(Congannghean.vn)-Sở GD&ĐT Nghệ An vừa ra quyết định đình chỉ 7 đơn vị tư vấn du học hoạt động trên địa bàn TP Vinh. Động thái này nhằm siết chặt việc quản lý hoạt động du học. Đây cũng là lời cảnh tỉnh cho những ai có ảo tưởng về thiên đường du học, bởi thực chất du học hiện nay không còn thật sự là “cánh cửa sáng” như trước đây.
Đình chỉ 7 đơn vị tư vấn du học
Theo Quyết định số 350-QĐ/GD-ĐT của Sở GD&ĐT Nghệ An ngày 23/3/2016 về việc quyết định đình chỉ hoạt động dịch vụ, tư vấn du học, 7 đơn vị phải ngừng hoạt động trong thời gian từ ngày 25/3 - 25/4.
Một trong những đơn vị vừa bị Sở GD&ĐT Nghệ An ra quyết định đình chỉ hoạt động tư vấn du học |
Cụ thể, Văn phòng tư vấn du học bị đình chỉ bao gồm: Công ty Cổ phần quốc tế Chang My (37C Lê Văn Hưu), Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại quốc tế Thái Bình Dương (204 Hà Huy Tập), Công ty Cổ phần phát triển hợp tác Thương mại Hữu nghị Việt - Úc (125 Hà Huy Tập), Văn phòng Công ty TNHH Tư vấn Du học quốc tế Day Star Nghệ An (28 Lê Nin), Công ty TNHH Xây dựng và Du học Diệu Linh (13, ngõ 1 Trần Thủ Độ), Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Hoàng Nguyên Sơn (181C Phan Đình Phùng) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Sa Ra (Km02 Lê Nin).
Theo ông Thái Huy Vinh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, việc đình chỉ trên xuất phát từ lý do, các công ty dừng hoạt động trên 6 tháng liên tục kể từ ngày được cấp phép hoạt động nhưng không thông báo với cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, không đảm bảo các điều kiện để tổ chức hoạt động dịch vụ tư vấn du học.
Cá biệt như Công ty Cổ phần quốc tế Chang My thay đổi địa chỉ hoạt động nhưng không thông báo với cơ quan chức năng. Thậm chí, qua kiểm tra, có đến 4 đơn vị không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký ban đầu, hiện hoạt động ở đâu cũng không ai biết để giám sát, quản lý. Điều đó cho thấy, hoạt động tư vấn du học hiện nay còn mang tính tùy tiện và bột phát, kiểu “mạnh ai nấy làm”.
Song song với việc đình chỉ hoạt động, Sở GD&ĐT Nghệ An cũng yêu cầu, trong thời gian đình chỉ hoạt động, các đơn vị này phải giải quyết các quyền lợi của người học và hoàn thành các thủ tục, hồ sơ liên quan theo quy định hiện hành. Nếu hết thời gian đình chỉ hoạt động mà các tổ chức dịch vụ tư vấn du học không đáp ứng đủ điều kiện hoạt động trở lại thì sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận hoạt động theo quy định.
Du học không phải là “miền đất hứa”
Từ trước đến nay, đối tượng du học thường chỉ thuộc 2 diện là gia đình khá giả và có năng lực thực sự. Nếu không du học tự túc, cũng phải “săn” được học bổng của các tổ chức nước ngoài thì mới dám mơ đến việc tu nghiệp ở nước ngoài. Du học là niềm mơ ước cháy bỏng của rất nhiều người. Tuy nhiên, những năm gần đây, thị trường du học đã mở ra tại nhiều quốc gia. Các nước láng giềng như Trung Quốc, Lào cũng có quan hệ liên kết du học nên số lượng người đi du học ngày càng tăng cao.
Vài năm trở lại đây, Nhật Bản trở thành điểm đến của rất nhiều thành phần bởi những lời giới thiệu, hứa hẹn hết sức hấp dẫn về việc vừa học vừa làm, không những có thể tự trang trải mà còn có khoản tích cóp, dôi dư mang về sau khi học xong.
Thống kê cho thấy, phần lớn những người đi du học Nhật Bản đều là con em nông dân nghèo, vì lời giới thiệu vừa học vừa làm thêm, mỗi tháng kiếm được khoảng 30 triệu đồng nên nhiều gia đình đã vay từ 220 - 240 triệu đồng nộp cho các đơn vị tư vấn để con em được xuất ngoại.
Cũng vì nóng vội, nhiều người vội vã ra nước ngoài theo con đường du học để lập nghiệp nhưng lại không tìm hiểu kỹ, không trang bị tốt ngoại ngữ cũng như các kiến thức cơ bản tại nước bản địa, dẫn đến “hụt hơi” ở xứ người.
Trần Văn T. (SN 1993) trú tại phường Trường Thi, TP Vinh, du học sinh tại Nhật Bản cho biết, T. du học tại Nhật Bản đã hơn 3 năm nay. Cuộc sống tại đây rất khắc nghiệt, đòi hỏi trình độ ngoại ngữ cao, thu nhập từ việc làm thêm tối đa có thể lên đến 30 triệu đồng/tháng, nhưng chỉ dành cho những người có tay nghề cao. Ngoài ra, học phí, tiền thuê trọ và ăn uống, sinh hoạt cũng rất đắt đỏ.
T. cho biết thêm, theo quy định của Nhật Bản, du học sinh chỉ được phép làm thêm 4 giờ/ngày và không được phép làm quá 28 giờ/tuần. Vì không tìm hiểu về quy định trên hay cố gắng làm thêm giờ, nhiều người đã bị cảnh sát sở tại bắt giữ; trong đó, có nhiều trường hợp du học sinh bị trục xuất.
Liên quan đến du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản, mới đây, vào ngày 20/3 vừa qua, có 2 du học sinh bị ngược đãi và làm thêm quá giờ tại thành phố Osaka, buộc chính quyền và cảnh sát sở tại phải can thiệp.
Không riêng tại Nhật Bản, ở nhiều nước như Pháp, Mỹ, Canada, nhiều du học sinh phải sống rất vất vả, đặc biệt là những trường hợp du học tự túc. Không chỉ phải bỏ ra một khoản tiền lớn chi phí thị thực (visa), thủ tục ban đầu thông qua các đơn vị tư vấn, hàng tháng, họ phải tốn hàng trăm triệu đồng để trang trải cuộc sống, khiến nhiều gia đình chấp nhận “đứt gánh giữa đường”. Đó là chưa kể nhiều trường hợp sau khi du học trở về lại thất nghiệp vì bằng cấp, trình độ không tương xứng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng chung quy lại là do các đơn vị môi giới, tư vấn du học đã vẽ ra “bánh vẽ” quá lớn, khiến nhiều người nhầm tưởng, dẫn đến rơi vào trạng thái khủng hoảng, tiến thoái lưỡng nan nơi xứ người.