(Congannghean.vn)-Y tế học đường (YTHĐ) có vai trò rất quan trọng, là nơi sơ cấp cứu ban đầu cho học sinh trong những trường hợp tai nạn thương tích trước khi chuyển đến bệnh viện; chăm sóc sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh có nguy cơ lây nhiễm trong trường học... Thế nhưng, hiện nay, công tác YTHĐ vẫn chưa được đầu tư, quan tâm đúng mức.
Cán bộ y tế Trường Mầm non Nghi Đức, TP Vinh khám ban đầu cho trẻ |
Nỗ lực của ngành Giáo dục
Những năm qua, YTHĐ đã góp phần tích cực trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, giáo viên tại các trường học. Thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Sở Y tế tổ chức nhiều đợt tập huấn về nghiệp vụ điều trị cũng như công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại các trường học bán trú; công tác tuyên truyền về phòng ngừa các dịch bệnh, vệ sinh môi trường… Đặc biệt, công tác truyền thông giáo dục giới tính, phòng, chống ma túy, sức khỏe vị thành niên được đẩy mạnh, nhất là ở bậc THCS và THPT; tuyên truyền cho học sinh tham gia mua BHYT bắt buộc, khám sức khỏe ban đầu theo định kỳ đến hết năm học.
Ngoài ra, trong năm học 2017 - 2018, Sở cũng đã đẩy mạnh việc đầu tư cơ sở vật chất y tế cho các trường. Số trường nâng cấp, cải tạo lại phòng y tế, công trình vệ sinh, công trình nước sạch ngày càng tăng lên rõ rệt. Đến nay, công trình nước sạch và nhà vệ sinh đạt chuẩn của Bộ là: bậc Mầm non đạt tỉ lệ 90%; Tiểu học 75%; THCS và THPT trên 50%. Sở cũng phối hợp với Sở Y tế thường xuyên kiểm tra, giám sát vệ sinh y tế trường học.
Tại trường Mầm non Nghi Đức (xã Nghi Đức, TP Vinh), toàn trường có 450 cháu, có 1 cán bộ chuyên trách y tế học đường. Định kỳ 3 lần/năm, nhà trường phối hợp với Bệnh viện Giao thông Vận tải Vinh để khám, chữa bệnh cho các cháu; đồng thời thường xuyên thăm khám, đo chiều cao, cân nặng, huyết áp… để theo dõi, đảm bảo sức khỏe cho các cháu học tập. Bên cạnh đó, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng được chú trọng.
Vẫn còn nhiều trăn trở
Mặc dù công tác YTHĐ đã nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, tạo chuyển biến trong hoạt động YTHĐ tại các trường học, song trên thực tế vẫn còn gặp không ít khó khăn. Toàn tỉnh hiện có 529 trường mầm non, 543 trường tiểu học, 409 trường THCS và 89 trường THPT. Trong đó, chỉ có các trường mầm non và THPT là có hơn 80% cán bộ y tế chuyên trách, còn lại các bậc học khác số cán bộ kiêm nhiệm đang chiếm phần lớn. Cụ thể, ở bậc tiểu học, cán bộ y tế chuyên trách chỉ 283 người, kiêm nhiệm là 260 người; bậc THCS, cán bộ y tế chuyên trách là 141 người và 268 người kiêm nhiệm.
Từ năm 2015 đến nay, do biên chế dôi dư, các địa phương không bố trí được cán bộ y tế học đường nên nhà trường tự làm hợp đồng ngắn hạn, song đội ngũ cán bộ y tế chuyên trách vẫn còn thiếu. Tại các trường, văn thư, kế toán và thậm chí là giáo viên dạy bộ môn Sinh học kiêm luôn nhiệm vụ của một cán bộ y tế nhà trường.
Giải thích về điều này, ông Nguyễn Đình Thái, Phó Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT cho rằng, theo Công văn số 2378/VPCP-KGVX ngày 8/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ, về việc tạm ngừng tuyển dụng nhân viên y tế, kế toán tại các bậc học mầm non, phổ thông nên đội ngũ cán bộ chuyên trách YTHĐ đã thiếu lại thiếu hơn. Ngoài ra, hiện chưa có kinh phí dành riêng cho công tác YTHĐ. Kinh phí dùng để triển khai các hoạt động YTHĐ chủ yếu từ quỹ BHYT học sinh trích lại cho các trường, kinh phí của các huyện, thị xã, thành phố cũng như các xã, phường, thị trấn hỗ trợ còn ít, nhiều nơi không có kinh phí cho công tác này. Vì vậy, việc bố trí kinh phí cho công tác YTHĐ tại các trường học gặp không ít khó khăn.
Chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu cho học sinh trong nhà trường là một trong những yếu tố góp phần vào thành công chung của sự nghiệp GD&ĐT. Thiết nghĩ, để hiệu quả YTHĐ được nâng cao, ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, ngành Giáo dục cần chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác YTHĐ; quan tâm bố trí nguồn kinh phí hợp lý cho công tác này. Ngoài ra, tăng cường hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe cho học sinh, nhất là tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh.