(Congannghean.vn)-Thời gian gần đây, bạo lực học đường trên địa bàn cả nước nói chung và trên địa bàn Nghệ An nói riêng ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp. Nguyên nhân để xảy ra tình trạng này là do gia đình, nhà trường và xã hội chưa thật sự chung tay trong công tác phòng ngừa bạo lực học đường. Vì vậy, để ngăn chặn bạo lực học đường, nhà trường, xã hội cần đặc biệt chú trọng đến các hoạt động “phòng ngừa là chính”.
Các em học sinh Trường THCS Hưng Thái Nghĩa (Nam Đàn) được cán bộ văn hóa UBND xã, Công an huyện và nhà trường tuyên truyền về kỹ năng phòng, chống bạo lực học đường |
Theo thông tin từ nhà trường cho biết, trước đó, giữa em Nguyễn Thị Thu Hằng và em Nguyễn Thục Khánh cùng học lớp 8C, Trường THCS Hưng Thái Nghĩa có nhiều mâu thuẫn dẫn đến xích mích. Đã nhiều lần em Khánh có lời lẽ đe dọa và ra tay đánh em Hằng. Vì quá bức xúc, em Hằng đã nhờ một số bạn học cùng khối đi đánh lại. Vào giờ tan học ngày 8/6/2020, các em Ngô Thị Hằng, Phan Thị Hoài Giang và một số học sinh khác cùng học lớp 8C đã lên nhà em Nguyễn Thục Khánh ở xóm 9, xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn. Tại đây, 2 em Ngô Thị Hằng và Phan Thị Hoài Giang đã đánh em Khánh. Trong lúc 3 em nữ đánh nhau, nhiều em học sinh khác đứng ngoài xem, có em đã dùng điện thoại để quay video. Ngày 15/6/2020, video clip dài 3 phút quay sự việc 3 em nữ học sinh THCS Hưng Thái Nghĩa đánh nhau được phát tán trên mạng xã hội.
Theo nghiên cứu của nhiều chuyên gia, trung bình mỗi năm tại Việt Nam xảy ra khoảng 1.600 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học, riêng năm 2019 đã xảy ra hơn 2.000 vụ, tăng gấp 13 lần so với 10 năm trước. Theo thống kê cho thấy, đối tượng vi phạm trong các vụ bạo lực học đường chủ yếu là học sinh trong các trường học, trong đó bậc THCS chiếm tỉ lệ nhiều nhất. Đây thực sự là con số đáng báo động về tình trạng bạo lực học đường đã và đang rất nhức nhối. Qua các vụ việc bạo lực đã xảy ra thời gian qua, có thể thấy vấn đề bạo lực học đường không chỉ diễn ra giữa các em học sinh với nhau mà còn mở rộng sang các đối tượng như: Giáo viên với học sinh, giáo viên với giáo viên và phụ huynh với giáo viên... Bạo lực học đường giờ đây không chỉ diễn ra trong phạm vi nhà trường mà có xu hướng lan rộng ra bên ngoài và trên internet. Và quan trọng hơn, bạo lực học đường không chỉ là những hành vi bạo lực về thể xác mà còn là bạo lực, bạo hành về tinh thần...
Để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, ngành Giáo dục tỉnh đã tăng cường các giải pháp phòng, chống tình trạng này nhằm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện cho học sinh. Theo đó, tại các cơ sở giáo dục đã thành lập các tổ nắm bắt, theo dõi thông tin chung về GD&ĐT và tình hình bạo lực học đường; xây dựng hòm thư góp ý, đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý các thông tin về bạo lực học đường; xây dựng các mô hình điểm tạo môi trường học an toàn, thân thiện.
Các trường học trên địa bàn xây dựng và thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trong trường học; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, giá trị sống nhằm tạo sự chuyển biến trong thái độ, hành vi chuẩn mực của học sinh, giáo viên, cán bộ trong trường học. Các trường đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho học sinh, cán bộ, giáo viên về mối nguy hiểm và hậu quả của bạo lực học đường. Bên cạnh đó, nhà trường chú trọng tuyên truyền, giáo dục đạo đức, pháp luật, kỹ năng sống cho học sinh; tổ chức nhiều sân chơi bổ ích, lành mạnh, hình thành môi trường để học sinh sáng tạo, giúp các em tránh xa tệ nạn xã hội và phát triển nhân cách toàn diện… Cùng với đó, triển khai tích cực các đề án, chỉ thị, công văn của cấp trên về xây dựng trường học an toàn; phòng, chống bạo lực học đường; phối hợp với các ban, ngành, tăng cường thanh, kiểm tra các cơ sở giáo dục trong việc bảo đảm môi trường giáo dục an toàn; phòng, chống bạo lực học đường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Thường xuyên nắm bắt tình trạng bạo lực học đường thông qua các phương tiện thông tin, mạng xã hội để có những định hướng, chỉ đạo kịp thời.
Ông Nguyễn Trọng Bé, Trưởng phòng Chính trị, tư tưởng Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Để phòng, chống bạo lực học đường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các cơ sở giáo dục cần có nhiều giải pháp hiệu quả, có sự tham gia tích cực của các tổ chức trong và ngoài nhà trường, của các thầy, cô giáo. Ngành Giáo dục tỉnh đã có nhiều hoạt động nhằm phát huy vai trò giáo viên chủ nhiệm trong phòng, chống bạo lực học đường; như bồi dưỡng, tập huấn về đạo đức nhà giáo, tư vấn tâm lý, năng lực kiểm soát cảm xúc cá nhân và xử lý các tình huống sư phạm, vai trò nêu gương trong định hướng, nhắc nhở, giáo dục học sinh về tinh thần đoàn kết và thay đổi những hành vi lệch lạc, thiếu chuẩn mực; quan tâm các em học sinh cá biệt, học sinh yếu thế để có biện pháp giáo dục, giúp đỡ, bảo vệ phù hợp; chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các vụ bạo lực học đường bảo đảm công khai, nghiêm túc theo quy định của pháp luật… Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giải pháp mang tính tạm thời. Để ngăn chặn bạo lực học đường cần sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các tổ chức đoàn thể là điều hết sức quan trọng để xây dựng một môi trường sống an toàn, lành mạnh cho các em.
.