Thứ Tư, 23/09/2020, 08:41 [GMT+7]

Giáo viên lên rẫy vận động học sinh trở lại trường học

(Congannghean.vn)-Ngoài công tác giảng dạy, thời gian này, tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, các giáo viên vùng cao phải vượt qua bao nhiêu đồi núi, thác ghềnh, vào từng bản làng, vận động bà con dân bản cho con em đến trường.
Cô giáo Lữ Thị Sen, giáo viên Trường THCS Châu Cam, huyện Con Cuông vào tận bản làng, nhà dân vận động                phụ huynh cho con đến trường
Cô giáo Lữ Thị Sen, giáo viên Trường THCS Châu Cam, huyện Con Cuông vào tận bản làng, nhà dân vận động phụ huynh cho con đến trường
Năm học mới đã bước sang tuần thứ ba, thế nhưng tại nhiều trường học ở các huyện miền núi, học sinh đến lớp học vẫn chưa đầy đủ. Nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các em được cắp sách đến trường, Ban giám hiệu nhà trường đã phải cử giáo viên chủ nhiệm vào tận các bản làng vận động con em, mặc dù điều kiện đi lại hết sức khó khăn, vất vả. 
 
Trường THCS Châu Cam đóng trên địa bàn xã Châu Khê, huyện Con Cuông đến thời điểm này vẫn còn có 15 em học sinh chưa đến trường, trong đó chủ yếu là con em dân tộc Đan Lai ở hai bản Khe Bu và Khe Nóng. Từ trường vào hai bản này khoảng 20 - 30 km. Để vận động con em đến lớp, các giáo viên phải di chuyển bằng xe máy, đường đi nhiều đoạn gập ghềnh, phần lớn đường chỉ là lối mòn, qua suối nhiều lần.
 
Cùng với sự hỗ trợ của các chiến sĩ Trạm Biên phòng Khe Nóng, các thầy cô đã vào đến tận bản, ngặt một nỗi những gia đình này lại lên nương làm rẫy cả ngày. Cô giáo Lữ Thị Sen, chủ nhiệm lớp 7A1 cho biết: Thường vào thời điểm này, học sinh theo gia đình lên nương rẫy thu hoạch lúa nên để gặp được các bậc phụ huynh, các thầy cô phải di chuyển thêm một đoạn đường nữa. Chưa kể, đường lên rẫy thường nhiều con dốc và khe suối, các giáo viên phải chọn cách là đi bộ giữa trời nắng gắt.
 
Em La Thị Vũ là một trong những trường hợp như thế. Vì điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ Vũ không muốn cho con tiếp tục đến lớp. Vũ phải ở nhà phụ giúp bố mẹ lên nương làm rẫy, hái măng. Ra đến rẫy, cô Sen gặp chị La Thị Hòe - mẹ Vũ. Lúc đầu, chị Hòe từ chối vì hoàn cảnh khó khăn, nhưng rồi được cô giáo thuyết phục và cho biết, đến lớp sẽ có nhà bán trú và Nhà nước hỗ trợ tiền ăn, chị Hòe đồng ý để con đến trường.
Tại xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương, một số đồng bào người Mông vẫn còn giữ tập quán du canh, du cư cho nên đã làm ảnh hưởng đến việc học hành của chính con em họ. Nhà ở bản Huồi Măn nhưng vì cuộc sống mưu sinh, anh Vừ Bá Vừ phải dắt díu vợ con đi cả ngày đường bộ sang vùng Con Toọc sinh sống để tiện cho việc làm rẫy.
 
Do vậy, đứa con trai của anh năm nay sang tuổi thứ 5 đành phải đi cùng bố mẹ lên rẫy, không thể về bản theo học mẫu giáo. Nắm được hoàn cảnh của anh Vừ, các cô giáo tại Trường Mầm non Nhôn Mai đã không quản ngại khó khăn, băng rừng, leo dốc đến vận động vợ chồng anh Vừ cho con đến học tại điểm trường bản Piêng Luống cách đó mấy cánh rừng. Tại đây, con anh Vừ sẽ được ở cùng với cô giáo Lô Thị Hương, người phụ trách điểm trường Piêng Luống. Cuối tuần, bố mẹ sẽ đến đón về. Lúc đầu, anh Vừ còn dè dặt, bởi công việc bận rộn, không phải cuối tuần nào anh cũng có thể sắp xếp đón con về rồi lại chở con đi. Hơn nữa, cũng vì ngại làm phiền tới các cô giáo. Nhưng rồi, với sự nhiệt tình và tận tâm, những cô giáo nơi đây đã thuyết phục được vợ chồng anh Vừ cho con đi học.
 
Có thể thấy rằng, những năm qua, công tác vận động học sinh đến trường tại các trường học ở miền biên viễn được triển khai vô cùng hiệu quả. Vượt qua những khó khăn, cách trở về đường sá, với trái tim nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm và tình yêu con trẻ, những giáo viên nơi đây đã nhận được sự cảm mến và tin yêu của các bậc phụ huynh cũng như các em học sinh. Chia sẻ với chúng tôi, cô giáo Vi Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nhôn Mai cho biết, niềm vui như được nhân lên mỗi lần chúng tôi thuyết phục được các bậc phụ huynh cho con em đến lớp. Thời gian tới, nhà trường sẽ phối hợp với các cấp, ban, ngành, đoàn thể cố gắng vận động phụ huynh cho con đến lớp đồng thời tạo mọi điều kiện tốt nhất để “mỗi ngày đến trường là một niềm vui”.
.
Phan Tuyết
.