Thứ Ba, 13/10/2020, 08:05 [GMT+7]

Nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ

(Congannghean.vn)-Nhiều trung tâm ngoại ngữ mọc lên, cùng với đó số lượng học viên tham gia theo học đông; đồng thời, triển khai và nhân rộng chương trình tiếng Anh tăng cường vào trường học... Đó là những kết quả mà Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An nêu ra tại Hội nghị tổng kết công tác đào tạo ngoại ngữ năm học 2019 - 2020 tổ chức mới đây.
Nhu cầu học ngoại ngữ ngày càng tăng cao
Nhu cầu học ngoại ngữ ngày càng tăng cao
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 142 trung tâm ngoại ngữ và 26 địa điểm đào tạo ngoại ngữ, phân bố ở 20 huyện, thành, thị, trong đó tập trung chủ yếu ở TP Vinh và các huyện, thị xã có điều kiện như Cửa Lò, Diễn Châu, Thái Hòa, Hoàng Mai... Hầu hết các đơn vị hoạt động có hiệu quả, chấp hành nghiêm túc các quy định về nội dung, chương trình đào tạo, hồ sơ tổ chức và dạy học, điển hình như: Trung tâm Anh ngữ AMA Vinh, Trung tâm Anh ngữ Asem Việt Nam, Trung tâm Anh ngữ Neoling, Trung tâm Anh ngữ Cleverleanr Nghệ An...
 
Nhiều trung tâm được mở, số lượng học viên tham gia theo học ngày càng đông. Từ 1/1/2019 đến nay, đã tổ chức được 7.019 lớp với 81.921 học viên, trong đó tập trung đông nhất là tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Nhật... Tất cả các trung tâm đã được cấp phép đào tạo có cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu để tổ chức giảng dạy, hoạt động. Theo đó, có văn bản chứng minh về quyền sở hữu (hoặc hợp đồng thuê) đất, nhà, nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động. Khuôn viên khá rộng rãi, phòng học, phòng chức năng phù hợp, đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo như đảm bảo về ánh sáng, bàn ghế, bảng và trang thiết bị dạy và học theo yêu cầu của chương trình; diện tích phòng học đạt chuẩn, có phòng máy tính, có phòng học tiếng, phòng thực hành, thiết bị dạy học phù hợp với chương trình đào tạo, bồi dưỡng đã đăng ký. Ngoài ra, công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học viên được quan tâm đúng mức. Các trung tâm được trang bị các thiết bị phòng cháy, chữa cháy, lối thoát hiểm; việc phối hợp với các đơn vị có chức năng, thẩm quyền tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên, học viên khi có sự cố bất thường xảy ra. 
 
Về chương trình đào tạo, cơ bản thực hiện nghiêm túc nội dung, chương trình, giáo trình dạy học theo đúng quy định. Tài liệu đa dạng, mang tính linh hoạt cao, phù hợp với năng lực, lứa tuổi và nhu cầu người học. Giáo viên giảng dạy là những người đạt chuẩn đào tạo, có năng lực chuyên môn và phương pháp giảng dạy. Trong các trung tâm ngoại ngữ hiện tại có 1.116 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó có 663 giáo viên (60 giáo viên nước ngoài giảng dạy trong 23 trung tâm). Các đơn vị cũng đã tạo điều kiện để giáo viên tham gia các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và phương pháp giảng dạy.
 
Để nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên, các trung tâm tổ chức nhiều hoạt động như: Thi giáo viên dạy giỏi (Asem Việt Nam); dự giờ thăm lớp; tập huấn, hội thảo chuyên môn... Nhiều trung tâm quan tâm đến việc cử, yêu cầu giáo viên tham gia các khóa đào tạo lấy chứng chỉ theo quy định của Đề án ngoại ngữ 2020. Đa số đơn vị đã tuyển chọn giáo viên nước ngoài có trình độ, năng lực; nhiều giáo viên đến từ các nước nói tiếng Anh chuẩn (Anh, Mỹ, Úc, Philipine) góp phần nâng cao năng lực nghe và giao tiếp cho học viên. 
 
Một trong những kết quả nhận thấy rõ nét trong thời gian qua, đó là một số trường học trên địa bàn đã tổ chức triển khai tăng cường tiếng Anh. Đặc biệt, năm học này chương trình được triển khai khá rộng rãi tại nhiều trường học trên địa bàn TP Vinh, huyện Đô Lương và một số địa phương. Theo đó, các trường học liên kết với các trung tâm ngoại ngữ để tổ chức dạy học cho những học sinh có nhu cầu ngoài giờ chính khóa. Về phía trung tâm cũng có cam kết đầu ra theo các mức của khung năng lực ngoại ngữ quốc tế.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, còn tồn tại những khó khăn, hạn chế, như hiện nay, huyện Quỳ Hợp và huyện Con Cuông chưa có trung tâm ngoại ngữ tư thục, TTGDNN-GDTX cho nên hai huyện này không tổ chức được các lớp ngoại ngữ đáp ứng nhu cầu người học; một số huyện đã có trung tâm ngoại ngữ tư thục nhưng quy mô và khả năng đáp ứng nhu cầu người học còn hạn chế (như huyện Tân Kỳ, Anh Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu...). Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở một số đơn vị chưa mang tính chiến lược lâu dài, chưa đáp ứng được sự đa dạng hoá người học hiện tại. Việc trang trí phòng học ở một số đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, chưa tạo được sức thu hút ban đầu đối với người học. Nhiều trung tâm, cơ sở thuê nhà ở hoặc công trình xây dựng trên đất để cải tạo thành trung tâm nên khuôn viên và môi trường sư phạm chưa thật sự phù hợp. Một số đơn vị quản lý chưa nghiêm việc thực hiện chương trình của giáo viên; sinh hoạt chuyên môn còn ít, giáo viên lên lớp chuẩn bị bài không kỹ, không bám sát chương trình đã được quy định; một số đơn vị sử dụng giáo viên không đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn, đặc biệt là giáo viên người nước ngoài...
 
Để nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ, hàng năm, Sở GD&ĐT thành lập Đoàn công tác, thường xuyên tổ chức thanh, kiểm tra hoạt động các trung tâm, cơ sở dạy ngoại ngữ trên địa bàn. Thời gian tới, ngành Giáo dục tiếp tục tập trung tăng cường quản lý Nhà nước đối với các trung tâm ngoại ngữ theo hướng công khai thông tin và năng lực trên website của Sở và các phương tiện thông tin đại chúng để người dân và các cơ sở giáo dục lựa chọn, giám sát. Hoàn thiện hướng dẫn và ổn định công tác tổ chức; phấn đấu để tất cả các huyện/thành/thị trên địa bàn toàn tỉnh đều có trung tâm ngoại ngữ đảm bảo về quy mô và chất lượng đáp ứng nhu cầu người học. Nâng cao năng lực quản lý, quản trị cho cán bộ quản lý các trung tâm ngoại ngữ, tin học thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng. 
 
Đổi mới công tác tổ chức, hoạt động tại các trung tâm ngoại ngữ để đáp ứng tốt hơn công tác dạy và học: Xây dựng quy chế, quy định phù hợp để tổ chức hoạt động; đầu tư cơ sở vật chất theo hướng hiện đại; tăng cường năng lực và cập nhật các thông tin mới của ngành cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; chú ý đến các quyền lợi của giáo viên, nhân viên và học viên. Phối hợp với các sở, ngành có liên quan để tăng cường quản lý Nhà nước một cách toàn diện đối với các trung tâm ngoại ngữ (chương trình giảng dạy; đội ngũ, đặc biệt là giáo viên nước ngoài; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, các điều kiện đảm bảo an toàn cho công tác dạy học; chuẩn đầu ra cho người học...); đánh giá hoạt động hàng năm để đề xuất các danh hiệu thi đua, khen thưởng.
.

Phan Tuyết

.