Thứ Hai, 28/09/2020, 16:32 [GMT+7]

Nghệ An với những giải pháp đột phá để nâng chất lượng dạy và học ngoại ngữ

Trao đổi với báo chí trong dịp gần  cuối năm học 2019 - 2020, GS-TS -NGƯT  Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết: Ngay tới đây ngành Giáo dục và Đào tạo Nghệ An sẽ có những giải pháp quyết liệt để nâng chất lượng dạy học môn Ngoại ngữ. Cụ thể là Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tiến hành đồng bộ các chủ trương, giải pháp  để yêu cầu người dạy phải đạt chuẩn quốc tế khi tham gia giảng dạy môn Ngoại ngữ ở phổ thông và  giảng dạy ngoại ngữ trong các trường trung cấp, cao đẳng, đại học đóng trên địa bàn Nghệ An, để đạt hiệu quả là sau khi học xong tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung cấp, cao đẳng, đại học  học sinh, sinh viên đều phải đạt  kết quả học tập  theo chuẩn quốc tế  về trình độ ngoại ngữ ở mỗi cấp học. 

GS-TS -NGƯT  Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An tặng hoa chúc mừng học sinh đạt giải cao trong kỳ thi cấp Quốc  tế
GS-TS -NGƯT Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An tặng hoa chúc mừng học sinh đạt giải cao trong kỳ thi Quốc tế - Ảnh: Nghean.edu.vn
Để đạt mong muốn  trên  của ngành, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu giáo viên, giảng viên giảng dạy môn Ngoại ngữ phải  nâng cao ý thức trách nhiệm, nỗ lực tự bồi dưỡng và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ  để đạt chuẩn quốc tế khi tham gia giảng dạy (trước hết là Tiếng Anh). Tỉnh Nghệ An sẽ mời gọi một tổ chức kiểm định chất lượng ngoại ngữ quốc tế vào đặt trụ sở tại Nghệ An để đảm nhận việc kiểm định chất lượng dạy học môn Tiếng Anh cho giáo viên, giảng viên và học sinh, sinh viên các trường học của Nghệ An và khu vực miền Trung.
 
Để được bố trí giảng dạy môn Tiếng Anh, đến một thời điểm nào đó các giáo viên phải được cơ quan kiểm định quốc tế công nhận đạt chuẩn quốc tế. Giáo viên nào chưa đủ điều kiện dạy ngoại ngữ đạt chuẩn quốc tế sẽ tiếp tục được bồi dưỡng đến khi nào đủ năng lực giảng dạy bộ môn Tiếng Anh đạt chuẩn quốc tế mới tiếp tục được bố trí giảng dạy.
 
Kết quả học tập môn Tiếng Anh của học sinh sau mỗi cấp học sẽ được cơ quan quan kiểm định  quốc tế đóng ở Nghệ An tiến hành kiểm tra, đánh gíá  một cách độc lập,  thay  thế cách kiểm tra đánh giá của giáo viên bộ môn  như lâu nay.
 
Số giáo viên ngoại ngữ khi được cơ quan kiểm định chất lượng quốc tế rà soát kiểm tra, đánh giá nếu chưa đủ năng lực để dạy học giúp học sinh sau mỗi cấp học đạt chuẩn năng lực quốc tế không bị lọai bỏ ra khỏi ngành mà vẫn được tạo điều kiện học tập, bồi dưỡng thêm về chuyên môn nghiệp vụ đến khi đủ năng lực dạy học đáp ứng  chuẩn quốc tế thì sẽ được tiếp tục bố trí dạy học. Ngành Giáo dục và Đào tạo Nghệ An không  đưa ra mục tiêu loại bỏ giáo viên ngoại ngữ khi giáo viên tham gia kiểm định chất lượng  lần đầu bởi một cơ quan kiểm định chất lượng dạy học quốc tế  mà chưa đạt kết quả.
 
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cũng mong muốn các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương trên địa bàn Nghệ An hiểu đúng chủ trương của ngành và ủng hộ ngành Giáo dục và Đào tạo Nghệ An triển khai các giải pháp cơ bản  nói trên để thực sự nâng chất lượng dạy học  trong thời gian tới  đối với bộ môn Ngoại ngữ ở Nghệ An. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nếu thực hiện chủ trương kiểm định chất lượng giáo viên  và học sinh  theo chuẩn quốc tế cho chỉ riêng tiếng Anh,  thì sắp tới sẽ có trên 3.200 giáo viên tiếng Anh sẽ lần lượt được tiến hành kiểm định. Ngoài ra, hàng trăm giáo viên  thuộc  các ngoại ngữ  khác  như tiếng Pháp, Hàn, Nhật cũng sẽ được kiểm định theo chuẩn quốc tế. Hàng chục nghìn học sinh từ lớp 3 đến đại học ở Nghệ An sẽ  lần lượt được kiểm định đánh giá kết quả học tập cuối cấp học, bậc học theo chuẩn quốc tế.

 
Với quyết tâm cao như trên, để nâng chất lượng dạy học bộ môn ngoại ngữ, ngày 23/6/2020  Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã trình Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An phê duyệt đề án “ Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020 - 2025 định hướng đến năm 2030. Đề án đã được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận. Ngày 23/7/2020 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, ông Bùi Đình Long đã ký Quyết định số 2445/QĐ- UBND ban hành đề án nói trên. 
 
Mục tiêu, kết quả phải đạt được và những giải pháp chủ yếu của đề án nói trên đến năm 2025 được xác định như sau:
 
Mục tiêu chung
 
Tạo bước đột phá về chất lượng dạy và học ngoại ngữ cho các cấp học và trình độ đào tạo; xây dựng môi trường dạy học và sử dụng ngoại ngữ trên địa bàn; từng bước nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên theo chuẩn quốc tế đối với các cấp học phổ thông và ngành đào tạo, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập quốc tế. 
 
Mục tiêu cụ thể
 
a) Đối với giáo dục mầm non
- Năm 2020, thống nhất, đồng bộ về chương trình và học liệu làm quen với ngoại ngữ cho trẻ mầm non theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
 - Đến năm 2025, 70% cơ sở giáo dục mầm non có đủ điều kiện triển khai chương trình làm quen với ngoại ngữ cho trẻ mẫu giáo.
 
b) Đối với giáo dục phổ thông
- Đến năm 2025, 100% trường tiểu học có đủ điều kiện triển khai chương trình ngoại ngữ tự chọn cho học sinh lớp 1 và lớp 2;
 
- 100% các trường phổ thông đủ điều kiện để triển khai thực hiện Chương trình tiếng Anh 10 năm theo lộ trình triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018;
 
- Đến năm 2025, có 50% trường phổ thông đủ điều kiện để triển khai thực hiện chương trình tăng cường tiếng Anh đáp ứng nhu cầu của học sinh, phụ huynh;
 
- Đến năm 2025, có ít nhất 20% học sinh lớp 5, 9 và 12 đạt được các chứng chỉ năng lực ngoại ngữ quốc tế sau khi tốt nghiệp từng cấp học (A1 đối với lớp 5, A2 đối với lớp 9, B1 đối với lớp 12). 
 
c) Đối với GDNN - GDTX và giáo dục đại học
Phấn đấu đến năm 2025:
 
- 50% các cơ sở GDNN - GDTX trên địa bàn triển khai chương trình ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra của ngành, nghề đào tạo.
 
- 100 % sinh viên các trường cao đẳng, đại học đạt chuẩn đầu ra theo quy định. Trong đó có 20% đạt chuẩn quốc tế về năng lực ngoại ngữ tương ứng với ngành đào tạo. 
 
Để thực hiện  những mục tiêu nói trên, đề án đã đưa ra 6 nhóm giải pháp và nhiệm vụ cần tiến hành để đạt mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể. Các nhóm nhiệm vụ và giải pháp được tóm lược như sau: 
 
1. Đẩy mạnh công tác truyền thông; tạo môi trường thuận lợi; ban hành cơ chế, chính sách để thúc đẩy việc dạy và học ngoại ngữ
 
2. Triển khai việc dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục theo chuẩn đầu ra của cấp, bậc học, ngành, nghề đào tạo; từng bước nâng cao chất lượng theo chuẩn quốc tế
 Triển khai việc dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục theo chuẩn đầu ra của giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học:
Đa dạng hóa các chương trình đào tạo ngoại ngữ, từng bước nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục tiếp cận chuẩn quốc tế
 
3. Phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng
 
Tổ chức điều tra, khảo sát đánh giá năng lực ngoại ngữ, tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng của đội ngũ giáo viên ngoại ngữ  để xây dựng kế hoạch, xác định chương trình bồi dưỡng thích hợp cho từng nhóm đối tượng giáo viên.
 
Tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ, năng lực sư phạm cho giáo viên ngoại ngữ, giáo viên các môn học khác và môn chuyên ngành bằng ngoại ngữ.
 Căn cứ nhu cầu của từng năm học, ưu tiên bố trí đủ giáo viên ngoại ngữ đạt chuẩn tại các cơ sở giáo dục để triển khai dạy học ngoại ngữ trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo đúng lộ trình triển khai của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
 
4. Tăng cường cơ sở vật chất phục vụ dạy và học ngoại ngữ theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin
 
5. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, xã hội hóa trong dạy và học ngoại ngữ
 
a) Ký kết hợp tác với các đơn vị hay tổ chức đào tạo, khảo thí ngoại ngữ quốc tế có uy tín. Khuyến khích, xây dựng cơ chế để các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh ký kết hợp tác với các đơn vị, tổ chức quốc tế trong dạy và học ngoại ngữ chất lượng cao.
 
b) Đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực trong xã hội và quốc tế đầu tư cho việc  dạy và học ngoại ngữ:
 
- Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch hợp tác với các trung tâm ngoại ngữ đủ điều kiện, thu hút giáo viên nước ngoài có trình độ tham gia giảng dạy, đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập của cơ sở giáo dục, trên cơ sở thỏa thuận tự nguyện của học sinh và phụ huynh.
 
- Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức giáo dục trong nước và ngoài nước liên kết hỗ trợ công tác tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; tăng cường cơ sở vật chất, xây dựng các phần mềm học tập, kiểm tra, đánh giá online.
 
- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hỗ trợ, hợp tác, đầu tư, cung cấp các dịch vụ dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là các chương trình dạy và học ngoại ngữ theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin.
 
- Khuyến khích và phát huy cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục và đào tạo trong việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ.
 
- Tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng, phát huy vai trò của các trung tâm ngoại ngữ.
 
6. Nâng cao hiệu quả quản lý, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp quản lý về việc triển khai dạy và học ngoại ngữ. 
.

Nguyễn Đình Anh

.