(Congannghean.vn)-Thông tư 32 của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa cho phép sử dụng điện thoại trong lớp học nhằm phục vụ mục đích học tập ở bậc THPT, THCS đã gây nhiều tranh cãi. Nhiều giáo viên Nghệ An cho rằng, chủ trương cho học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học là một chủ trương “lợi ít, hại nhiều”. Bởi các em thường rất hào hứng, thậm chí rất dễ “nghiện” điện thoại, nếu không kiểm soát tốt sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy.
Không thể phủ nhận, điện thoại thông minh không chỉ để nghe gọi mà còn là nơi cung cấp kho tàng kiến thức thông qua kết nối internet, 4G. Bởi vậy, không sai khi nói rằng điện thoại di động phải được cho là một công cụ giáo dục. Chỉ với chiếc điện thoại thông minh, học sinh ngày nay có khả năng tiếp cận rất nhiều nguồn kiến thức khác nhau bổ sung cho kiến thức mà giáo viên và sách giáo khoa cung cấp.
Việc cho học sinh sử dụng điện thoại phục vụ học tập trong giờ học cần được cân nhắc kỹ trước khi áp dụng (Trong ảnh: Một giờ học của cô và trò khối THCS trên địa bàn tỉnh Nghệ An) |
Ngoài ra, chiếc điện thoại là phương tiện để duy trì mối liên hệ giữa phụ huynh và học sinh. Có điện thoại, phụ huynh bớt lo lắng về những bất trắc ngoài xã hội như bị trấn lột, cướp, giảm mối lo về việc con cái đi đâu, làm gì sau giờ tan học, nhất là với số học sinh đi xe tuyến. Tuy nhiên, điện thoại thông minh cũng mang đến một số nguy cơ ảnh hưởng tới sức khoẻ, khả năng tiếp thu của học sinh như nguy cơ nghiện game, sa đà vào nội dung xấu trên mạng xã hội, giảm giao tiếp với thế giới xung quanh.
Vì vậy, Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT cho phép học sinh được sử dụng điện thoại trong lớp khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều. Một số phụ huynh tin rằng, con họ cần có điện thoại ở trường để họ có thể liên lạc với con khi cần. Một số người cũng tin rằng, tốt hơn là thay vì cấm thì nên dạy trẻ cách sử dụng công nghệ có trách nhiệm. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến không đồng tình. Là phụ huynh của 2 học sinh, chị Trần Thị L. (ở xã Nghi Kim, TP Vinh) không đồng tình với việc cho học sinh đưa điện thoại vào lớp. Phụ huynh này cho rằng, các em thường rất hào hứng, thậm chí rất dễ “nghiện” điện thoại, nếu không kiểm soát tốt sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy. Trong giờ học, trước những vấn đề chưa biết, chưa hiểu, thay vì tập trung suy nghĩ thì các em lập tức tra cứu thông tin trên mạng. Điều đó khiến các em lười tư duy và trở nên thụ động. Hay thay vì tập trung nghe cô giảng bài thì các em lại sử dụng điện thoại để nhắn tin, nói chuyện với nhau và không phải lúc nào giáo viên cũng có thể kiểm soát tốt việc này.
Thầy Mai Văn Đạt, Bí thư Đoàn trường PT DTNT THPT số 2 nêu quan điểm: Chủ trương cho học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học là một chủ trương “lợi ít, hại nhiều”, ngay sau khi chủ trương đưa ra, nhiều giáo viên và phụ huynh không đồng tình. Theo tôi, nếu cho sử dụng điện thoại thì vô hình trung học sinh sẽ tập trung nhiều vào sử dụng điện thoại di động và tương tác với các bạn, thậm chí là quay hình tiết học giáo viên dạy trên lớp. Quan điểm của nhà trường là cấm học sinh sử dụng điện thoại di động và phụ huynh có cam kết, đồng hành với nhà trường ngay khi học sinh nhập học lớp 10. Để tạo điều kiện cho các em liên lạc về nhà, hàng tuần sẽ được sử dụng điện thoại tại căng tin của nhà trường.
Học sinh Trần Thị Mai Hương, Trường THPT Diễn Châu 5 (Diễn Châu) chia sẻ: Theo em, việc cho học sinh dùng điện thoại trong lớp có hai mặt. Mặt tốt là tạo sự thuận lợi khi cần tìm hiểu thêm thông tin phục vụ cho bài làm, lấy được điểm cộng của thầy cô bộ môn vì có những hiểu biết ngoài sách giáo khoa... Nhưng mặt trái là sẽ có bạn sử dụng điện thoại vào những mục đích không tốt như quay cóp, lướt web, vào facebook trong giờ học. Cá nhân em cho rằng để sử dụng điện thoại hiệu quả thì phải bắt nguồn từ ý thức của học sinh và phải có sự giám sát của gia đình, nhà trường.
.