Thứ Hai, 19/10/2020, 09:59 [GMT+7]

Năm học 2019-2020 với những bước phát triển mới của Giáo dục và Đào tạo Nghệ An

(Congannghean.vn)-Ngành Giáo dục đã bước vào năm học mới được gần hai tháng nhưng những gì đã diễn ra trong năm học 2019-2020 vừa kết thúc vẫn mãi còn để lại những dư âm trong mỗi người làm giáo dục và quan tâm tới giáo dục như chúng ta.

Đây là một năm học có quá nhiều thách thức đối với ngành Giáo dục và Đào tạo cả nước nói chung và của Giáo dục và Đào tạo Nghệ An nói riêng. Mặc dù vậy, cán bộ quản lý các trường học và giáo viên, học sinh, phụ huynh ở Nghệ An đều cho rằng: Năm học 2019-2020 là năm học mà Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã thực sự tạo nên những bước chuyển biến mới đáng ghi nhận. Đó là những dấu hiệu đáng mừng của Giáo dục và Đào tạo Nghệ An. Có thể xem  năm học 2019-2020 là một năm học mở đầu  cho những thay đổi mới, mang tính tích cực của một giai đoạn phát triển mới của Giáo dục và Đào tạo của vùng đất có truyền thống hiếu học Nghệ An.

Sở GD và ĐT Nghệ An
Sở GD và ĐT Nghệ An
 

Điều làm cho nhiều cán bộ và giáo viên trong tỉnh khâm phục và có thiện cảm với Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đó là việc chỉ ngay sau một thời gian chưa lâu được tỉnh giao trọng trách đảm nhận nhiệm vụ Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, GS TS - NGƯT Thái Văn Thành đã cùng với Lãnh đạo Sở tiến hành một loạt công việc nhằm tháo gỡ khó khăn cho giáo dục các huyện miền núi. Biết được vị trí quan trọng của việc chăm lo cho giáo dục miền núi, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã tiến hành ngay cuộc đối thoại trực tiếp với hơn 300 cán bộ quản lý và giáo viên các huyện miền núi tuyến đường 48 gồm  các huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng và những ý kiến đóng góp của họ cho việc đề xuất những giải pháp để nâng chất lượng giáo dục miền núi. Việc làm đó thật sự là cần thiết  khi mà tỉnh Nghệ An có tới  10 huyện  trên  tổng số 21 huyện, thị, thành  thuộc địa bàn miền núi và núi cao. Sau các cuộc đối thoại đó, trên cơ sở nắm bắt thực tế và ý kiến của những người trực tiếp lao động trong ngành Giáo dục và Đào tạo; Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã chỉ đạo các phòng ban chức năng của Sở tham mưu nhiều chủ trương, giải pháp để từng bước góp phần phát triển giáo dục miền Tây Nghệ An, đặc biệt là vùng núi cao đang gặp nhiều khó khăn. Theo đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo, trong những tháng đầu năm học 2019-2020 vừa qua, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An đã lần lượt thông qua 3 nghị quyết liên quan về việc giải quyết chế độ chính sách cho cho giáo viên, học sinh miền núi và vùng núi cao đặc biệt khó khăn:

- Nghị quyết số 10/2019/NQ-HĐND ngày 12/7/2019 quy định chế độ hỗ trợ  nhân viên các trường dân tộc bán trú và phổ thông dân tộc bán  trú; định mức khoán kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

GS TS NGƯT Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD và ĐT Nghệ An
GS TS NGƯT Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD và ĐT Nghệ An

- Nghị quyết số 13/2019/NQ-HĐND ngày 25/9/2019 sửa đổi, bổ sung mục III khoản 1, Điều 2 của Nghị quyết số 53/2016/NQ-HĐND ngày 16/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An quy định về mức thu học phí trong các cơ sở giáo dục đào tạo công lập thuộc tỉnh Nghệ An quản lý từ học kỳ II năm học 2016-2017 đến năm học 2020-2021 (trong đó quan tâm tới việc giảm học phí cho học sinh thuộc địa bàn miền núi).

- Nghị quyết số 25/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 về việc định mức hỗ trợ thuê khoán người nấu ăn phục vụ bán trú tại các trường mầm non công lập thuộc xã khó khăn trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Tại một bối cảnh khác, trước tình trạng các trường CĐSP địa phương đang bước vào thời kỳ khó khăn nhất của lịch sử giáo dục nước nhà; trong dịp dự Hội thảo khoa học của Hiệp hội khối các trường cao đẳng sư phạm tổ chức trong khuôn khổ kỷ niệm 60 năm  thành lập Trường CĐSP Nghệ An; trả lời câu hỏi của một số giảng viên Trường CĐSP Nghệ An về trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc giải quyết khó khăn cho giáo viên các trường CĐSP điạ phương trong bối cảnh hiện nay. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, GS TS - NGƯT Thái Văn Thành thẳng thắn trả lời: Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An và tỉnh Nghệ An sẽ tạo mọi điều kiện để Trường CĐSP Nghệ An tiếp tục gánh vác những công việc của giáo dục và đào tạo tỉnh nhà. Trường CĐSP Nghệ An vẫn tồn tại độc lập không nhập vào một trường cao đẳng nào khác trong địa phương và cũng sẽ không sáp nhập vào Đại học Vinh như một số người đang nghĩ...

Ngoài việc chăm lo cho giáo dục vùng khó khăn và quan tâm giải quyết những khó khăn đang đặt ra của giáo dục tỉnh nhà, năm học này Nghệ An đã thực sự đưa ra những giải pháp để triển khai có hiệu quả Nghị quyết 29 của TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong một năm học với những khó khăn phức tạp do dịch Covid -19 gây ra nhưng Sở Giáo dục và Đào tạo đã trình và được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận ban hành văn bản cho phép Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai 7 quyết định, kế hoạch, chỉ thị các nhiệm vụ phát triển giáo dục trong năm học này. Trong đó có các kế hoạch để thực hiện 2 đề án quan trọng:

- Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 306/KH-UBND ngày 23/5/2019 để triển khai  thực hiện Đề án “Thí điểm xây dựng các trường trung học trọng điểm chất lượng cao”.  Đề án này đã được Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An trình Ủy ban  nhân dân tỉnh cách đây hai năm về trước nhưng mãi tới đầu năm học 2019-2020 này, với sự thuyết minh lý giải khá rõ ràng của  GS TS NGƯT Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo về mục tiêu của Đề án nên Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An mới quyết định cho triển khai. Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thì Đề án này sẽ góp phần có hiệu quả cho việc đáp ứng nhu cầu tối đa của người học, của phụ huynh học sinh, tạo tiền đề giúp học sinh sau này có đủ điều kiện để hội nhập quốc tế, để trở thành công dân toàn cầu:

“Đề án sẽ được triển khai từng bước và từng năm học một. Riêng năm học 2019-2020 này Đề án yêu cầu khi xây dựng “Chương trình nhà trường”, các trường phổ thông chất lượng cao phải hoàn thành việc xây dựng chuẩn đầu ra cho cả toàn khóa học từ năm 2019-2022; Chương trình  phải tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông mới; khuyến khích hợp tác, liên kết với các chương trình giáo dục tiên tiến của thế giới..., phát triển công dân toàn cầu, đào tạo đội ngũ và hình thành cơ chế tự chủ...

Thúc đẩy, tạo sự đồng thuận, vào cuộc và đồng hành của toàn xã hội, trong đó huy động tối đa các lực lượng chuyên gia, nhà giáo tâm huyết, người quản lý có trách nhiệm trong thực hiện các tiêu chí đã xác định trong kế hoạch".

Trong năm học này, tạo chuyển biến trong thực hiện 2 nội dung về dạy học ngoại ngữ và dạy học gắn với thực tiễn. Các năm học tiếp theo, các trường thí điểm chất lượng cao sẽ lựa chọn các chương trình giáo dục tiên tiến trong nước và của quốc tế được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép để đưa vào giảng dạy. Đó là: Chương trình giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống; Chương trình phát triển năng lực theo năng khiếu sở trường của học sinh; Chương trình tăng cường tin học, ngoại ngữ; Chương trình tch hợp Tiếng Anh với các môn khoa học; Chương trình song bằng...

Hiện nay Sở đã chỉ đạo 14 trường thí điểm chất lượng cao định hướng theo chuẩn quốc tế, chú trọng hợp tác xây dựng chương trình giáo dục tăng cường ngoại ngữ  và tin học, nghiên cứu mô hình kết hợp dạy học đồng bộ hai chương trình: Chương trình dạy học Việt Nam và Chương trình quốc tế. Khi dạy được 2 chương trình, Nghệ An sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đi du học và  công dân Nghệ An nhanh chóng trở thành công dân quốc tế.

- Gần cuối năm học này, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An theo đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo đã tiếp tục ban hành Quyết định số 2445/QĐ-UBND về việc triển khai Đề án “Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục và đào tạo ở Nghệ An giai đoạn 2020-2025, có tầm nhìn đến năm 2030”. Mục tiêu  chung của Đề án là “Tạo bước đột phá về chất lượng dạy và  học ngoại ngữ cho các cấp học và trình độ đào tạo; xây dựng môi trường dạy học và sử dụng ngoại ngữ  trên địa bàn; từng bước nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên theo chuẩn quốc tế đối với các cấp học phổ thông và ngành đào tạo, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh  của nguồn nhân lực  trong bối cảnh hội nhập quốc tế”.

Đề án lớn này sẽ góp phần giúp cho các trường thí điểm chất lượng cao có thêm thuận lợi trong việc thực hiện sứ mệnh giáo dục, tạo nguồn công dân toàn cầu và tạo một bước đột phá trong việc nâng chất lượng dạy - học ngoại ngữ đạt chuẩn quốc tế trong các cơ sở giáo dục và đào tạo trên đất Nghệ An. Góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Nghệ An để Nghệ An sớm có tiềm lực lớn trong việc hội nhập quốc tế sâu rộng.

Đặc biệt cuối năm học này, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trở lại trong cả nước nhưng Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An vẫn bình tĩnh, sáng suốt để đưa ra các phương án tối ưu tổ chức thành công 2 kỳ thi: kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 bậc THPT và kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, ngoài việc tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, nghiêm túc, công bằng, khách quan; Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo đã gây được một dấu mốc mới mang tính khoa học và thực tiễn cao, đáng ghi nhận trong việc chọn lựa các môn thi cho kỳ thi này. Những năm trước, nhiều tỉnh trong đó có Nghệ An đề thi tuyển sinh vào lớp 10 thường chọn các môn Toán, Ngữ văn và môn thứ 3 là môn tổ hợp (bao gồm môn Ngoại ngữ và có từ 2 đến 3 môn học khác), buộc học sinh với một thời gian rất ngắn phải ôn tập từ 4 đến 6 môn học để thi vào lớp 10.

Năm 2020 này, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ chọn 3 môn thi: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ. Các môn thi được công bố ngay từ đầu năm học cho nên kỳ thi đúng nghĩa là kỳ thi tuyển sinh. Giảm rất lớn áp lực về thi cử cho học sinh. Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay ở Nghệ An có 65 điểm thi với 35.000 học sinh dự thi. Còn kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Nghệ An năm nay đã được Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Công an tỉnh, Sở Y tế và Ủy ban nhân dân các huyện đã tổ chức một kỳ thi nghiêm túc, an toàn, bảo đảm công bằng, khách quan, đúng quy chế và phòng tránh tuyệt đối sự lây lan của dịch Covid-19. Kỳ thi năm nay đã diễn ra đúng theo lịch trình mà Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 ở Nghệ An có quy mô khá lớn, bố trí tại 61 điểm thi, với 1.406 phòng thi, đón  31.200 thí sinh  tới dự thi. Sở bố trí  3222 giám thị coi thi, Bộ và Sở cử 141 cán bộ làm nhiệm vụ thanh tra thi. Tổng số người được huy động làm nhiệm vụ thi (tính cả lực lượng Công an làm nhiệm vụ  bảo vệ kỳ thi, Y tế chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho thầy và trò trong kỳ thi) là  4.928 người.

Có một công việc mà năm nay Lãnh đạo Sở Giáo dục đã tiến hành mà người viết bài này không thể không nhắc tới. Đó là việc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã tổ chức ký kết quy chế phối hợp giữa Sở với Hội Cựu chiến binh, Tỉnh đoàn, Hội Phụ nữ, Hội Cựu giáo chức, Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Nghệ An, triển khai hiệu quả các hoạt động tư vấn tâm lý, bảo đảm an ninh, an toàn trường học. Góp phần phòng chống bạo lực học đường. Do vây trong năm học này, an ninh các trường học ở Nghệ An đã được bảo đảm.  

Chỉ điểm qua những công việc nổi bật như trên, chúng tôi khẳng định rằng: Ngoài việc thực thi các nhiệm vụ năm học 2019-2020 theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Tỉnh Nghệ An và ngành Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã hoàn thành thêm được rất nhiều công việc mang tính chất quyết định, góp phần cho thực hiện thành côngNghị quyết 29 của TW Đảng về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”.

Nếu cho phép xem công việc của ngành Giáo dục và Đào tạo như công việc trong một gia đình thì chúng ta dễ dàng nhận thấy: Trong năm học này người đứng đầu của Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã  thực sự chăm lo cho giáo dục và  đào tạo, đã tạo được uy tín cao, có sức lan tỏa khá sâu rộng trong toàn Ngành. Có như thế cho nên mọi chủ trương, công việc của Ngành đề ra, trong đó có những chủ trương, công việc rất mới mẻ và khó thực hiện và phải thực thi trong bối cảnh trong năm học này đất nước ta lại qua hai lần bùng phát dịch Covid-19 nhưng mọi chủ trương mới mà Lãnh đạo Ngành Giáo dục và Đào tạo đưa ra đều đã được sự đồng lòng đón nhận và thực thi của cán bộ và giáo viên trong toàn ngành, để các nhiệm vụ đều hoàn thành một cách tốt đẹp và suôn sẻ. Chúng tôi cho rằng năm học 2019-2020 ở Nghệ An là một năm học có ý nghĩa khá đặc biệt của công cuộc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Đúng như sự nhận xét của hầu hết cán bộ quản lý và giáo viên các trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An: “Năm học vừa qua là một năm học thành công nhất so với những năm gần đây. Sự thành công có sự đóng góp lớn của một vị Giám đốc Sở có tâm, có tài  và các Phó Giám đốc Sở, được cán bộ quản lý và giáo viên, học sinh Nghệ An tin tưởng, cảm phục”.

Năm học 2019-2020 vừa qua đối với cán bộ và giáo viên, học sinh, phụ huynh ở Nghệ An sẽ là một năm học không thể nào quên./.

.

Nguyễn Đình Anh