Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201505/dung-de-sach-ban-dau-doc-tam-hon-tre-606843/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201505/dung-de-sach-ban-dau-doc-tam-hon-tre-606843/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Đừng để sách 'bẩn' đầu độc tâm hồn trẻ - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 09/05/2015, 10:02 [GMT+7]

Đừng để sách 'bẩn' đầu độc tâm hồn trẻ

(Congannghean.vn)-Trong khi xã hội đang kêu gọi và có nhiều cách làm để xây dựng và phát triển thói quen đọc sách, hình thành văn hóa đọc thì thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều sách giáo khoa, truyện tranh phản cảm, thiếu văn hóa gây bức xúc trong dư luận. Đáng buồn hơn, đó là những cuốn sách dành cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng, đối tượng cần được giáo dục, nuôi dưỡng về nhân cách và tâm hồn thì những cuốn sách đó đã vô tình đầu độc tâm hồn trong sáng của con trẻ.
 
Một chuyên gia văn học dân gian đã nói rằng, văn chương là sản phẩm tinh thần cần sự trau chuốt, hoàn thiện để đạt đến giá trị chân - thiện - mỹ, đặc biệt là sách giáo khoa, sách dành cho trẻ em. Bởi, trẻ em như những tờ giấy trắng, vốn nhạy cảm nên rất cần được bồi dưỡng về tâm hồn. Ngôn ngữ, nội dung trong sách dành cho thiếu nhi phải giữ được sự trong sáng. Thế nhưng, một số nhà xuất bản đã bỏ quên điều đó. Bằng chứng là liên tiếp trong thời gian gần đây, những dây chuyền làm sách ẩu đã bị phát hiện, những cuốn sách giáo khoa, sách dành cho trẻ em có nội dung nhảm nhí, phản cảm, gây sốc đã bị cơ quan chức năng thu giữ. 
Nhiều loại sách “bẩn” vẫn được phát hành “trôi nổi” trên thị trường,  ảnh hưởng đến tâm hồn trong sáng của trẻ
Nhiều loại sách “bẩn” vẫn được phát hành “trôi nổi” trên thị trường, ảnh hưởng đến tâm hồn trong sáng của trẻ
Những chi tiết trong truyện Thạch Sanh của tập “Truyện cổ tích Việt Nam” do NXB Kim Đồng tái bản vào tháng 10/2014 khiến người đọc bị sốc nặng. “Người mẹ trước khi chết, cởi chiếc quần độc nhất của mình nhường cho Thạch Sanh để con không phải cởi truồng”. Cảnh Thạch Sanh đánh nhau với trăn tinh được mô tả rất bạo lực: “Thạch Sanh giơ búa nhè giữa đầu trăn bổ xuống thật mạnh, nó bị vỡ đầu, óc phọt chết tươi...”. Những hình ảnh sọ dừa trong truyện cổ tích được vẽ cẩu thả, thành sọ người gớm ghiếc khiến người đọc thấy ghê sợ. Còn nhớ cách đây một thời gian chưa lâu, truyện cổ tích về các loài chim và muông thú làm cho bậc phụ huynh và người đọc sốc nặng khi sặc mùi 18 +, với những chi tiết mang tính gợi dục, tục tĩu đến thô thiển. 
 
Qua tìm hiểu được biết, không chỉ những cuốn sách này mà còn nhiều loại sách dành cho thiếu nhi mang nội dung phản cảm cũng đang “trôi nổi” trên thị trường. Những cuốn truyện cổ tích - “người bạn gối đầu giường” của trẻ thơ bỗng chốc bị làm ẩu đến sơ sài, thậm chí dung tục bởi những “sáng tạo” thiếu văn hóa của người lớn.
 
Chị Phan Thị Thảo trú tại phường Vinh Tân, TP Vinh - người từng phản ánh với phóng viên về cuốn sách “Hỏi nhanh, đáp trí”, do NXB Văn hóa - Thông tin phát hành, có những hình ảnh, nội dung bạo lực, cho biết: “Dù công việc bận rộn đến mấy, buổi tối tôi vẫn tranh thủ kèm con học bài. Tuy nhiên, để kiểm soát, chọn lọc sách cho con thì quả thật mất rất nhiều thời gian. Đôi lúc, các bậc phụ huynh bỏ mặc con với những cuốn sách dành cho thiếu nhi, yên tâm vì nó đã được kiểm duyệt mà không hề hay biết rằng có nhiều sách “bẩn” đang đầu độc con em mình”. 
 
Trở lại với những chi tiết phản cảm trong câu chuyện Thạch Sanh hay Tấm Cám được phóng tác gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua, các nhà xuất bản đổ lỗi cho “dị bản”. Truyện cổ tích, dân gian xưa có nhiều dị bản khác nhau, thậm chí nhiều dị bản quái dị đó là vì nó được kể lại và lưu truyền từ người này qua người khác, ở mỗi thời điểm khác nhau nên có tính phong phú về cách thức lẫn nội dung truyền đạt.
 
Tuy nhiên, không vì thế mà người ta có quyền phóng tác ẩu, bất chấp giá trị nhân văn, chân - thiện - mỹ trong từng câu chuyện. Và đó cũng chỉ là lý do để các nhà xuất bản, nhà biên soạn biện minh cho sự cẩu thả của mình. Bởi, dị bản cũng cần phải chắt lọc làm sao cho phù hợp và mang ý nghĩa nhân văn, giáo dục người đọc. Làm sao chúng ta có thể giáo dục trẻ về tình yêu thương, lòng nhân ái khi mà xung quanh chúng toàn những câu chuyện, hình ảnh bạo lực và hành vi độc ác. 
 
Thị trường sách hiện nay vô cùng phong phú và đa dạng, sách dành cho thiếu nhi thì nhiều vô kể. Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt đó, những người làm sách đang chạy đua theo lợi nhuận mà bỏ quên trách nhiệm của mình, để rồi những cuốn sách “bẩn” cứ thế được in ấn, phát hành ra thị trường. Sự cẩu thả đó sẽ gây tác hại rất nghiêm trọng đối với thế hệ trẻ sau này nếu như không được phát hiện kịp thời và xử lý một cách nghiêm khắc. Trước khi có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, các bậc phụ huynh hãy là người tiêu dùng sáng suốt, thông minh để lựa chọn cho con những cuốn sách phù hợp.
.

Huyền Thương

.