Thứ Năm, 16/05/2019, 16:00 [GMT+7]
Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh (19/5/1959 - 19/5/2019)

Huyền thoại một con đường

(Congannghean.vn)-Năm tháng trôi qua nhưng quyết tâm mở đường Trường Sơn vẫn mãi là một quyết định lịch sử, mang tầm chiến lược của Đảng, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. 60 năm trôi qua nhưng ý nghĩa của con đường huyền thoại vẫn tiếp tục tỏa sáng, truyền thêm ngọn lửa cách mạng cho thế hệ trẻ.

Đường Trường Sơn huyền thoại - Ảnh tư liệu
Đường Trường Sơn huyền thoại - Ảnh tư liệu

1. Căn nhà của bà Hồ Thị Thu Hiền, Đại đội trưởng 202-N241-P31 nằm khép mình trong căn ngõ nhỏ của đường Hồng Bàng, TP Vinh. Nếu không tiếp xúc, ít ai ngờ người phụ nữ nhỏ bé, mảnh khảnh ấy là chị cả của toàn Đại đội 202-N241-P31. Hơn 3 năm bám trụ trên tuyến lửa đường Trường Sơn, đơn vị của bà đã đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau. Ở đâu khó khăn nhất, gùi hàng nào nặng nhất, xe hàng nào cần được bốc dỡ nhanh nhất, là nơi đó có Đại đội trưởng Hồ Thị Thu Hiền. Đến bây giờ, khi thời gian in dấu trên mái tóc của người phụ nữ đã ngoài 70, ký ức về một thời hoa lửa vẫn khiến bà bồi hồi xúc động. Là lần chứng kiến đồng đội hy sinh, là những lúc kẻ địch uy hiếp thực hiện kế sách “Đốt sạch, phá sạch, giết sạch”, hay những kỷ niệm khó quên về những chuyến hành quân xuyên đêm với khẩu hiệu “Đi không dấu, nấu không khói, nói không to, ho không tiếng”.

22 tuổi, bà Hồ Thị Thu Hiền tham gia TNXP. Đến cuối năm 1970, đơn vị của bà được điều động ra Quảng Bình nhận nhiệm vụ rải đá chống lầy từ Đồng Hới đến Cồn. Đây là cung đường bị đánh phá ác liệt. Bà đã dũng cảm cùng với 2 đồng đội giải tỏa bom mìn, san lấp các hố bom để các đoàn xe tiến ra mặt trận. Đến năm 1971, đơn vị của bà Hiền được điều vào phục vụ mặt trận Trị - Thiên, đường 9 Nam Lào ác liệt. Bàn tay bà cùng đồng đội đã chai sạn vì gùi hàng, san lấp hố bom nay lại chăm sóc, vận chuyển các thương binh. Mệnh lệnh của cấp trên đã rõ: Trong mọi hoàn cảnh, công tác chuyển thương binh phải an toàn tuyệt đối. Khi hành quân, mỗi đội viên phải cuốc bộ 30 km đường núi và khi trở ra, phải cáng thương binh trên con đường mà giặc đã rải chi chít những mìn và bom nổ chậm. Khi cận kề cái chết, bà Hiền luôn là người xung phong tình nguyện đầu tiên. Cuối năm 2007, bà Hiền là 1 trong 6 người còn sống của Đại đội có tên trong danh sách được phong tặng Anh hùng LLVTND.

Trường Sơn là nơi ghi dấu những chiến công phi thường của bà Hiền và rất nhiều anh hùng khác. Trường Sơn cũng là nơi tỏa rạng phẩm chất, khí phách của những anh hùng vô danh. Họ là những người thầm lặng cống hiến tuổi xuân để thông đường, thông xe, vận chuyển hàng hóa và cả tiếng hát để Trường Sơn bớt khói lửa...

Bà Hồ Thị Thu Hiền và con gái
Bà Hồ Thị Thu Hiền và con gái

2. Từ khi ra đời cho đến khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 toàn thắng, đường Hồ Chí Minh không ngừng được mở rộng, kéo dài, ngày càng phát triển, vươn sâu tới các chiến trường, các hướng chiến lược, chiến dịch. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đường Hồ Chí Minh đã mở rộng, vươn dài tới Lộc Ninh (Bình Phước) với tổng chiều dài gần 17.000 km, đường cho xe cơ giới, đường giao liên dài trên 3.000 km; đường ống dẫn xăng dầu gần 1.400 km; cùng với hệ thống đường vòng tránh, hệ thống cung trạm, bình trạm, kho tàng, bến bãi, trạm bảo dưỡng sửa chữa xe máy được xây dựng ngày một hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng của chiến trường.

Bộ đội Trường Sơn từ một đơn vị nhỏ bé ban đầu đã trưởng thành nhanh chóng, bao gồm đủ các lực lượng: Công binh, vận tải, phòng không - không quân, bộ binh, giao liên, thông tin, hóa học, TNXP... thực sự trở thành một chiến trường tổng hợp, tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng trên quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cho các chiến trường. Với tinh thần “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Máu có thể đổ, đường không thể tắc”, bộ đội và dân công hỏa tuyến Trường Sơn đã bảo đảm cho giao thông thông suốt trong mọi tình huống.

Trong 16 năm, các lực lượng trên tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn đã chiến đấu trên 2.500 trận, diệt gần 17.000 tên địch, bắt 1.200 tên, gọi hàng trên 10.000 tên, bắn rơi 2.455 máy bay địch, phá hủy hàng vạn tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh khác của địch. Để giành thắng lợi vẻ vang đó, hơn 2 vạn cán bộ, chiến sỹ và TNXP đã hy sinh, gần 3 vạn người bị thương, hàng nghìn người bị ảnh hưởng nặng nề chất độc màu da cam của địch. Biết bao bộ đội, TNXP, dân công hỏa tuyến, đồng bào các dân tộc đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân để giữ vững mạch máu giao thông trên con đường huyền thoại này.

Cuộc chiến đấu chống “chiến tranh ngăn chặn” của bộ đội Trường Sơn là ác liệt nhất, dài ngày nhất, quy mô nhất, hiệu quả cao nhất. Mặc cho mưa bom bão đạn và sự đánh phá hủy diệt của kẻ thù, đường Hồ Chí Minh vẫn không ngừng “vươn sâu, vươn xa”, đáp ứng yêu cầu ngày càng nóng bỏng của tiền tuyến lớn miền Nam, chiến trường Lào và Campuchia. Lớp lớp thanh niên rời ruộng đồng, xưởng máy, trường học, theo tiếng gọi của non sông đất nước, lên đường đánh giặc, với ý chí “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Lớp cha trước, lớp con sau/ Đã thành đồng chí chung câu quân hành”. Công việc hậu phương dồn xuống đôi vai của người ở lại… Đằng đẵng những năm tháng chiến tranh ấy, bao người mẹ, người vợ, người chị, người em cắn răng chịu đựng thiếu thốn, vất vả, gian lao, thực hiện “ba đảm đang” để cho người thân yên lòng ra trận.

3. Trong suốt 16 năm, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh và bộ đội Trường Sơn đã phát huy vai trò to lớn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện từ hậu phương lớn cho các chiến trường miền Nam Việt Nam, Lào và Campuchia, góp phần to lớn làm nên cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968, cuộc Tiến công chiến lược năm 1972, Chiến thắng đường 9 - Nam Lào. Đặc biệt, từ năm 1973 đến năm 1975, Bộ đội Trường Sơn đã nỗ lực vượt bậc, ra sức xây dựng, tu sửa, nâng cao chất lượng cầu đường, đáp ứng yêu cầu của thời cơ chiến lược mới trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Chấp hành nghiêm mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh, quán triệt phương châm “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, Bộ đội Trường Sơn đã nhanh chóng tổ chức vận chuyển từng binh đoàn chủ lực lớn của quân đội ta, đưa một khối lượng cơ sở vật chất kỹ thuật lớn tới chiến trường miền Nam, luôn bám sát các mũi tiến công của bộ binh, vừa tháo gỡ bom mìn, vừa nhanh chóng sửa chữa, bắc lại cầu mới cho đại quân ta tiến vào giải phóng các thành phố, thị xã và giải phóng Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên Đại thắng mùa Xuân 30/4/1975.

60 năm đã trôi qua từ khi quyết định lịch sử ấy, nhưng hào khí và quyết tâm mạnh mẽ của cả thế hệ vẫn khiến chúng ta không khỏi ngưỡng mộ, tự hào. Vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, lực lượng chiến đấu, công tác trên đường Trường Sơn suốt bao năm ròng không tiếc tuổi xuân, không tiếc máu xương, vì sự sống của con đường, đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bền bỉ và kiên cường bám trụ trận địa, bám trụ mặt đường, giữ vững mạch máu giao thông, đập tan mọi âm mưu và hành động đánh phá ngăn chặn của quân thù. Chính niềm tin và sự quyết tâm của hàng nghìn bộ đội Trường Sơn đã làm nên một huyền thoại, huyền thoại về một thế hệ kiên cường:

“Một dãy núi mà hai màu mây

Nơi nắng nơi mưa, khí trời cũng khác

Như anh với em, như Nam với Bắc

Như Ðông với Tây một dải rừng liền”
                    ...

“Ðoàn quân vẫn đi vội vã

Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa

Chào em, em gái tiền phương

Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn”...

.

Tuệ Trang

.