(Congannghean.vn)-Những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh đã quan tâm, triển khai các hoạt động y tế học đường (YTHĐ) đi vào nền nếp, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của học sinh… Tuy nhiên, hiện nay công tác YTHĐ vẫn còn tồn tại một số khó khăn, bất cập như: Tình trạng nhân viên y tế là kế toán, thủ quỹ… kiêm nhiệm, có nơi còn “trắng” nhân viên y tế; cơ sở vật chất chưa được đảm bảo…
Thực tế cho thấy, hoạt động YTHĐ không đơn giản chỉ là sơ cấp cứu, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh mà theo Thông tư liên tịch số 13/2016 của Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT quy định nội dung công việc: Tổ chức khám sức khỏe định kỳ và phân loại sức khỏe cho học sinh ít nhất mỗi năm một lần vào đầu năm học. Quản lý và lưu hồ sơ theo dõi sức khỏe của học sinh. Mua, bảo quản và cấp thuốc theo quy định. Chăm sóc sức khỏe ban đầu theo quy định của Bộ Y tế. Chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế trong những trường hợp cần thiết… Ở một số trường học, nhân viên y tế còn xây dựng khung dinh dưỡng hợp lý, giám sát khâu vệ sinh và lưu mẫu thức ăn hằng ngày để kiểm tra nếu không may xảy ra ngộ độc; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần cải thiện sức khỏe, tinh thần cho học sinh… Tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe; triển khai các chương trình phòng, chống dịch bệnh cho học sinh trong trường. Vì vậy, YTHĐ là một phần không thể thiếu trong trường học.
Quan tâm công tác YTHĐ là góp phần tạo dựng các thế hệ học sinh - chủ nhân tương lai của đất nước có trí tuệ và thể chất tốt |
Hàng năm, xác định vai trò rất quan trọng của YTHĐ, Sở GD&ĐT đều hướng dẫn cụ thể việc thực hiện công tác YTHĐ đối với các Phòng GD&ĐT và tiến hành triển khai đến các trường. Đơn cử như: Phối hợp với các cấp, ngành đẩy mạnh việc đầu tư cơ sở vật chất y tế cho các trường; tạo điều kiện để cán bộ y tế trường học được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc, tổ chức khám sức khỏe ban đầu… Các quy định về vệ sinh môi trường, đảm bảo dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm được quan tâm sát sao.
Các đơn vị trường học cũng tăng cường tổ chức lồng ghép công tác YTHĐ vào các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khoá và truyền thông về giáo dục sức khỏe, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, công tác bảo hiểm y tế đối với học sinh. Tuyên truyền giáo dục phòng, tránh tai nạn thương tích; xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp…
Mặc dù vậy, công tác YTHĐ vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn đang tồn tại. Tại nhiều trường, tình trạng nhân viên y tế là kế toán, thủ quỹ… kiêm nhiệm, thậm chí nhiều nơi còn “trắng” nhân viên y tế. Không chỉ thiếu nhân lực, một số trường vẫn chưa có phòng y tế, trang thiết bị; thiếu một số thuốc thiết yếu.
Năm học 2020 - 2021, huyện Tương Dương có 54 trường học thuộc 3 cấp: Mầm non, tiểu học và THCS nhưng chỉ có 4 trường học trên địa bàn huyện có nhân viên y tế. Những trường chưa có cán bộ chuyên trách thực hiện công tác y tế trường học, đang thực hiện cán bộ kế toán, văn thư… kiêm nhiệm phụ trách lĩnh vực y tế học đường. Còn một số trường thì ký hợp đồng; phối hợp với cán bộ trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe cho học sinh. Không chỉ thiếu về nhân lực mà do điều kiện cơ sở vật chất khó khăn, kinh phí hạn hẹp nên nhiều trường chưa có phòng y tế riêng mà phải ghép với phòng khác. Mặt khác, tủ thuốc và trang thiết bị y tế tại một số trường vẫn còn thiếu…
Được biết, kinh phí dành cho công tác YTHĐ chủ yếu lấy từ nguồn bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh. Nhà trường được trích một khoản kinh phí (5%) từ tổng thu bảo hiểm y tế để sử dụng cho công tác YTHĐ như: Mua sắm thuốc và các thiết bị phục vụ… Tuy nhiên, theo điểm a, khoản 1, Điều 34, Nghị định 146/2018/NĐ/CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT thì để được trích chuyển 5% số tiền BHYT học sinh, yêu cầu cơ sở giáo dục phải có ít nhất một người có đủ điều kiện hành nghề khám, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về khám, chữa bệnh làm việc chuyên trách hoặc kiêm nhiệm trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu. Cơ sở phải có phòng y tế hoặc phòng làm việc riêng để thực hiện việc sơ, cấp cứu, xử trí ban đầu cho các đối tượng do cơ sở giáo dục quản lý khi bị tai nạn thương tích, các bệnh thông thường trong thời gian học tập tại cơ sở giáo dục. Quy định này đã gây rất nhiều khó khăn cho các trường học, bởi trên thực tế, hầu hết các nhân viên y tế tại các trường học đều chưa có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh.
Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác YTHĐ, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ trong nhà trường và thực hiện tốt mục tiêu nâng cao tầm vóc, sức khoẻ và thể chất cho học sinh, bên cạnh nỗ lực của ngành GD&ÐT thì rất cần cùng sự chung tay của các cấp, ngành; sớm có giải pháp khắc phục những khó khăn, hạn chế.
.