(Congannghean.vn)-Trong những năm gần đây, số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào các trường ĐH - CĐ có xu hướng giảm dần bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Thay vào đó, nhiều học sinh sau khi học xong chương trình THCS, THPT đã đăng ký học nghề trong thời gian ngắn để có thể kiếm sống ngay sau đó. Đây cũng là vấn đề đang đặt ra đối với các cấp, ngành trong công tác nâng cao chất lượng dạy nghề và cân đối nguồn nhân lực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Cử nhân đi làm công nhân
Việc sinh viên sau 4 - 5 năm được bố mẹ “bao cấp” cho theo học Đại học, đến khi ra trường cầm tấm bằng cử nhân đi xin việc ở khắp các cơ quan, ban, ngành nhưng không có kết quả là thực trạng khá phổ biến hiện nay. Số cử nhân ra trường không xin được việc phải đi làm công nhân, thậm chí làm lao động phổ thông tại các công trường xây dựng, nhân viên dọn phòng… đang chiếm số lượng lớn. Đây cũng là thực trạng chung xảy ra ở phần lớn các địa phương trên cả nước.
Nhiều cử nhân chấp nhận đi làm công nhân vì không xin được việc làm đúng với trình độ, ngành nghề được đào tạo |
Hiện nay, tại khu công nghiệp Bắc Vinh, số lượng cử nhân làm công nhân không hề ít. Tuy nhiên, do đặc thù tuyển dụng lao động nên hầu hết các em đều không kê khai trình độ chuyên môn được đào tạo. Điển hình như em Trần Thị Duyên, quê ở xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu, là cử nhân tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành Sư phạm Lịch sử của Trường Đại học Vinh, nhưng sau khi ra trường không xin được việc tại quê nhà nên phải vào Nam làm công nhân của một công ty giày da. Vẫn biết không được làm đúng nghề đã đào tạo, nhưng vì hoàn cảnh gia đình, Duyên đành chấp nhận làm công nhân để có tiền trang trải cuộc sống.
Qua tìm hiểu được biết, khi nhà tuyển dụng biết thông tin người lao động cần tuyển đã có bằng tốt nghiệp ĐH thì họ rất ngại tiếp nhận vì lý do: Người có trình độ ĐH hay có tư tưởng… “nhảy việc”. Một lý do nữa là hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đều sử dụng lao động phổ thông, chi trả lương phù hợp với cân đối ngân sách của đơn vị, dẫn tới không yêu cầu trình độ ĐH.
Đó là thực trạng chung của không ít cử nhân trên địa bàn Nghệ An, sau khi tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ chính quy vẫn không thể xin được việc làm theo đúng ngành nghề đã đào tạo. Hiện chưa có con số thống kê chính xác nhưng trên thực tế, mỗi năm có đến hàng trăm cử nhân ra trường đều rơi vào cảnh thất nghiệp và phải chấp nhận đi làm công nhân để kiếm sống.
Xu hướng học nghề tăng
Một thực tế hiện nay cho thấy, tâm lý của các bậc phụ huynh không muốn con em mình đăng ký dự thi ĐH - CĐ ngày càng tăng. Nguyên nhân chủ yếu cũng là nỗi lo lắng của không ít gia đình là sau khi ra trường, con em mình sẽ không xin được việc làm. Trong khi đó, số tiền “đầu tư” trong những năm con em học ĐH không hề nhỏ, thậm chí có thể là gánh nặng, trở thành những khoản nợ “lãi mẹ đẻ lãi con” đối với những gia đình nghèo. Vì vậy, họ đã hướng con em đi học nghề để có thể dễ dàng xin được việc sau một thời gian ngắn được đào tạo. Thậm chí, có nhiều học sinh sau khi học xong chương trình THPT đã được cha mẹ cho đi làm luôn để kiếm sống.
Có thể thấy, những nguyên nhân trên đã dẫn đến số lượng thí sinh không đăng ký thi ĐH - CĐ trong các năm gần đây có xu hướng tăng cao. Đơn cử, theo số liệu vừa được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh công bố thì số lượng thí sinh không đăng ký dự thi ĐH - CĐ năm 2015 là hơn 12.000 em, chiếm khoảng 37% số thí sinh đăng ký tham dự kì thi THPT quốc gia năm nay, nhiều hơn 1.000 thí sinh so với dự kiến. Số lượng thí sinh không đăng ký thi ĐH - CĐ chủ yếu tập trung ở các huyện miền núi của tỉnh. Cá biệt, một số trường THPT trên địa bàn TP Vinh có số lượng lớn học sinh không đăng ký dự thi ĐH - CĐ như: Trường THPT Nguyễn Trường Tộ, THPT Lê Viết Thuật, THPT Nguyễn Trãi…
Theo ông Thái Viết Thảo, Trưởng phòng Khảo thí, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, việc có nhiều học sinh không đăng ký dự thi ĐH - CĐ năm 2015 có thể là do trước đó, các em đã được định hướng vào các trường, cơ sở dạy nghề. Hoặc cũng có thể do các em nhận thức được học lực của mình nên đã không đăng ký thi ĐH - CĐ.
Như vậy, xu hướng học sinh cuối cấp THPT không muốn đăng ký dự thi ĐH - CĐ là đã rõ. Tuy nhiên, việc các em “đua nhau” đăng ký vào các cơ sở đào tạo dạy nghề sẽ đặt ra “bài toán” nan giải về giải quyết việc làm trong thời gian tới. Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn Nghệ An, số người trong độ tuổi lao động trung bình hàng năm chiếm trên 50% dân số cả tỉnh.
Chính vì vậy, giải pháp trước mắt cũng như lâu dài là các ban, ngành cần tiếp tục quan tâm, đầu tư hơn nữa tới công tác đào tạo nghề. Mặt khác, nên khuyến khích các cơ sở dạy nghề đẩy mạnh việc đầu tư đổi mới giáo án, phương pháp dạy nghề để nâng cao chất lượng của học viên. Đặc biệt, việc liên kết với các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn để chọn nghề, hướng nghiệp cho thí sinh sau khi ra trường có việc làm cũng cần được triển khai tích cực và đồng bộ hơn nữa.
.