy định về công tác y tế trường học, Chỉ thị số 4316/CT-BGDĐT ngày 12/10/2018 của Bộ trưởng Bộ GD&DT về tăng cường công tác bảo đảm ATTP trong các cơ sở giáo dục và các văn bản hiện hành của Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế về bảo đảm vệ sinh, ATTP.
 
Bên cạnh đó cũng phải tăng cường vệ sinh trường học để phòng, chống các bệnh truyền nhiễm; chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh trong trường học. Kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu: Chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thức ăn theo đúng quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của ngành Giáo dục và ngành Y tế, huy động sự tham gia của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong việc giám sát công tác vệ sinh trường học, ATTP tại các cơ sở giáo dục; phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm về ATTP, điều kiện vệ sinh trong trường học, nhằm đảm bảo sức khỏe cho trẻ em, học sinh.
 
Các đơn vị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức ATTP và các biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm, dịch bệnh truyền qua thực phẩm trong các trường học. Cùng với đó là trách nhiệm và sự chung tay đẩy lùi thực phẩm “bẩn” của cả cộng đồng xã hội. Nhà trường tăng cường phối hợp chặt chẽ với gia đình, chính quyền địa phương trong việc giáo dục, hướng dẫn trẻ em, học sinh thực hiện các quy định về ATTP, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường; lựa chọn nguồn thực phẩm an toàn, chế biến món ăn đảm bảo và xây dựng khẩu phần ăn hợp lý, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý phù hợp. 
.

THU THỦY

.