Thứ Năm, 17/09/2020, 08:12 [GMT+7]

Tăng cường các giải pháp khắc phục tình trạng học sinh bỏ học sau hè

(Congannghean.vn)-Nỗi lo học sinh bỏ học sau dịp nghỉ hè, nghỉ tết, đó là tâm trạng chung của ngành Giáo dục. Nếu như những năm học trước, tại các trường học ở miền núi, tình trạng học sinh bỏ học rất nhiều thì năm học này, với những giải pháp quyết liệt, đồng bộ, ngành Giáo dục Nghệ An đã phần nào khắc phục được những tồn tại nói trên. 
Tạo điều kiện tốt nhất để các em được cắp sách đến trường (Trong ảnh: Báo Công an Nghệ An trao quà cho học sinh  ở Trường PTDTBT Tiểu học Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn  tại chương trình “Tiếp sức đến trường” lần thứ 5)
Tạo điều kiện tốt nhất để các em được cắp sách đến trường (Trong ảnh: Báo Công an Nghệ An trao quà cho học sinh ở Trường PTDTBT Tiểu học Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn tại chương trình “Tiếp sức đến trường” lần thứ 5)
Gia đình hoàn cảnh khó khăn, theo người thân đi làm ăn xa rồi lấy chồng, lấy vợ..., đó là những nguyên nhân dẫn đến bỏ học sau mỗi dịp nghỉ hè, nghỉ tết. Mặc dù không còn là vấn đề mới mẻ, nhưng tình trạng học sinh bỏ học  gây lo lắng trong xã hội. 
 
Năm học 2020 - 2021, tại huyện Kỳ Sơn, trong ngày đầu khai giảng năm học mới, theo số liệu các trường báo cáo về Phòng GD&ĐT có 7 học sinh chưa đến lớp. Thầy Phan Văn Thiết, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn cho biết, so với mọi năm thì năm nay số lượng học sinh bỏ học sau dịp nghỉ hè giảm rất nhiều. Với 7 em học sinh này, hiện tại chúng tôi vẫn chưa nắm được cụ thể nguyên nhân các em nghỉ vì lý do gì nên cũng chưa khẳng định được các em đã bỏ học hay không? 
 
Theo thầy Thiết, những năm trước, tại địa bàn huyện Kỳ Sơn, tình trạng học sinh bỏ học khá nhiều, điều này xuất phát từ việc gia đình hoàn cảnh khó khăn, các em phải nghỉ học để phụ giúp bố mẹ; một số địa phương miền núi chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai lũ lụt, địa bàn cách trở, cho nên việc vận động con em ra lớp còn hạn chế. Bên cạnh đó, những hủ tục như nạn tảo hôn vẫn tồn tại ở một bộ phận người dân khiến cho các em đang ở độ tuổi đi học lấy chồng, lấy vợ rất sớm...
 
Năm học này, trước ngày tựu trường khoảng 1 tháng, Phòng đã chỉ đạo các trường học phối hợp với các tổ chức, đoàn thể đến tận nhà vận động các bậc phụ huynh để con em trở lại trường học. Với những em học sinh ở xa, các trường học tổ chức bán trú đầy đủ, để các em ổn định ở lại trường. Những trường hợp như bố mẹ để con đi làm ăn xa, nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nhận thức được việc học quan trọng như thế nào. Bởi chỉ có tri thức thì khi ra ngoài xã hội các em mới đỡ va vấp và tự bảo vệ mình trước những cạm bẫy. Thực tế, việc tuyên truyền trong thời gian qua cực kỳ hiệu quả tại địa bàn huyện Kỳ Sơn.
 
Tại huyện Tương Dương, sau kỳ nghỉ hè vừa rồi, UBND huyện, Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo quyết liệt các trường, phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã vận động các em trở lại trường. Thầy Kha Văn Lập, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tương Dương cho biết, năm học trước có khoảng hơn 40 học sinh THCS bỏ học. Năm học này, chưa có thống kê cụ thể, nhưng tỉ lệ học sinh đến lớp nhiều hơn. Đối với học sinh THPT chúng tôi chưa nắm được số lượng học sinh đến trường, mặc dù danh sách tuyển sinh đã có. Bởi đến thời điểm hiện tại, một số học sinh chuyển đến các trường khác như Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, các trường nghề...
 
Hôm diễn ra khai giảng, tại các điểm trường vẫn còn lác đác một số em chưa quay lại trường do hoàn cảnh khó khăn, thời điểm bước vào năm học mới lại đúng vào mùa thu hoạch, các em ở nhà phụ giúp cha mẹ thu hoạch mùa màng nên gián đoạn việc học. Ngành Giáo dục huyện Tương Dương đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã chủ động thành lập các ban vận động ở các xã, nắm từng hộ gia đình để vận động các em ra lớp. Những trường hợp nào khó khăn, ban vận động kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ điều kiện vật chất như đồ dùng học tập, trang bị xe đạp... để các em được cắp sách đến trường. Phòng cũng chỉ đạo các nhà trường tạo điều kiện tốt nhất, nhất là chế độ cho các em được thụ hưởng. Cụ thể, với học sinh THCS khi đến lớp, thực hiện ngay bữa ăn bán trú để giữ các em ở lại trường. Với các em đầu cấp mới vào trường, sẽ không tránh khỏi hụt hẫng, nhớ nhà, cho nên, nhà trường tổ chức bán trú, nội trú với nhiều hoạt động để các em hòa nhập, vơi đi nỗi nhớ nhà...
 
Được biết, vào năm học mới, Sở GD&ĐT Nghệ An cũng đã có văn bản yêu cầu các phòng giáo dục thống kê và các trường học điều tra số lượng học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trực tiếp làm việc với chính quyền địa phương, tổ chức xã hội, hỗ trợ động viên, “tiếp sức đến trường” cho các em, tuyệt đối không để các em bỏ học giữa chừng. Đồng thời, các thầy, cô giáo phối hợp với các cấp, ban, ngành làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu được muốn thoát nghèo thì cần phải có cái chữ, con em phải được đến trường...
.

Phan Tuyết

.